Vụ lừa đảo hàng chục container hạt điều xuất sang Ý: Doanh nghiệp 'ngã ngửa' vì quá tin môi giới
Khi xuất khẩu hàng chục container hạt điều sang Ý cách đây gần nửa năm, các doanh nghiệp (VN) Việt Nam đã quá tin tưởng vào công ty môi giới, không cảnh giác trước những dấu hiệu bất thường. Sau đó, DN mới 'ngã ngửa' các thông tin, địa chỉ nêu trong hợp đồng là địa chỉ giả, hoặc không phải nơi đăng ký DN...
Quá tin vào môi giới
Thời gian qua, dư luận và cộng đồng DN rất quan tâm vụ việc các DN Việt Nam bị lừa khi xuất khẩu hàng chục container hạt điều sang Ý.
Tại hội thảo “Phòng ngừa tranh chấp, lừa đảo trong thương mại quốc tế” chiều 23/8 tại Hà Nội, câu chuyện này lại được nhắc đến nhằm chia sẻ kinh nghiệm và rút ra bài học cho các DN Việt trong hoạt động mua bán quốc tế.
Ông Bạch Khánh Nhựt - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) cho biết, sau hơn 5 tháng, đến nay, vụ các container hạt điều gặp vướng mắc về hồ sơ chứng từ của các lô hàng gửi đến Ý đã được xử lý cơ bản thành công.
Từ nguy cơ mất trắng hàng chục container, với trị giá hàng trăm tỷ đồng, các DN xuất khẩu Việt Nam đã không mất một container nào vào tay những kẻ lừa đảo mặc dù chúng đã chiếm đoạt được gần 40 bộ chứng từ gốc (BCTG) của gần 40 container.
Với sự vào cuộc nhanh chóng, quyết liệt của VINACAS, Thương vụ Việt Nam tại và các bộ, ngành liên quan; đặc biệt là sự chỉ đạo kịp thời, sâu sát của Thủ tướng Chính phủ; cũng như sự chủ động của các DN, vụ việc đã và đang được giải quyết.
Cụ thể, trong số 76 container của 5 DN đã ký hợp đồng, có 5 container giữ lại kịp, không xuất hàng, còn 71 container đã xuất đi. Thu hồi kịp thời 38 bộ chứng từ gốc, từ đó thu hồi lại hàng hóa.
Chỉ ra những nguyên nhân khiến các DN bị lừa, Phó Chủ tịch Thường trực VINACAS cho rằng, các DN đã quá tin tưởng vào công ty môi giới, không kiểm tra thông tin đối tác. Do đó, sau khi nhận thấy dấu hiệu lừa đảo, tìm hiểu thì DN mới "ngã ngửa" các thông tin, địa chỉ nêu trong hợp đồng là địa chỉ giả, hoặc không phải nơi đăng ký DN.
Đặc biệt, các đối tượng lừa đảo đã "đánh" vào tâm lý của DN là thời điểm dịch bệnh COVID-19, khan hiếm đơn hàng xuất khẩu, chưa kể là các đơn hàng có giá trị lớn, nên khi có đối tác đặt mua hàng chục container, các DN đã rất phấn khởi và bỏ qua các khâu kiểm tra.
Có DN nhận đề nghị ký hợp đồng xuất khẩu với số lượng lớn hạt điều vào đúng dịp Tết Âm lịch. Công nhân đã nghỉ Tết, DN phải huy động người làm tại địa phương, trả công gấp nhiều lần để đóng gói hàng, kịp thời gian xuất khẩu cho đối tác.
"Trước đó, thị trường Ý nhập khẩu rất ít hạt điều Việt Nam, nhưng chỉ trong vài ngày đã có đối tác đề nghị ký hợp đồng xuất khẩu hàng chục container, đó là dấu hiệu bất thường. Tuy nhiên, các DN xuất khẩu vì mong muốn xuất được đơn hàng lớn mà thiếu cẩn trọng. Thêm một dấu hiệu bất thường khác là đối tác nhập khẩu liên tục hối thúc các DN xuất khẩu Việt Nam cung cấp mã vận đơn, trong khi đây là thông tin cần bảo mật", ông Bạch Khánh Nhựt thông tin.
