Vụ lúa Đông xuân 2023-2024: Vượt thách thức, giành thắng lợi toàn diện

Vụ Đông xuân 2023-2024, thời tiết bất thuận, mật độ nhiều đối tượng dịch hại cao gấp nhiều lần so với cùng kỳ. Tuy nhiên với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, đồng bộ của cấp ủy, chính quyền các cấp và ngành Nông nghiệp, sự nỗ lực của bà con nông dân, tỉnh Ninh Bình vẫn giành một vụ mùa thắng lợi toàn diện, không chỉ giữ vững năng suất mà chất lượng, giá lúa cũng tăng cao.

Cánh đồng lúa thực hiện theo mô hình "3 giảm, 3 tăng" tại HTX nông nghiệp Đại Thành (xã Khánh Thành, huyện Yên Khánh).

Cánh đồng lúa thực hiện theo mô hình "3 giảm, 3 tăng" tại HTX nông nghiệp Đại Thành (xã Khánh Thành, huyện Yên Khánh).

Xuôi dòng sông Đáy từ Khánh Trung sang Khánh Công, Khánh Thành-vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp của huyện Yên Khánh, những cánh đồng lúa bát ngát vào vụ gặt, đẹp như một tấm thảm rực rỡ sắc vàng. Xa xa những chiếc máy gặt với tiếng động cơ rền vang, hối hả thu hoạch từng thửa ruộng.

Dừng chân tại xứ đồng Phụng Công, chúng tôi gặp anh Phạm Văn Cường, xã Khánh Thành đang ra kiểm tra độ chín của lúa để tính toán ngày thu hoạch. Anh Cường chia sẻ: Vụ này gia đình cấy hơn 1 mẫu ruộng, chủ yếu là giống Nếp, Đài thơm 8. Nhờ thực hiện tốt khâu chăm sóc, tuân thủ lịch thời vụ và kịp thời xử lý dịch hại với sự hướng dẫn của cán bộ HTX, có thể nói năm nay lúa được mùa. Giá lúa hiện nay cũng khá cao, dao động từ 7.500-8.000 đồng/ kg lúa tươi, cao hơn so với cùng kỳ vụ trước khoảng 2 nghìn đồng/kg.

Cũng theo anh Cường, nhờ tham gia mô hình "3 giảm, 3 tăng" tức là giảm lượng giống, giảm lượng thuốc trừ sâu bệnh, giảm lượng phân đạm nên chi phí sản xuất vụ này cũng giảm nhiều. Giá cao, lúa được mùa, nên 1 ha thu lãi khoảng 40 triệu đồng.

Trao đổi với Chủ tịch HĐQT HTX dịch vụ nông nghiệp Đại Thành (xã Khánh Thành), anh Trần Văn Thúy cho biết: Mặc dù thời tiết đầu vụ bất thuận, trời mưa rét, âm u kéo dài, sâu bệnh phát sinh trên diện rộng, tuy nhiên nhờ quyết liệt trong công tác chỉ đạo phòng trừ nên lúa của HTX vẫn sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất đạt trên 2 tạ/sào. Đặc biệt, vụ Đông xuân năm nay, HTX phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh (BVTV) triển khai mô hình "3 giảm, 3 tăng" trên diện tích 5 ha, không chỉ giúp nông dân giảm chi phí mà còn nâng cao trình độ nhận biết sâu bệnh hại và sử dụng thuốc BVTV hợp lý, giảm ô nhiễm môi trường, giảm tồn dư hóa chất trong nông sản, góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Hiện tại, hơn 200 ha lúa Đông xuân của HTX đã đến kỳ thu hoạch, với gần 10 máy gặt đập liên hợp, dự kiến chỉ khoảng 5 ngày, việc thu hoạch sẽ hoàn thành. HTX cũng chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện máy móc, vật tư, phân bón, đảm bảo phục vụ đầy đủ 9 khâu dịch vụ cho bà con nông dân trong vụ Mùa tới.

Cũng trong vụ Đông xuân này, một số địa phương đã đưa tiến bộ công nghệ ứng dụng trên đồng ruộng. Hiệu quả sản xuất cao như "liều thuốc" hỗ trợ nông dân mạnh dạn mở rộng mô hình để hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, hữu cơ.

Tại HTX dịch vụ nông nghiệp Khánh Hòa (xã Khánh Hòa), vụ này đã tổ chức liên kết cùng nông dân, doanh nghiệp triển khai mô hình phun thuốc BVTV bằng máy bay không người lái. Ông Ngô Xuân Trường, Giám đốc HTX cho biết: "HTX đã đưa máy móc vào làm đất, gặt và nay là khâu phun thuốc BVTV. Thực tế, vụ lúa Đông xuân năm nay có mật độ sâu bệnh cao đột biến so với mọi năm, đặc biệt là các đối tượng như rầy, sâu cuốn lá nhỏ nhưng các ruộng được phun trừ bằng máy bay không người lái đều sạch sâu bệnh, bộ lá đòng được bảo vệ tốt, bông lúa đều, chắc mẩy, năng suất đảm bảo. Qua đó, người nông dân càng hồ hởi đón nhận công nghệ mới". Vụ Đông xuân năm 2023-2024, toàn tỉnh gieo cấy 39.549,4 ha lúa (đạt 101,4 % kế hoạch).

