Vụ mùa đen thối rữa

Bộ tộc Ganiga đã đặt cược tương lai vào trang trại trồng cà phê, tuy nhiên, lợi nhuận chẳng thấy đâu. Người Ganiga từ chối thu hoạch với tiền lương thấp, cà phê thối rữa trên cành.

Dưới áp lực của chính quyền Bush nhằm trừng trị thẳng tay việc chế biến và buôn lậu cocaine, Tổng thống Colombia, ông Virgilio Barco Vargas, phàn nàn rằng sự sụt giảm của giá cà phê đã đẩy cuộc chiến chống ma túy của ông vào tình thế khó khăn.

Năm 1988, Colombia kiếm được 1,7 tỷ đôla Mỹ từ việc xuất khẩu cà phê, chỉ hơn một ít so với doanh số bán cocaine bất hợp pháp (khoảng 1,5 tỷ đôla Mỹ). Bây giờ, Colombia mất khoảng 500 triệu đôla Mỹ do giá cà phê giảm, khi phần nhiều trong số ba triệu công dân kiếm sống từ cà phê có thể chuyển sang trồng coca.

Trong tháng 1, đại sứ Colombia nói trước tiểu ban của Thượng viện Mỹ do Joseph Biden chủ trì rằng các quốc gia vùng Andes đã mất doanh thu gần 750 triệu đôla Mỹ vì sự sụp đổ của ICA (Hiệp định Cà phê Quốc tế). “Làm sao mà chúng ta có thể đòi hỏi nông dân ở Nam Mỹ trồng cà phê thay vì coca”, Biden hỏi, “khi mức giá mà họ nhận cho cà phê của mình đã bị giảm một nửa trong năm qua?”.

Bất chấp sự cố gắng của Mỹ để có cái nhìn khác, thậm chí các nước trồng cà phê cũng lừng khừng trước một ICA mới. Người Brazil không sẵn lòng đồng ý giảm mạnh mức hạn ngạch của họ. Không một ai hài lòng với hệ thống không hoàn thiện đã khập khiễng qua 27 năm, 1962-1989.

Trong không khí thị trường tự do mới vào những năm 1990, các ban kiểm soát của chính phủ hoặc đã giải tán hoặc suy yếu hoàn toàn, cho phép một số nông dân giữ phần chia nhiều hơn trong giá thị trường.

 Ảnh: IDH.

Ảnh: IDH.

Năm 1990, Viện Cà phê Brazil (IBC), với đội ngũ nhân viên 3.500 người và một ngân sách hàng năm 15 triệu đôla Mỹ, rốt cuộc đã bị giải tán. Tại châu Phi, Ban Bình ổn giá (caisse de stabilisation) không còn hoạt động nữa.

Đến cuối năm 1993, nỗ lực để hồi sinh ICA đã thất bại và Mỹ chính thức rút khỏi Tổ chức Cà phê Quốc tế cũng như những người trồng trong cơn tuyệt vọng đã thành lập Hiệp hội các Quốc gia Trồng Cà phê (Association of Coffee Producing Countries - ACPC) để bắt đầu một kế hoạch trữ cà phê nhằm tăng giá một lần nữa.

Người trồng cà phê đã trải qua 4 năm giá thấp. Ngay cả đối với các đồn điền hoạt động hiệu quả, giá vẫn thấp hơn chi phí sản xuất. Như trong các chu kỳ vỡ nợ trước đó, nhiều nông dân ngừng cắt tỉa, chăm bón. Những người khác thì đốn các cây đã trồng và thay thế bằng các loại cây khác.

Mặc dù lượng cà phê xuất khẩu ra thế giới trung bình một năm nhiều hơn 8,4 triệu bao so với cuối những năm 1980, doanh thu trung bình hàng năm đã giảm từ 10,7 tỷ đôla Mỹ xuống còn 6,6 tỷ đôla Mỹ - một sự sụt giảm đáng kinh ngạc, hơn 4 tỷ đôla Mỹ một năm. Giá giảm mạnh đã “đốn” sạch những nông dân trồng cà phê quy mô nhỏ trên toàn thế giới.

Ví dụ, trên cao nguyên Papua New Guinea, bộ tộc Ganiga đã đặt cược tương lai của mình vào trang trại trồng cà phê mới đồng sở hữu với Joe Leahy, con lai của một người tìm vàng người Australia.

Trong phim tài liệu Black Harvest (tạm dịch: Mùa vụ Đen), Leahy nói với lãnh đạo bộ tộc Popina: “Với mức giá tốt, ông sẽ ngập trong một đồng tiền”. Thay vào đó, lợi nhuận lại chẳng thấy đâu. Popina ngơ ngác nhận xét: “Tôi có cảm giác như muốn bán con heo lớn của mình và đi đến nơi mà họ thực hiện những quyết định này. Điều này ảnh hưởng đến tất cả chúng tôi. Chúng tôi sẽ không bao giờ trở thành triệu phú”.

Người Ganiga từ chối thu hoạch với tiền lương thấp hơn và quả cà phê chuyển sang đen rồi thối rữa trên cành. Các mối quan hệ giữa Leahy và bộ tộc đã xấu đi. Đến cuối phim, người Ganiga đã trở lại tình trạng cũ với các cuộc chiến tranh giữa các bộ lạc trong sự thất vọng tràn trề và Leahy đang cân nhắc trở về Australia.

Mark Pendergrast / NXB Lao Động

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vu-mua-den-thoi-rua-post1351457.html