Vụ mất tích bí ẩn của nữ sinh người Mỹ
Vào sáng ngày 13-4-2021, hai cha con Paul và Rubin Flores đã bị bắt giữ vì bị tình nghi có liên quan đến vụ mất tích bí hiểm của cô Kristin Smart vào ngày 25-5-1996, khi nạn nhân là sinh viên năm nhất Đại học Bách khoa California.
Được biết, lần cuối cùng người ta thấy Kristin là khi cô đang đi bộ về kí túc xá sau khi dự tiệc với bạn bè. Bất chấp những nỗ lực tìm kiếm của cơ quan chức năng cũng như người thân và bạn bè nạn nhân, Kristi vẫn biệt tích.
Tại buổi họp báo sau vụ bắt giữ, ông Ian Parkinson, cảnh sát trưởng hạt San Luis Obispo, cho biết cho dù cảnh sát chưa xác định được nơi kẻ thủ ác đã chôn giấu thi thể nạn nhân, nhưng họ đã tìm được một số bằng chứng pháp y đáng tin cậy liên quan đến cô.
Bữa tiệc định mệnh
Kristin Denise Smart sinh ngày 20-2-1977 tại Augsburg, Đức và là con gái đầu lòng của ông bà Stan và Denise Smart, cùng là giáo viên. Ông bà Smart cùng 3 con đã định cư tại Stockton, California, Mỹ khi Kristin còn rất bé.
Cô gái trẻ có một tuổi thơ êm ấm, và khi trưởng thành lại được bạn bè mến mộ do có khả năng tham gia thi đấu môn bơi lội và bóng đá khi học trung học phổ thông. Ngoài ra, ông bà Smart còn tạo điều kiện cho con gái làm cứu hộ và quản lý trại viên tại trại hè Mokuleia ở Hawaii.
Kristin được nhận vào Đại học Bách khoa California năm 1996. Những người bạn sống chung kí túc xá với Kristin cho biết cô gái xấu số có tính cách vui vẻ, tràn đầy năng lượng, hay cười, rất chăm học nhưng hơi hướng nội và đôi lúc ngại giao tiếp với người lạ.
Tuy nhiên, những người từng gặp gỡ cô tại những buổi tiệc ở trường lại nhận xét Kristin khá tinh nghịch, thích uống bia, thẳng thắn, hướng ngoại và thường tự xưng là “Roxy”.
Ngày 24-5-1996, cô gái để lại một tin nhắn thoại trên máy trả lời tự động của gia đình: “Có tin tốt nhé! Con sẽ gọi điện cho cả nhà vào Chủ nhật”. Nhưng Kristin không gọi lại cho cha mẹ vào Chủ nhật, và cũng không bao giờ có thể điện thoại cho bất kì ai, vì cô biến mất vào rạng sáng 25-5 sau khi rời khỏi một bữa tiệc.
Tối ngày 24-5, để ăn mừng kì nghỉ kéo dài 3 ngày, Kristi cùng 3 người bạn rời kí túc xá và lái xe đến những dãy nhà của các hội nam sinh, nữ sinh trong trường nhằm tìm một bữa tiệc thật sôi động để tham dự.
Vào khoảng 8:30 tối, 4 cô gái đã khá mỏi chân vì đi bộ quanh khuôn viên trường nên quyết định đi nhờ xe một người bạn khác. Cả nhóm bạn cùng lái xe dạo quanh trường suốt vài tiếng đồng hồ cho tới khi Kristin gợi ý mọi người nên đến dự tiệc sinh nhật của Ryan Fell tại 135 đường Crandall Way; thế nhưng bạn bè của cô không đồng ý vì những buổi tụ tập của hội nam sinh thường rất hỗn loạn và không an toàn do các sinh viên thường uống say, sau đó đi gây gổ với người xung quanh. Sau một hồi tranh cãi, mọi người quyết định đưa Kristin đến bữa tiệc rồi tất cả về nhà.
Tiệc sinh nhật của Ryan Fell cũng sôi động như hàng loạt những cuộc tụ tập của sinh viên Đại học Bách khoa California, và do hầu hết mọi người đều khá say nên sau này, khi được cảnh sát tra hỏi, người thì trả lời Kristin uống rất nhiều rượu, nhưng người thì khăng khăng cô gái không hề uống gì. Những lời khai bất nhất này đã gây rất nhiều trở ngại cho cuộc điều tra.
