Vụ mua chế phẩm Redoxy - 3C: Viện Kiểm sát điều chỉnh mức án đề nghị đối với bị cáo Nguyễn Đức Chung
Đại diện Viện Kiểm sát đã quyết định điều chỉnh mức án đề nghị đối với bị cáo Nguyễn Đức Chung từ 10-12 năm tù xuống còn từ 8-10 năm tù.
Ngày 11/12, trong phần đối đáp tại phiên tòa xét xử sơ thẩm cựu Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung và 2 đồng phạm, sau khi nghe các luận điểm, luận cứ gỡ tội của các bị cáo và luật sư bào chữa, ghi nhận tình tiết mới phát sinh khi gia đình bị cáo Nguyễn Đức Chung tự nguyện nộp 10 tỷ đồng để bảo lãnh nghĩa vụ thi hành án…, đại diện Viện Kiểm sát đã quyết định điều chỉnh mức án đề nghị đối với bị cáo Nguyễn Đức Chung từ 10-12 năm tù xuống còn từ 8-10 năm tù. Mức án đề nghị với 2 bị cáo còn lại được đại diện Viện Kiểm sát giữ nguyên là từ 6-7 năm tù.
Tranh luận tại Tòa, luật sư Nguyễn Văn Tú (bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đức Chung) cho rằng thời điểm sau ngày 26/1/2016, bị cáo Chung cùng vợ và con trai không góp vốn, không có tên trong sổ đăng ký cổ đông của Công ty Arktic. Bởi thế, không thể cáo buộc bị cáo Chung liên quan đến công ty này sau khi bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa (vợ bị cáo Chung) đã bán toàn bộ cổ phần cho bị cáo Nguyễn Trường Giang (nguyên Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Dịch vụ Arktic - Công ty Arktic).
Luật sư Tú còn cho rằng việc nhân rộng và nhập khẩu chế phẩm Redoxy-3C trong giai đoạn thử nghiệm là thực hiện theo chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội. Vì thế, theo luật sư, quá trình Công ty Thoát nước Hà Nội mua chế phẩm Redoxy-3C từ Công ty Arktic "hoàn toàn không có dấu ấn của ông Nguyễn Đức Chung".
Tự bào chữa tại Tòa, bị cáo Nguyễn Đức Chung cho biết, bản thân không chỉ đạo Công ty Thoát nước Hà Nội mua chế phẩm Redoxy-3C thông qua Công ty Arktic. Bị cáo cũng phủ nhận cáo buộc Arktic là công ty của gia đình với lý do bị cáo không tham gia góp vốn, không chỉ đạo Nguyễn Trường Giang về các hoạt động kinh doanh.
Đối đáp ý kiến của một số luật sư cho rằng các bị cáo không có tội, một số luật sư phản đối phân cấp đánh giá vai trò của các bị cáo trong vụ án, đại diện Viện Kiểm sát giữ nguyên quan điểm đánh giá đây là vụ án đồng phạm và khẳng định: "Các bị cáo ở các vị trí chức vụ khác nhau nhưng thực hiện một chuỗi sai phạm, bị cáo này sai, bị cáo khác tiếp nhận cái sai đó để tiếp tục sai".
Đại diện Viện Kiểm sát phân tích về vai trò chủ mưu, đứng đầu của bị cáo Nguyễn Đức Chung, ngoài chức trách là Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, quản lý Công ty Thoát nước Hà Nội, bị cáo Chung còn là Trưởng ban Ban Chỉ đạo công tác xử lý nước, giữ vai trò cao nhất. Với các chức vụ trên, bị cáo Chung một mặt tạo điều kiện để Công ty Thoát nước Hà Nội tiếp cận việc kinh doanh những sản phẩm liên quan đến môi trường, mặt khác chỉ đạo để bị cáo Giang đi theo các đoàn công tác của thành phố, tham gia các buổi thử nghiệm, mặc dù Giang không có tên trong danh sách do Sở Ngoại vụ đề xuất.
