Vụ lừa đảo liên quan Cty Minh Khang (Nghệ An): VKSND cấp cao kháng nghị bản án sơ thẩm
VKSND cấp cao tại Hà Nội vừa có kháng nghị bản án sơ thẩm vụ 'Lừa đảo chiếm đoạt tài sản' và 'Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản' khi Cty TNHH Minh Khang triển khai dự án Tổ hợp khách sạn, siêu thị kinh doanh dược thiết bị và nhà ở tại xã Nghi Phú (TP Vinh, tỉnh Nghệ An). VKSND cấp cao đánh giá bản án sơ thẩm còn bỏ lọt tội phạm.
Trước đó, TAND Nghệ An tuyên phạt Nguyễn Thị Thu (67 tuổi, Giám đốc Cty Cty Minh Khang) 20 năm tù; Nguyễn Đình Khang (75 tuổi, chồng bà Thu, Trưởng Ban Quản lý dự án Khu đô thị Minh Khang) 30 năm tù cùng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Sau khi xem xét hồ sơ và bản án, VKSND cấp cao kháng nghị theo hướng hủy Bản án sơ thẩm 137/2023/HS-ST ngày 28/9/2023 của TAND Nghệ An để điều tra lại.
Theo hồ sơ, năm 2007, Cty Minh Khang được phê duyệt thực hiện dự án tại xã Nghi Phú với tổng vốn đầu tư gần 800 tỷ đồng. Theo quy hoạch phê duyệt ban đầu, dự án có 74 lô đất các loại, sau đó đã nhiều lần điều chỉnh quy hoạch.
Cty Minh Khang thế chấp quyền phát sinh tài sản vay tiền tại Bảo Việt Bank. Khi được cấp 14 sổ đỏ, Cty để lại 2 sổ đỏ thửa đất 762 (5.486,3m2) và thửa 903 (2.643,4m2) thế chấp vay tiền tại Agribank Chi nhánh Hóc Môn (TP HCM) mà không thông báo thửa đất đang thế chấp tại Bảo Việt Bank.
Năm 2014, Cty giải chấp, rút và nộp lại sổ đỏ thửa đất 903 cho Bảo Việt Bank. Còn thửa đất 762 sau 4 lần điều chỉnh quy hoạch chỉ còn lại 1.879,45m2 vẫn còn thế chấp cho Agribank Hóc Môn.
Cty còn tự ý phân lô để cho một số hộ dân xây nhà trên đất, tiếp tục cắt thêm 2 lô cho góp vốn. Thửa đất 762 cuối cùng chỉ còn lại 1.621,45m2 quy hoạch để xây khách sạn. Năm 2017 Minh Khang chuyển nhượng cho Cty TNHH Thiên Phú để nhận 23 tỷ đồng.
VKSND cấp cao nhận định, mọi biến động của thửa đất, Cty Minh Khang không báo cho Bảo Việt bank và Agribank Hóc Môn biết. Khi giải quyết vụ kiện tại TAND huyện Hóc Môn (TP HCM), Cty cũng không thông tin cho tòa án và Agribank Hóc Môn biết về việc thửa đất đã thế chấp Bảo Việt Bank, đã cho các hộ dân góp vốn, đã điều chỉnh quy hoạch. Vì vậy, khi tòa ra quyết định công nhận thỏa thuận giữa các đương sự nhưng khi kê biên phát mãi tài sản thửa đất 762 để thu hồi khoản nợ 55 tỷ đồng cho Agribank Hóc Môn thì không thể thực hiện được.
Dấu hiệu lừa đảo là khi 250 người dân ký 305 hợp đồng nguyên tắc góp vốn với Cty Minh Khang (thực chất là bán đất) 325 lô đất ở với số tiền gần 544 tỷ đồng; dù trước đó hợp đồng thế chấp giữa Minh Khang với Bảo Việt Bank ghi rõ “không được thế chấp, bảo lãnh, cho thuê, góp vốn chuyển nhượng... QSDĐ nếu không được sự đồng ý của Ngân hàng” và Minh Khang cam kết nếu không trả được nợ thì ngân hàng có quyền phát mãi tài sản thu hồi nợ.
VKSND cấp cao nhận định có 3 đối tượng tranh chấp, là 2 ngân hàng và các hộ dân. Bảo Việt Bank là tổ chức tín dụng nhận thế chấp đầu tiên có quyền phát mãi QSDĐ của toàn bộ dự án để thu hồi nợ dẫn tới Agribank Hóc Môn sẽ mất QSDĐ thửa đất 762. Còn người dân không được thông báo nên đã và sẽ bị ảnh hưởng do đất đã thế chấp cho 2 ngân hàng.
Còn có vướng mắc ở chỗ một số người dân đang ở trên thửa đất 762 nhưng đồng thời lại có quyết định thi hành án tự nguyện phát mãi tài sản thế chấp do sổ đỏ ngân hàng đang giữ. Ngoài ra, Bảo Việt Bank có văn bản thực hiện biện pháp xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi khoản nợ hơn 331 tỷ đồng với Cty Minh Khang.
Một dấu hiệu lừa đảo nữa được nhắc tới là lô đất 1.973m2 dùng xây nhà ở xã hội, đã thế chấp, nhưng Khang và Thu gian dối đưa ra thông tin đầy đủ thủ tục pháp lý, đã được điều chỉnh quy hoạch, đã nộp thuế, đã có sổ đỏ, đất không tranh chấp, chưa thế chấp… Minh Khang chuyển nhượng cho Cty Thành Thái Thịnh và đã thu 20,15 tỷ/22 tỷ đồng.
Theo VKSND cấp cao, Khang và Thu đã lừa đảo Agribank Hóc Môn để chiếm đoạt trên 55 tỷ đồng; lừa 250 cá nhân chiếm đoạt gần 544 tỷ đồng; lừa Cty Thành Thái Thịnh chiếm đoạt 20,15 tỷ đồng.
Về trách nhiệm dân sự, tòa sơ thẩm tuyên buộc các bị cáo phải bồi thường cho bị hại số tiền chiếm đoạt và tiền lãi. Tuy nhiên, VKSND cấp cao nhận định việc tuyên buộc như trên là không đúng luật. Các bị cáo thực hiện hành vi gian dối, đối tượng hợp đồng bị cấm giao dịch, nên các hợp đồng đã ký kết là vô hiệu.
Để giải quyết hậu quả hợp đồng vô hiệu, buộc các bị cáo phải trả lại số tiền thực tế đã nhận (tiền gốc); đồng thời do các hợp đồng góp vốn, vay là vô hiệu nên không có hiệu lực và không được tính lãi theo Điều 131 BLDS.