Đến khoảng 2 giờ sáng ngày 25-5, buổi tiệc bắt đầu tàn và các sinh viên dần quay về kí túc xá. Theo như các nhân chứng, sau khi rời bữa tiệc, Kristin đã không đi nổi và phải nằm tạm xuống bãi cỏ gần đó để nghỉ.
Cùng lúc đó, sinh viên Cheryl Anderson không tìm được người bạn nào để đi về cùng nên quyết định cùng Tim Davis lái xe về kí túc xá. Trên đường ra chỗ đỗ xe, Cheryl - vốn không phải bạn thân của Kristin - nhận thấy cô gái trẻ đang nằm trên bãi cỏ và quyết định đỡ Kristin dậy và cùng cô về phòng.
Khi cả 3 đã về gần đến kí túc xá, Paul Flores - kẻ sau này sẽ là nghi phạm chính của vụ án - đến gần và ngỏ ý muốn giúp đưa Kristin về phòng. Theo như cô Cheryl, lúc này Kristin đã tỉnh hơn nhưng Paul vẫn phải dìu cô vì cô không tự đi được.
Tim Davis về phòng đầu tiên, để Cheryl và Kristin đi bộ tiếp cùng Paul. Cheryl thấy có chút bất an vì Paul liên tục cố tình đi lùi lại phía sau và giục Cheryl về trước, vậy nên cô gái vẫn nhất thiết đi cạnh anh ta để đề phòng Paul nảy ý đồ xấu.
Khi đến giao lộ của khuôn viên trường đại học, Cheryl, lúc này đã thấm mệt, bèn tách khỏi Paul và Kristin do kí túc xá của cô ở gần đó nhất. Điều khiến Cheryl thấy lạ đó là khi cô chuẩn bị rời đi, Paul nài nỉ Cheryl… hôn tạm biệt anh ta, và khi bị từ chối một cách thẳng thừng, người đàn ông này lại ép Cheryl phải ôm mình, thế nhưng cô gái vẫn nhất quyết nói không.
Cheryl vẫn nhớ rằng lúc này Paul đã gần như phải bế Kristin trên tay, và đó là lần cuối cùng cô nhìn thấy cô gái trẻ xấu số. Sau này, khi phát hiện ra Kristin đã mất tích, Cheryl đã buột miệng nói rằng cô tin Paul đã giết Kristin Smart.
Cho đến tận ngày hôm nay, Cheryl chưa bao giờ giải thích lời nói của mình, từ chối gặp mặt gia đình nạn nhân và những hành vi này, cộng với việc cô bỏ Kristin lại với Paul đã khiến cô bị dư luận lên án dữ dội.
Cuộc điều tra tắc trách
Vào những kì nghỉ kéo dài, sinh viên trường Đại học Bách khoa California thường rời kí túc xá để về nhà thăm gia đình, hoặc đạp xe, leo núi, du lịch quanh trường vậy nên không ai để ý đến việc Kristin đã mất tích.
Bạn bè của Kristin chủ yếu thuê nhà gần trường chứ không ở trong kí túc xá nên cũng chỉ gọi điện cho cô gái vào sáng thứ 7 và Chủ Nhật để rủ cô đi ăn sáng. Tất cả chỉ bắt đầu hoảng hốt khi người quản lý kí túc xá từ chối mở cửa phòng Kristin để tìm kiếm cô.
Ngoài ra, cô Crystal Calvin, vốn là bạn cùng phòng của nạn nhân, nhận ra những thứ đồ dùng cá nhân mà bạn mình luôn mang theo người giờ bị bỏ lại ở phòng. Lo sợ cho bạn mình, Crystal đi khắp kí túc xá hỏi han nhưng không một ai nhìn thấy Kristin kể từ sáng sớm thứ Bảy.
Cô quyết định liên hệ với bảo vệ kí túc xá để nhờ họ tìm kiếm Kristin, nhưng những người bảo vệ từ chối vì họ nghĩ rằng cô gái trẻ chỉ đang đi nghỉ ở đâu đó mà thôi. Đến cuối ngày thứ Hai, nhà trường buộc phải gọi điện cho gia đình Smart để hỏi xem con họ có về nhà thăm gia đình nhân dịp nghỉ lễ hay không.