Cảnh giác trước những dấu hiệu bất thường
Từ vụ việc trên, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội điều Việt Nam cho rằng, các DN Việt Nam cần rút ra một số bài học. Đó là, trong kinh doanh quốc tế, vai trò của môi giới là rất quan trọng nhưng DN cần có sự kiểm tra đối tác một cách độc lập. Ở đây, vai trò của các thương vụ tại nước sở tại là rất quan trọng. Hiệp hội rất mong các thương vụ hoạt động hiệu qua trong vấn đề này để hỗ trợ DN Việt Nam.
Các DN cần cảnh giác với các dấu hiệu bất thường từ đối tác cho dù kẻ lừa đảo thường dùng các thủ đoạn rất tinh vi. Nên dùng các phương thức thanh toán an toàn hơn cũng như trao đổi thông tin với đồng nghiệp để phát hiện các dấu hiệu lừa đảo.
Ông Ngô Khắc Lễ - Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam khuyến nghị, DN cần cố gắng kiểm soát "lòng tham" trong kinh doanh vì đó là mục tiêu đối tác xấu nhắm đến ngay từ ban đầu. Đối tác có thể đưa ra mức giá tốt, mời đi du lịch miễn phí... Trong quá trình làm ăn với nhau thời gian sau đó, đối tác có thể tăng số lượng hàng để có trị giá hợp đồng cao hơn đến mức nào đó. Đối tác cũng có thể dùng sơ hở có từ trước, hoặc mới phát sinh và vì đã tin tưởng nhau để lừa đảo DN.
Ngoài ra, DN nên thuê tư vấn soạn thảo hợp đồng. Thực tế, nhiều DN ngại thuê do chưa quen, hoặc sợ tốn kém nhưng thực tế cho thấy, so với tổn thất thì không đáng là bao và phải coi đây là "đầu tư cho kiến thức" để tránh rủi ro chứ không phải là "chi phí" của DN. Nhìn rộng hơn, đầu tư một lần có thể dùng cho thời gian dài nên tính theo năm và trên doanh số thì cũng không đáng kể.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Minh Đức - chuyên gia Ban Pháp chế của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) dẫn kết quả khảo sát của PwC - một trong bốn công ty kiểm toán hàng đầu thế giới hiện nay cho biết, tỷ lệ DN toàn cầu cho biết là nạn nhân của lừa đảo và tội phạm kinh tế trong năm 2018 là 49%.
Trong khi đó, với DN Việt Nam, năm 2018 có 52% DN tham gia khảo sát của PwC cho rằng, họ trải nghiệm lừa đảo hoặc tội phạm kinh tế khác, tức là cao hơn mức trung bình của thế giới (49%) và khu vực châu Á Thái Bình Dương (46%).
Trong đó, về lừa đảo, tội phạm từ bên ngoài, đặc điểm của các DN Việt Nam là bị lừa từ khách hàng, nhà cung cấp, các trung gian đại lý nhiều hơn so với các DN thế giới. Các DN toàn cầu bị lừa bởi hacker, các băng nhóm tội phạm thì cao hơn.
Khi hỏi kỹ hơn các DN có biện pháp phòng chống lừa đảo nào thì điều tương đối đáng quan ngại là tỷ lệ DN Việt Nam có các biện pháp chống lừa đảo thấp hơn so với DN toàn cầu.
Thêm vào đó, biện pháp chống lừa đảo hay gặp nhất là kiểm tra một bên thông qua bên thứ ba. Tuy nhiên, các DN Việt Nam có tỷ lệ trả lời có làm thường xuyên hoặc mức độ thực hiện biện pháp này rất thấp so với thế giới.
Điều này cho thấy bản thân các DN Việt Nam chưa chú trọng các biện pháp chống lừa đảo. Không nhiều DN Việt Nam muốn báo cáo cho cơ quan Nhà nước do không tin tưởng vào năng lực chuyên môn của cơ quan Nhà nước và lo ngại thông tin bị lọt ra công chúng.