Vụ nam thanh niên ngã ra đường không ai giúp bị xe tông tử vong: Không giúp người gặp nạn bị xử phạt ra sao?

4 người dân đi qua thấy tai nạn nhưng không hỗ trợ để xe khách lao tới tông trúng khiến nạn nhân tử vong.

Liên quan đến vụ tai nạn giao thông khiến anh P.H.P (30 tuổi, ngụ Phú Giáo, Bình Dương) tử vong, ngày 16/12, Công an huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương cho biết vẫn đang tiếp tục xác minh, điều tra làm rõ nguyên nhân.

Thời điểm anh P. bị té và bất tỉnh.

Thời điểm anh P. bị té và bất tỉnh.

Trên báo Người lao động đăng tin, theo camera của người dân ghi lại, vụ tai nạn xảy ra vào 21 giờ 30 đêm 11/12 trên đường ĐT 741 đoạn qua ấp Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương. Vào thời điểm trên, anh P. điều khiển xe máy lưu thông về hướng Bình Dương đi Bình Phước. Khi đi gần tới đèn tín hiệu giao thông đoạn ngã ba cây khô thuộc ấp Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo thì tự ngã ra giữa đường, bất tỉnh.

Điều đáng nói là tại thời điểm anh P. bị ngã và bất tỉnh, có đến 4 người điều khiển xe gắn máy lưu thông từ phía sau, tất cả đều thấy, cho xe đi chậm lại, nhìn sơ qua anh P. nhưng sau đó tiếp tục điều khiển phương tiện lưu thông. Không lâu sau đó, một chiếc xe khách lao tới đã vô tình cán phải, khiến anh P. tử vong.

Trên báo Lao động đưa tin, tại hiện trường cho thấy không có đèn chiếu sáng, nạn nhân đang còn nằm ở giữa đường thì xe khách lao tới không phát hiện ra, đã cán qua nạn nhân, kéo lê trên đường. Người dân khu vực cho biết trên Lao động, đoạn đường xảy ra tai nạn đèn chiếu sáng đã hư hỏng nhiều ngày nhưng chưa thấy đơn vị nào đến sửa chữa.

Sau khi clip do camera của người dân ghi lại được phát tán lên mạng xã hội đã khiến người xem bức xúc trước sự quá vô tâm của những người nói trên.

Ảnh cắt từ camera an ninh

Liên quan đến sự việc trên, chiều 15/12, trên VTC News, luật sư Trần Minh Cường (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, trong một số hoàn cảnh cụ thể, hành vi không cứu giúp nạn nhân của những người đi đường có thể bị xử lý về tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng theo Điều 132 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi 2017 (trong đó mức hình phạt đến 7 năm tù).

"Trên thực tế để xử lý về tội này thì không dễ dàng. Vì khi xác định tội này thì hành vi không cứu giúp người cần xác định mối quan hệ nhân quả của hành vi không cứu giúp với hậu quả chết người. Có nghĩa là nếu xác định vì không cứu mà dẫn đến hậu quả người đó chết thì mới có tội (trong khi mình có khả năng cứu nhưng lại không cứu).

Ngoài ra việc phải xác định được danh tính cụ thể những người đi đường, việc chứng minh mối quan hệ nhân quả giữa hành vi với hậu quả chết người là rất khó.

Một câu hỏi đặt ra là nếu có rất nhiều người đi ngang qua thấy vụ tai nạn mà không cứu thì chúng ta sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự hết tất cả người này hay sao? Điều này gần như là không thể", luật sư Cường nói.

K.N (th)

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/vu-nam-thanh-nien-nga-ra-duong-khong-ai-giup-bi-xe-tong-tu-vong-khong-giup-nguoi-gap-nan-bi-xu-phat-ra-sao-20201216113028022.htm