Bà Denise Smart, mẹ của Kristin, kể lại: “Chúng tôi nhận ra mình đã bỏ lỡ cuộc gọi của Kristin vào thứ 6 nhưng cũng không gọi lại vì thường con bé sẽ gọi điện cho cả nhà vào Chủ nhật. Khi chuông điện thoại reo, tôi đã rất phấn khởi vì nghĩ Kristin gọi điện để kể về tin tốt mà con bé nhắc đến hôm trước. Lúc đó tôi nghĩ rằng “tin tốt” chắc là giảng viên đã tìm thấy bài kiểm tra cuối kì bị thất lạc của Kristin, và con tôi sẽ không phải thi lại”.
Tuy nhiên, khi nhấc máy, bà lại nhận được tin con gái mình hiện đang không có ở trường và bắt đầu lo đã có chuyện gì không hay xảy ra với Kristin. Bà Denise không hề biết, rất có thể con gái đã qua đời vào sáng thứ Bảy tuần trước.
Ngay sáng hôm sau, ông Stan Smart, cha của nạn nhân, đã lập tức xuống trường để tìm hiểu thêm về vụ mất tích của con gái.
Khi gặp mặt ông, các nhân viên bảo vệ trường - những người được giao trách nhiệm tuần tra khuôn viên trường và đảm bảo an toàn cho sinh viên - đều có thái độ rất thờ ơ và họ chỉ cung cấp cho ông Stan những thông tin rất sơ sài về Kristin.
Ông sớm nhận ra những người này thiếu nghiệp vụ cũng như kinh nghiệm để điều tra vụ việc, và ông quyết định nhờ đến sự giúp đỡ của người thân, bạn bè. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, rất nhiều người dân địa phương cũng tham gia tìm kiếm cô gái tội nghiệp, và nhiều nhà hàng cùng khách sạn đã tình nguyện cung cấp thức ăn, chỗ ở cho các thành viên đội tìm kiếm. Cho tới tận ngày hôm nay, gia đình Smart vẫn rất biết ơn sự giúp đỡ của những người dân địa phương tốt bụng.
Trên thực tế, đánh giá của ông Stan về công tác điều tra của nhà trường là hoàn toàn đúng, và nhiều chuyên gia cũng đồng ý trường Đại học Bách khoa California đã có những hành vi cản trở việc phá án nhằm bảo vệ danh tiếng của trường, còn cảnh sát địa phương thì dường như có mối liên hệ rất mờ ám với gia đình hung thủ.
3 ngày sau khi nạn nhân biến mất, gia đình Smart quyết định nộp đơn tìm người mất tích tại sở cảnh sát địa phương, nhưng các thanh tra nói rằng gia đình nên đợi thêm.
Phải đến nhiều tuần sau, thông báo tìm kiếm Kristin mới được đưa ra nhưng lại kèm một lỗi sai khó hiểu: “Bà Denise Smart cho biết con mình mất tích khi đang đi cắm trại”. Bà Denise khẳng định mình chưa bao giờ khai như vậy với cảnh sát, và nhiều người tin rằng Đại học Bách khoa California đã khai man với cơ quan chức năng để trốn tránh trách nhiệm.
1 tuần sau vụ án, nhà trường mới bắt đầu gọi 3 người cuối cùng nhìn thấy Kristin là Tim, Cheryl và Paul lên phỏng vấn. Paul, người cuối cùng nhìn thấy nạn nhân và cũng là người đưa cô về phòng, có một vết bầm ở mắt, nhiều vết xước trên mặt và vết trầy trên đầu gối. Đây là những vết thương thường thấy ở hung thủ do bị nạn nhân chống trả quyết liệt.
Bất chấp những chi tiết rõ ràng cho thấy Paul có liên quan đến vụ việc, nhà trường cho rằng không có gì bất thường xảy ra và để cả 3 sinh viên quay lại học như bình thường. Đáng ngờ thay, ban giám hiệu trường lập tức cử người đến dọn dẹp và khử trùng phòng của Paul, khiến mọi bằng chứng có giá trị bị hủy hoại.