Ngoài các cáo buộc liên quan vai trò chủ mưu, công tố viên còn cho rằng việc gửi giấy mời Giám đốc Công ty Watch Water sang Việt Nam không hề có trong các văn bản, chương trình làm việc của bất cứ sở, ban, ngành nào của thành phố, không xác định được người gửi. Theo lời khai của Giang trong giai đoạn điều tra, thư mời do thư ký của bị cáo Chung gửi bằng tiếng Việt cho Giang để Giang sau đó dịch sang tiếng Đức và gửi email cho Giám đốc Công ty Watch Water.
Viện Kiểm sát xác định, Công ty Arktic thực chất là công ty của bị cáo Chung và gia đình, ban đầu con trai bị cáo Chung góp 60% vốn, đăng ký lần đầu năm 2015. Sau khi vợ bị cáo Chung ba lần làm giả hồ sơ chuyển nhượng vốn góp, Giang nắm 60% cổ phần, một cá nhân khác nắm giữ 40%. Song về thực chất vợ bị cáo Chung là người thành lập Arktic, góp vốn 5 tỷ đồng nhưng để Giang cùng một người khác đứng tên.
Công ty Arktic ban đầu không đăng ký kinh doanh hóa chất nhưng sau chuyến công tác đến châu Âu của Giang cùng với UBND Hà Nội thì Công ty Arktic đã chuẩn bị để nhập Redoxy-3C về nên ngay sau đó đã đăng ký thêm ngành nghề kinh doanh này.
Đại diện Viện Kiểm sát còn khẳng định, đã có sự giả tạo khi cho rằng Redoxy-3C là chế phẩm độc quyền. Cụ thể, bao bì ghi là Redoxy-3C, một sản phẩm độc quyền của Hà Nội, sản phẩm tốn nhiều tiền ngân sách nhà nước nhưng cuối cùng lại phải mua qua một công ty gia đình làm trung gian. Viện Kiểm sát cũng cho rằng việc kết luận thiệt hại 36 tỷ đồng trong vụ án là phù hợp bởi đã "có những tính toán kỹ lưỡng".
Trước khi Hội đồng xét xử nghị án, các bị cáo được nói lời sau cùng tại phiên tòa.
Là người được trình bày đầu tiên, bị cáo Võ Tiến Hùng (nguyên Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thoát nước Hà Nội) cho rằng khi đưa chế phẩm Redoxy-3C về thì bị cáo không có chủ trương, không có động cơ vụ lợi nào khác, bị cáo chỉ hướng tới mục đích phát triển kinh tế - xã hội. Trong quá trình bị điều tra, truy tố, bị cáo đã tích cực phối hợp với các cơ quan tố tụng. Bản thân bị cáo cũng có nhiều thành tích trong công tác, thành khẩn khai báo, nhân thân tốt, phạm tội lần đầu… Vì vậy, bị cáo đề nghị Hội đồng xét xử cho bị cáo được hưởng sự khoan hồng của pháp luật, cho bị cáo sớm được trở về với gia đình, xã hội.
Bị cáo Nguyễn Trường Giang cho rằng trong suốt quá trình điều tra vụ án đến khi diễn ra phiên tòa, bị cáo luôn khai báo trung thực để mong được nhìn nhận khách quan về vụ án. Lỗi của bị cáo đến đâu, bị cáo xin nhận lỗi đến đó và mong Hội đồng xét xử nhìn nhận một cách công minh để bị cáo được hưởng khoan hồng, cho bị cáo có cơ hội sửa lỗi và trở về với gia đình, xã hội.
Trình bày lời nói sau cùng tại Tòa, bị cáo Nguyễn Đức Chung bày tỏ rằng bản thân có nguyện vọng được cống hiến những những tâm huyết của mình cho Thủ đô, cho người dân Thủ đô, chứ không có mục đích tư lợi cho mình, cho gia đình. Bị cáo Chung mong muốn Hội đồng xét xử xem xét thấu tình đạt lý các nội dung mà bị cáo đã nêu trong phiên tòa một cách công minh, chính trực, đúng pháp luật.
Chiều thứ hai, ngày 13/12, Hội đồng xét xử sẽ tuyên án.