Vụ máy bay trượt khỏi đường băng: Vietjet có phải bồi thường cho hành khách?
Trước sự việc hàng trăm chuyến bay bị hủy thay đổi giờ bay, làm ảnh hưởng hàng ngàn hành khách, trách nhiệm của bên gây ra sự cố, quyền lợi của khách hàng sẽ được bảo vệ như thế nào là những câu hỏi cần làm sáng tỏ.
Vào lúc 12h22 ngày 14.6, chuyến bay VJ322 khởi hành (lúc 11 giờ 23) từ Phú Quốc (PQC) đến TP.HCM (SGN) khi hạ cánh xuống đường băng 25L/07R đã trượt ra bên ngoài phải lề cỏ, cày nát mặt đất...
Tại thời điểm hạ cánh có mưa to, gió giật. Rất may toàn bộ hành khách và phi hành đoàn đều an toàn nhưng sự cố trên khiến hoạt động cất hạ cánh tại Tân Sơn Nhất phải tạm dừng tới 17h cùng ngày do sân bay đang chỉ khai thác một đường băng 25L/07R (đường băng 25R/07L đang đóng để phục vụ cho việc khảo sát cải tạo nâng cấp sửa chữa nên không khai thác). Ngay sau khi xảy ra sự cố, ngành hàng không đã phối hợp với các đơn vị liên quan vào cuộc, điều tra nguyên nhân và sẽ có câu trả lời trong thời gian tới.
Tuy nhiên, trước sự việc hàng trăm chuyến bay bị hủy thay đổi giờ bay, làm ảnh hưởng hàng ngàn hành khách, trách nhiệm của bên gây ra sự cố, quyền lợi của khách hàng sẽ được bảo vệ như thế nào là những câu hỏi cần làm sáng tỏ. Phóng viên Người đô thị đã có cuộc trao đổi với Luật sư Phạm Thành Tài- Giám đốc Công ty Luật Phạm Danh về vấn đề này.
Thưa luật sư, vụ máy bay Vietjet trượt khỏi đường băng Tân Sơn Nhất hôm 14.6, khiến hàng trăm chuyến bay bị ảnh hưởng, nhiều chuyến bay phải hoãn hoặc phải đổi nơi hạ cánh. Theo quy định của pháp luật hiện nay, hãng Vietjet có trách nhiệm như thế nào đối với hành khách trên chuyến bay và những hành khách của những chuyến bay bị ảnh hưởng?
Luật sư Phạm Thành Tài: Vụ máy bay của hãng hàng không Vietjet hạ cánh trượt khỏi đường băng thì đây là một sự cố rất nguy hiểm khiến cho hành khách trên chuyến bay có thể bị thiệt hại về cả vật chất và hoảng loạn tinh thần. Theo quy định của pháp luật, hãng hàng không Vietjet Air sẽ phải chịu trách nhiệm đối với những hành khách như sau:
Thứ nhất, Điều 13 của Bộ luật dân sự quy định, cá nhân pháp nhân có quyền dân sự bồi thường toàn bộ những thiệt hại, trừ trường hợp mà các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác. Như vậy, theo quy định của pháp luật, bất kể hành khách trên chuyến bay gặp sự cố hay là những hành khách không ở trên chuyến bay gặp sự cố có những thiệt hại về vật chất hoặc là tinh thần do ảnh hưởng từ việc mà máy bay của Vietjet trượt khỏi đường băng, đều có quyền yêu cầu hãng bay Vietjet phải bồi thường thiệt hại dân sự đối với mình.
Khi đó, những hành khách bị thiệt hại phải chứng minh và làm rõ được hậu quả từ sự cố của hãng Vietjet, thiệt hại thực tế của hành khách phải gánh chịu để yêu cầu hãng hàng không bồi thường thiệt hại cho mình. Ví dụ như là thiệt hại về tài sản (chẳng hạn tài sản của hành khách bị vỡ bị hư hỏng); hoặc thiệt hại về tinh thần, sức khỏe của hành khách (ví dụ như trải qua sự cố khiến cho hành khách bị hoảng loạn, ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần phải điều trị tại các cơ sở khám, chữa bệnh); hoặc là các thiệt hại khác về kinh tế như ảnh hưởng đến công việc của doanh nghiệp hoặc gây những tổn thất khác từ sự cố xảy ra...
Thứ hai, đối với các hành khách của hãng Vietjet Air trên chuyến bay gặp sự cố hoặc những hành khách trên các chuyến bay khác bị ảnh hưởng như bị hủy, hoặc chậm chuyến kéo dài quá thời gian quy định. Theo quy định tại Thông tư số 14 năm 2015 của Bộ Giao thông vận tải và Thông tư số 27 năm 2017 của Bộ Giao thông vận tải quy định về bồi thường ứng trước không hoàn lại trong vận chuyển hành khách bằng đường hàng không.
Theo đó, mức bồi thường tối thiểu cho mỗi hành khách đối với chuyến bay nội địa là từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng và mức bồi thường tối thiểu cho mỗi hành khách đối với chuyến bay quốc tế từ 25 USD đến 150 USD. Hãng hàng không có thể tự quy định về mức bồi thường ứng trước không hoàn lại nhưng không được thấp hơn mức quy định nêu trên.