Hai ngày sau vụ việc, gia đình Paul bắt đầu đổ bê tông sân sau, còn Paul thì đùa với một người bạn rằng Kristin đang ở nhà cùng bố mẹ anh ta. 2 chi tiết này khiến nhiều người tin rằng bố mẹ Paul đã giúp con trai phi tang xác nạn nhân.
Cuối cùng, trường đại học Bách khoa California nhận ra họ không có đủ trình độ điều tra vụ việc và bắt đầu nhờ đến sự trợ giúp của cảnh sát. Cảnh sát địa phương yêu cầu Paul phải tham gia một bài kiểm tra nói dối. Lúc đầu Paul đồng ý nhưng sau đó liên tục trì hoãn, và công tố viên quận phải yêu cầu cảnh sát áp giải Paul về đồn.
Anh ta từ chối tham gia bài kiểm tra, nhưng đồng ý thẩm vấn. Sau khi liên tục bị các điều tra viên dồn ép về chuyện Kristin được trông thấy lần cuối là khi đang đi về phòng với Paul, anh ta tỏ ra xúc động mạnh và có vẻ như sắp khai ra sự thật. Nhưng cuối cùng, Paul thách cảnh sát hãy tìm ra thi thể nạn nhân, và bỏ về.
Cảnh sát sau đó đã dẫn chó nghiệp vụ tới khám xét phòng kí túc xá của Paul, và hai chú chó nghiệp vụ phát hiện ra mùi của thi thể trên giường nghi phạm, cạnh điện thoại bàn và trong thùng rác. Tuy nhiên, do căn phòng đã được dọn sạch, cơ quan chức năng không thể tìm thấy bất kì bằng chứng có giá trị nào.
Vài tuần sau đó, một người phụ nữ tìm được một đôi khuyên tai gần nơi Kristin từng đi qua vào đêm cô mất tích. Cho rằng có lẽ đôi khuyên tai có liên quan đến vụ án, người phụ nữ đã giao nộp vật chứng cho cảnh sát. Tuy nhiên, không một ai báo cho gia đình Smart rằng cảnh sát đã tìm được thêm vật chứng và khi được chính người phụ nữ kia báo tin, cha mẹ Kristin mới biết chuyện.
Khi ông bà Smart yêu cầu cảnh sát cho họ xem xem có phải đó là đôi khuyên tai của nạn nhân hay không thì các thanh tra thông báo rằng vật chứng đã…biến mất. Cảnh sát đã khám xét nhà của cha mẹ Paul, căn hộ của Paul và một nhà kho gần đó 4 lần trong năm 1996, 1997, 2000 và 2007 nhưng những cuộc khám xét này đều khá sơ sài, sân vườn xung quanh cũng không được đào xới bất chấp nhiều tin báo cho thấy gia đình Paul có thể đã chôn xác Kristin ở ngay sân sau.
Nhiều người dân địa phương cho biết, cha mẹ Paul có mối quan hệ rất thân thiết với cảnh sát trưởng lúc đó, và dường như hai vợ chồng luôn dọn dẹp nhà cửa rất kĩ càng trước những cuộc khám xét này.
Công lý muộn màng
Vào năm 1999, thống đốc bang California lúc đó là Pete Wilson đã thông qua đạo luật mang tên Kristi Smart. Đạo luật này yêu cầu lực lượng an ninh của mọi cơ sở giáo dục phải lập tức hợp tác với cơ quan chức năng nếu sinh viên mất tích, hoặc bị làm hại.
25 năm sau vụ án đau lòng, gia đình Smart cuối cùng cũng có được công lý. Trong cuộc họp báo ngày 14/4/2021, công tố viên quận San Louis Obispo cho biết, Paul Flores bị bắt giữ do bị tình nghi đã giết hại nạn nhân Kristin Smart sau khi cưỡng hiếp cô gái trẻ, còn cha của hắn là Ruben Flores bị tình nghi phi tang thi thể nạn nhân.
Cảnh sát địa phương đã lật lại vụ án trong 2 năm trở lại đây và vào tháng 3-2021, đã sử dụng chó nghiệp vụ và thiết bị radar xuyên đất khám xét nhà của Paul lần thứ 5. Nhờ vào những vật chứng có giá trị họ tìm được, lực lượng chức năng đã có thể bắt giữ hai cha con sau 25 năm.
Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/vu-mat-tich-bi-an-cua-nu-sinh-nguoi-my-637887/