Vụ lúa hè thu: Phát huy tối đa hiệu quả nguồn nước
Mưa trái mùa trên diện rộng thời gian qua cùng với những cơn mưa đầu mùa là tín hiệu tích cực cho người trồng lúa khi bước vào vụ hè thu năm nay. Thời điểm này, cùng với huy động các nguồn lực, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác vận hành, điều tiết nước, đơn vị quản lý các công trình hồ đập trên địa bàn tỉnh đang tiến hành tuyên truyền, vận động người dân xuống giống sớm nhằm đảm bảo phát huy tối đa hiệu quả nguồn nước về lâu dài.
Những ngày qua, nước từ công trình thủy lợi đập Cần Lê liên tục đổ về với lưu lượng lớn, nhiều người trồng lúa trên địa bàn xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh đã tranh thủ làm đất, xuống giống vụ hè thu. Đến nay, người dân đã hoàn thành gieo sạ 130 ha lúa, sớm hơn gần 20 ngày so với cùng kỳ những năm trước.
Ông Lâm Khên ở ấp Chà Đôn, xã Lộc Khánh cho hay: Nhờ kênh thủy lợi cung cấp nước, bà con xuống giống sớm, nước dư ra thì làm cho vụ sau, người dân ở đây đều làm 3 vụ lúa 1 năm. Hiện nay phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đều tăng giá, phải làm 3 vụ mới “có ăn”.
Với dung tích 6 triệu mét khối nước, hồ Lộc Quang là nơi cung cấp nước cho nhiều diện tích cây trồng, trong đó có hơn 300 ha đất gieo trồng lúa trên địa bàn xã Lộc Quang, huyện Lộc Ninh và vùng phụ cận. Nguồn nước tích trữ dồi dào cùng với dự báo mùa mưa đến sớm, đơn vị quản lý, vận hành hồ đã điều tiết xả nước để người dân xuống giống sớm vụ hè thu năm nay.
Ông Lâm Chiếc ở ấp Chàng Hai, xã Lộc Quang cho hay: Trước kia không có nước khổ lắm, làm lúa không năng suất như bây giờ. Năm nay, cán bộ phụ trách công tác thủy lợi thông báo nước hồ nhiều và khuyến nghị bà con làm đất, xuống giống ngay để tận dụng nguồn nước dôi dư nên chúng tôi chủ động làm sớm. Những năm gần đây, nước từ các hồ thủy lợi đảm bảo nên bà con làm được 3 vụ nhiều hơn.
Công ty TNHH MTV dịch vụ thủy lợi Bình Phước hiện quản lý, vận hành 55 công trình hồ đập, trong đó 48 hồ chứa, đảm bảo nước tưới cho hơn 7.300 ha cây trồng trên địa bàn các công trình đóng chân. Riêng đối với cây lúa, với việc huy động nhân lực triển khai nạo vét kênh mương, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc tận dụng tối đa nguồn nước, đến nay, diện tích lúa sau các công trình thủy lợi đã xuống giống được hơn 50%, tương ứng khoảng 700 ha, đơn vị phấn đấu cung cấp nước cho vụ hè thu hơn 1.300 ha.
Diện tích tương đối lớn và tập trung nên sản xuất cây lúa nước những năm gần đây khá thuận lợi. Hiện nay, diện tích đất làm 2 vụ lúa ở xã Lộc Quang đã xuống giống đạt 100%, đất trồng 3 vụ xuống giống 50% diện tích. Thời gian gần đây, giá lúa ổn định nên thu nhập của người dân tương đối tốt. Từ vùng nguyên liệu này, trong đó có những giống cho năng suất cao, chất lượng như OM 4900, Đài Thơm 08, xã Lộc Quang đã xúc tiến xây dựng thương hiệu, sản phẩm OCOP cho cây lúa.
Ông Đặng Đình Thuần, Chủ tịch Công ty TNHH MTV dịch vụ thủy lợi Bình Phước cho biết: Bên cạnh cấp nước cho vụ hè thu sớm, đơn vị cũng yêu cầu các trạm dịch vụ thủy lợi kiểm tra duy trì việc cấp nước, tránh trường hợp thiếu nước cục bộ trên diện tích đã xuống giống. Với nguồn nước tưới đảm bảo cho vụ hè thu và những vụ tiếp theo, chúng tôi hy vọng người trồng sẽ có năng suất, thu nhập ổn định nhờ cây lúa.
Có thể thấy hiệu quả rõ nét của các công trình thủy lợi thông qua việc nông dân chủ động thâm canh, tăng vụ đối với cây lúa thời gian qua. Ngoài giải pháp đầu tư kênh mương đồng bộ từ các ngành chức năng, người dân cũng cần thường xuyên cập nhật, nắm bắt kế hoạch vận hành, dẫn nước của đơn vị quản lý; đồng thời hướng tới thống nhất các phương án sản xuất, canh tác đồng loạt để góp phần khai thác có hiệu quả nguồn nước từ các công trình này.