Tuy nhiên, việc bồi thường ứng trước không hoàn lại nói trên chỉ được áp dụng nếu như sự việc không thuộc trường hợp được miễn trừ nghĩa vụ của hãng hàng không cũng được quy định tại Thông tư số 14 và Thông tư số 27 của Bộ Giao thông vận tải.
Thưa Luật sư, các hãng hàng không khác bị ảnh hưởng bởi sự cố này như Vietnam Airlines, Jetstar... có trách nhiệm phải bồi thường, hay cung cấp bữa ăn cho hành khách của họ khi bị hoãn, hủy chuyến hay không?
Liên quan đến vấn đề này, theo quy định tại Thông tư số 14 năm 2015 và Thông tư số 27 năm 2017 của Bộ Giao thông vận tải về việc bồi thường ứng trước không hoàn lại trong vận chuyển hành khách bằng đường hàng không, người vận chuyển là các hãng hàng không được miễn trừ nghĩa vụ bồi thường ứng trước không hoàn lại trong trường hợp hủy chuyến bay hoặc chậm chuyến bay vì một trong các lý do: chuyến bay không thể thực hiện hoặc là bị chậm kéo dài theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và trong trường hợp kết cấu hạ tầng hàng không dịch vụ đảm bảo hoạt động bay không đảm bảo cho việc thực hiện chuyến bay hoặc các trường hợp bất khả kháng khác.
Người vận chuyển cũng được miễn trừ nghĩa vụ bồi thường ứng trước không hoàn lại trong các trường hợp từ chối vận chuyển hành khách vì lý do an ninh được cơ quan thẩm quyền thông báo hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Như vậy, theo quan điểm của tôi, sự cố máy bay trượt khỏi đường cất hạ cánh 25L/07R tại sân bay Tân Sơn Nhất hôm 14.6 khiến đường bang này tạm thời đóng cửa để khắc phục sự cố, gây ảnh hưởng đến an ninh, an toàn của sân bay và của các hãng bay khác như Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, VASCO... đây là trường hợp bất khả kháng vì lý do an ninh phải đóng cửa đường bay. Do vậy, các hãng này có thể được miễn trừ nghĩa vụ của người vận chuyển theo quy định nêu trên và không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Về vấn đề cung cấp bữa ăn cho hành khách trong trường hợp phải chờ đợi, theo tôi, phụ thuộc vào chính sách của từng hãng bay.
Thưa Luật sư, trong những trường hợp xảy ry ra những sự cố bất khả kháng như thế, những hành khách trên chuyến bay Vietjet Air hoặc chuyến bay khác bị ảnh hưởng bởi sự cố có những quyền lợi như thế nào được bảo vệ?
Khi bị ảnh hưởng bởi sự cố như thế này hoặc là những sự cố tương tự, hành khách có quyền yêu cầu hãng hàng không phải bồi thường thiệt hại cho mình và có quyền thỏa thuận các phương án, chính sách bồi thường thiệt hại cho hành khách.
Trường hợp mà hai bên không đạt được thỏa thuận, các hãng hàng không không giải quyết những quyền lợi thích đáng, các khách hàng hoàn toàn có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền can thiệp để giải quyết đảm bảo quyền lợi cho mình. Trường hợp quyền lợi của hành khách mà vẫn không được đảm bảo hoặc là chưa đảm bảo một cách thích đáng theo nguyện vọng của mình có thể đưa vụ việc khởi kiện ra tòa án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu Tòa án buộc hãng hàng không giải quyết chính sách bồi thường thiệt hại cho mình.
Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, trong bất cứ trường hợp nào, đặc biệt trong trường hợp đưa vụ việc ra tòa án, khách hàng có nghĩa vụ phải chứng minh được lỗi xuất phát từ hãng hàng không, dẫn đến gây thiệt hại thực tế để yêu cầu Tòa án giải quyết đảm bảo quyền lợi chính đáng cho mình theo quy định của pháp luật.
Cảm ơn những chia sẻ của luật sư!
Theo ghi nhận ý kiến của một số hành khách bị hoãn chuyến bay tối ngày 14.6 tại sân bay Tân Sơn Nhất, hàng chục chuyến bay buộc phải hoãn, hủy chuyến, hàng trăm hành khách bị ảnh hưởng do sự cố máy bay Vietjet trượt khỏi đường băng. Việc mua thức ăn, đồ uống tại sân bay cũng trở nên khó khăn do quá tải. Một số hãng hàng không không có bất kì sự hỗ trợ đồ ăn, thức uống cho hành khách dù thời gian phải chờ đợi từ 5-6 tiếng đồng hồ.
Liên quan đến sự cố, hãng hàng không Vietnam Airlines thông tin: dự kiến gần 165 chuyến bay của Vietnam Airlines Group (Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, VASCO) phải thay đổi giờ khai thác và chuyển hướng hạ cánh đến sân bay khác vì sự việc này.
Bamboo Airways cũng đã thay đổi giờ khai thác và sân bay hạ cánh của 25 chuyến bay.