Tính đến ngày 5/6, các địa phương đã thu hoạch được hơn 21 nghìn ha (đạt 54% diện tích). Một số huyện đã cơ bản thu hoạch xong như Nho Quan, Yên Mô.

Theo đánh giá chung của các địa phương, mặc dù đây là vụ sản xuất gặp rất nhiều khó khăn, nhưng với chỉ đạo sâu sát, đồng bộ của chính quyền các cấp và ngành Nông nghiệp, sự nỗ lực của bà con nông dân, chúng ta vẫn giành một vụ mùa thắng lợi toàn diện, không chỉ giữ vững năng suất, mà chất lượng, giá lúa cũng tăng cao.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh cho biết: Vụ Đông xuân năm nay, đầu vụ sản xuất điều kiện thời tiết khí hậu có những diễn biến phức tạp, giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 3 xuất hiện 8 đợt không khí lạnh và không khí lạnh tăng cường ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển cũng như chăm sóc của trà lúa xuân muộn. Sinh trưởng của các trà lúa trong vụ chậm hơn so với vụ Đông xuân 2022-2023 từ 5-7 ngày. Bước sang tháng 3, thời tiết âm u, mưa phùn, độ ẩm không khí cao tạo điều kiện cho sâu bệnh phát sinh, phát triển đặc biệt là bệnh đạo ôn lá gây hại cục bộ trên các giống lúa nhiễm như: TBR 225, LT2, Bắc thơm số 7, Đài thơm 8, BC 15, Nếp...

Tháng 4 và tháng 5 thời tiết nắng mưa xen kẽ tiếp tục khiến sâu cuốn lá nhỏ, rầy các loại phát sinh, gây hại mạnh. Tổng diện tích nhiễm sâu cuốn lá nhỏ vụ này lên tới trên 33 nghìn ha (gấp 1,9 lần so với cùng kỳ năm trước), trong đó, diện tích nhiễm nặng là trên 26 nghìn ha (gấp 2 lần so với vụ Đông xuân 2022- 2023). Với rầy, mật độ rầy lứa 1, lứa 2 và lứa 3 đều cao hơn so với vụ Đông xuân 2022-2023.

Tuy nhiên, nhờ làm tốt công tác dự tính, dự báo; kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản về việc tập trung chăm sóc, phòng chống sinh vật gây hại bảo vệ sản xuất để huy động sự vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của các địa phương, sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị liên quan hướng dẫn nông dân thực hiện tốt các biện pháp phòng trừ nên tình hình dịch sâu bệnh hại đã cơ bản được khống chế. Hơn 39 nghìn ha lúa trên địa bàn tỉnh vẫn sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất trung bình tăng so với vụ Đông xuân năm ngoái, đạt 66,81 tạ/ha.

Không chỉ được mùa, giá cao, vụ lúa này cũng ghi nhận nhiều nét đổi mới trong phương thức sản xuất. Nổi bật là nhiều nông dân, HTX đã mạnh dạn đầu tư mua sắm các máy móc tiên tiến, công nghệ cao ứng dụng vào sản xuất, như: Máy cấy, máy phun thuốc BVTV. Tổng diện tích áp dụng mạ khay, cấy máy đạt trên 2 nghìn ha, diện tích sản xuất lúa đặc sản, chất lượng cao theo hướng hữu cơ, áp dụng giống mới, tiến bộ kỹ thuật mới là trên 1.350 ha.

Tại nhiều địa phương tiếp tục hình thành các chuỗi liên kết giữa HTX với các công ty, doanh nghiệp trong cung ứng vật tư đầu vào, thu mua sản phẩm đầu ra, tạo chuỗi giá trị lúa gạo. Ngoài ra, ở vụ này, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh cũng triển khai tập huấn hướng dẫn nông dân mở rộng áp dụng các mô hình Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM/IPHM), Hệ thống canh tác lúa cải tiến (SRI), từ đó giúp giảm chi phí đầu vào như giống, phân bón, mang lại hiệu quả và năng suất cao, giảm phát thải, bảo vệ môi trường.

Hiện nay, trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, ngành Nông nghiệp đang tập trung hướng dẫn, đôn đốc các địa phương, huy động tối đa máy móc, nhân lực thu hoạch nhanh gọn lúa Đông xuân với phương châm "xanh nhà hơn già đồng", thu hoạch đến đâu, làm đất gieo trồng vụ Mùa tới đó. Thắng lợi của vụ Đông xuân là tiền đề và động lực vững chắc cho vụ sản xuất mới.

Bài, ảnh: Nguyễn Lựu

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/vu-lua-dong-xuan-2023-2024-vuot-thach-thuc-gianh-thang-loi/d20240611081256759.htm