Vụ nam sinh lớp 10 bị đánh tử vong: Giết người hay Cố ý gây thương tích?
Hành vi đánh hội đồng khiến nam sinh lớp 10 tử vong của nhóm đối tượng có dấu hiệu cấu thành tội 'Giết người' hoặc tội 'Cố ý gây thương tích'.
Mới đây, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Hải Dương đã bắt khẩn cấp Phạm Quốc Cường, Phạm Văn Trang, Nguyễn Thành Long, đều sinh năm 2005, cùng ở xã Đông Xuyên (huyện Ninh Giang, Hải Dương)về tội giết người. Nạn nhân trong vụ án là Đặng Văn H. (sinh năm 2006, ở thôn Đồng Hội, xã Hồng Phong, huyện Ninh Giang).
Do biết H. có tán tỉnh người yêu của Cường nên Cường đã rủ Trang, Long một số lần đi tìm H. để đánh nhưng không thành. Khoảng 20h ngày 11/7, nhóm của Cường đi xe đạp điện đến Nhà văn hóa thôn Đồng Hội, khi thấy H. đang hướng dẫn cho thiếu nhi trong thôn sinh hoạt hè tại sân nhà văn hóa thì Long và Trang đi vào gọi H. ra ngoài rồi dùng chân, tay đánh, đấm, đá vào vùng đầu, mặt, bụng…của H khiến nam sinh này tử vong.
Giết người hay Cố ý gây thương tích?
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, đây là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng của nhóm thanh thiếu niên đã tước đoạt tính mạng của nạn nhân, hành vi đánh hội đồng em H. của nhóm đối tượng Phạm Quốc Cường, Phạm Văn Trang, Nguyễn Thành Long, gây ra hậu quả làm nạn nhân bị tử vong có dấu hiệu cấu thành tội “Giết người” theo quy định Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 hoặc tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015, tùy thuộc vào nhận thức, ý thức chủ quan của đối tượng gây án.
Cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi khách quan và ý thức chủ quan của các đối tượng gây án để xác định hành vi là giết người hay chỉ là cố ý gây thương tích. Cấu thành tội phạm của tội giết người và tội cố ý gây thương tích khác nhau về khách thể xâm hại, về động cơ mục đích, yếu tố lỗi và hậu quả.
Luật sư Cường phân tích, theo quy định của pháp luật, với tội giết người và tội cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người đều có thể có hậu quả giống nhau là nạn nhân tử vong. Tuy nhiên, tùy thuộc vào mục đích thực hiện hành vi, nhận thức của đối tượng thực hiện hành vi, yếu tố lỗi trong mặt chủ quan của tội phạm mà tùy vào từng vụ việc cụ thể, các đối tượng thực hiện hành vi sẽ bị xử lý về tội cố ý gây thương tích hay tội giết người.
Cơ quan điều tra sẽ làm rõ chiều yếu tố để xác định ý thức chủ quan của nhóm đối tượng này thông qua hành vi khách quan như: tương quan lực lượng giữa hai bên, tầm vóc, sức khỏe của đối tượng gây án; Hành vi được thực hiện như thế nào, khả năng tự vệ của nạn nhân. Trên cơ sở đó sẽ xác định các đối tượng này có động cơ mục đích tức đoạt tính mạng của nạn nhân hay không. Đối tượng đánh vào những vùng hiểm yếu của nạn nhân như vậy, nhiều người cùng đánh vào những vùng hiểm yếu như vậy có nhận thức được rằng hành vi có thể dẫn đến chết người hay không?
Trường hợp kết quả điều tra cho thấy, các đối tượng này có mục đích tước đoạt tính mạng của nạn nhân hoặc biết hành vi của mình có thể nguy hiểm đến tính mạng của nạn nhân nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi và bỏ mặc hậu quả chết người có thể xảy ra thì hành vi này có thể xử lý hình sự về tội giết người theo quy định tại điều 123 bộ luật hình sự.
Trường hợp kết quả điều tra, xác minh cho thấy các đối tượng không có động cơ mục đích giết người, không nhận thức được rằng hành vi của mình có thể dẫn đến chết người, hậu quả chết người là ngoài ý chí chủ quan của đối tượng gây án, cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại điều 134 bộ luật hình sự.
Việc quyết định xử lý nhóm đối tượng này về tội giết người hay tội cố ý gây thương tích là rất quan trọng, phải căn cứ vào các chứng cứ được thu thập hợp pháp để đánh giá sự thật khách quan, trên cơ sở lý luận về cấu thành tội phạm của hai tội danh này để xác định xử lý các đối tượng về tội danh nào mới đúng pháp luật, không oan sai.
Các đối tượng gây án đều đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự
Trong vụ việc này, các đối tượng gây án đều là người dưới 18 tuổi nhưng đã đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Bởi vậy các đối tượng này sẽ được áp dụng chính sách về người dưới 18 tuổi phạm tội.
“Trong sự việc này, 3 nghi phạm cùng sinh năm 2005, có nghĩa là đều trên 16 tuổi. Theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015, người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi loại tội phạm. Như vậy, cả 3 đối tượng trên đều đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật”, Tiến sĩ Đặng Văn Cường nhận định.
Tuy nhiên, luật sư Cường cho rằng, người dưới 18 tuổi là người chưa phát triển đầy đủ về thể chất và tinh thần, nhận thức còn bông bột, dễ bị kích động, thiếu kiểm soát cảm xúc nên việc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội sẽ có những quy định đặc thù trên cơ sở chính sách, pháp luật hình sự. Về nguyên tắc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội là đảm bảo lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lạnh mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội.
Khi xử lý hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, có ba cấp độ xử lý đó là miễn trách nhiệm hình sự đi kèm với đó là thực hiện các biện pháp giám sát, giáo dục như khiển trách; hòa giải cộng đồng; giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Cấp độ thứ hai là giáo dục tại trường giáo dưỡng. Cấp độ cuối cùng là sử dụng các hình phạt như cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ và tù có thời hạn.
“Ba đối tượng trên không đủ điều kiện để được miễn trách nhiệm hình sự và thực hiện các biện pháp giám sát, giáo dục theo quy định tại Điều 91 Bộ luật Hình sự 2015. Tòa án sẽ áp dụng hình phạt tù có thời hạn nếu xét thấy việc giáo dục tại trường giáo dưỡng không đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa.
Những vụ án mà đối tượng gây án và nạn nhân đều là người dưới 18 tuổi là những vụ án rất đau lòng, rất đáng tiếc, trong đó có phần trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội trong việc quản lý, giáo dục các em.
Bởi vậy, khi xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, các cơ quan tiến hành tố tụng phải căn cứ về chính sách hình sự và các quy định pháp luật về xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội để thể hiện sự khoan hồng, nhân đạo của pháp luật, giúp người phạm tội có cơ hội nhận ra lỗi lầm và sửa chữa lỗi lầm của mình", luật sư Cương phân tích.
Theo luật sư Đặng Văn Cường, Khoản 1 Điều 101 Bộ luật Hình sự 2015 quy định, đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù, nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định.
“Như vậy, trường hợp nhóm đối tượng trên bị kết tội theo khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015 thì mức phạt tù được áp dụng thay vì tù từ 12 đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình sẽ được giảm xuống còn từ 9 đến 18 năm. Trường hợp nhóm đối tượng trên bị kết tội theo khoản 4 Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 thì thay vì tù từ 7 đến 14 năm sẽ được giảm xuống còn từ 5 đến 10 năm”, luật sư Cường nêu ý kiến.
Mời độc giả xem thêm video Kẻ vượt ngục Triệu Quân Sự giết người vì mê chơi game: