Những ngày này, hơn 5 ha trồng dưa non của người dân thôn Yên Lạc bắt đầu cho thu hoạch. So với mọi năm, vụ mùa năm nay "kém vui" hơn. Bởi lẽ, thông thường vào khoảng 15/6 âm lịch, người dân đã có thể thu hái dưa, tuy nhiên, năm nay, thời gian thu hoạch chậm hơn từ 2 - 3 tuần, sản lượng cũng thấp hơn đáng kể.
Đang phân loại dưa để bán cho thương lái, bà Thái Thị Trung (thôn Yên Lạc) chia sẻ: "Tôi trồng hơn 1 sào dưa từ đầu tháng 6, đến nay đã thu hoạch được khoảng 5 ngày. Dưa non năm nay cho năng suất kém, chỉ bằng một nửa so với năm ngoái. Trung bình mỗi ngày, tôi chỉ thu hoạch được khoảng 20 - 30 kg dưa, thu nhập trung bình từ 60.000 - 90.000 đồng/ngày. Không chỉ mất mùa, thương lái cũng rất "kén chọn" nên chúng tôi phải phân loại các quả đều, đẹp mới bán được".
Theo chia sẻ của nhiều hộ dân, vùng đất cát pha thuộc thôn Yên Lạc trồng 2 vụ chính trong năm: vụ trồng lạc (từ tháng 2 đến tháng 5) và vụ dưa non (từ tháng 6 đến tháng 9). Nguyên nhân khiến cho vụ dưa non năm nay có sản lượng thấp là bởi thời điểm xuống giống có nắng nóng kéo dài khiến cây khó sinh trưởng và phát triển.
Không chỉ mất mùa, giá dưa năm nay còn "chạm đáy" khiến người nông dân càng thêm ngán ngẩm. Hiện mức giá thu mua dưa non tại vườn dao động từ 3.000 - 3.500 đồng/kg, chỉ bằng 1/3 so với đợt giá cao điểm năm ngoái.
Là hộ dân có diện tích trồng dưa lớn nhất vùng, bà Phạm Thị Mai (thôn Yên Lạc) cho biết: "Tôi trồng hơn 5 sào dưa non với tổng 31 luống dưa. Năm ngoái, mỗi ngày tôi thu hoạch khoảng 7 - 8 tạ, giá bán ra từ 8.000 - 9.000 đồng/kg, lợi nhuận cả mùa gần 30 triệu đồng. Thế nhưng, năm nay, mỗi ngày tôi chỉ thu được 1 - 2 tạ dưa. Do giá bán tại vườn thấp nên tôi phải mang ra chợ bán để được mức giá tốt hơn từ 4.000 - 4.500 đồng/kg".
Bà Phạm Thị Mai phân loại dưa để bán tại các chợ dân sinh trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên.
Với hơn 20 năm trồng dưa non trên vùng đất cát pha của địa phương, bà Thái Thị Bắc (thôn Yên Lạc) cho biết chưa năm nào vừa mất mùa, vừa "rớt" giá như năm nay. "2 sào dưa của tôi năm nay chỉ cho thu hoạch mỗi ngày 1 - 2 yến, thấp hơn nhiều lần so với năm ngoái" - bà Bắc cho hay.
Cũng theo bà Bắc, dưa non dễ trồng, chỉ sử dụng phân chuồng nên chi phí đầu tư thấp, chủ yếu là ngày công bà con làm cỏ, tưới nước trong thời gian nắng hạn. Từ thời điểm xuống giống đến lúc cho thu hoạch khoảng 45 ngày, thời gian thu hoạch từ 1,5 - 2 tháng. Dưa non được sử dụng để làm dưa muối, nấu canh... hay làm thực phẩm dự trữ khi tàu thuyền ra khơi.
Là thương lái thu mua dưa tại xã Cẩm Lạc, chị Nguyễn Thị Hoài (người đội mũ đỏ) cho biết: "Năm nay do thị trường tiêu thụ kém nên giá mua dưa cũng thấp hơn so với mọi năm. Chúng tôi mua tại vườn với giá 3.000 đồng/kg, bán ra tại các chợ với giá 4.000 - 4.500 đồng/kg. Dưa non vùng Yên Lạc sẽ được bán tại các chợ dân sinh trên địa bàn như: chợ Cẩm Thịnh, chợ Cầu, chợ Hội...".
Thời gian thu hoạch dưa non chỉ mới bắt đầu được hơn 1 tuần, dự kiến sẽ thu hoạch đến giữa tháng 9. Nhiều người dân kỳ vọng giá dưa non sẽ tăng lên trong thời gian tới, giúp bà con có thêm thu nhập sau chuỗi ngày vất vả "bám đồng".
Xã Cẩm Lạc có tổng diện tích trồng dưa non khoảng 5 ha, với sự tham gia của gần 70 hộ dân. Hằng năm, dưa non vẫn là loại cây trồng chính của người dân xã Cẩm Lạc. Nếu thuận lợi sẽ cho thu nhập trung bình mỗi hộ từ 6 - 10 triệu đồng/vụ.
Năm nay, năng suất dưa non giảm từ 30 - 40% so với năm ngoái. Nguyên nhân là bởi thời điểm xuống giống, thời tiết nắng nóng kéo dài. Bên cạnh đó, khi dưa phát triển khoảng 5 lá thì gặp một trận mưa lớn khiến cây khó phát triển.
Ông Võ Kim Phong - Chủ tịch Hội Nông dân xã Cẩm Lạc
Phan Cúc