Vụ ngân hàng bị cướp giữa ban ngày: Phân tích từ một điều tra viên kỳ cựu

Nguyên điều tra viên cao cấp Trịnh Kim Vân phân tích hành vi tội phạm và chỉ ra những bất cập trong công tác bảo vệ tại 1 ngân hàng ở Hà Nội sau vụ cướp táo tợn.

 Thượng tá Trịnh Kim Vân, nguyên điều tra viên cao cấp, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội.

Thượng tá Trịnh Kim Vân, nguyên điều tra viên cao cấp, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội.

Chiều 21/4, một vụ cướp ngân hàng xảy ra tại phòng giao dịch của VietinBank trên địa bàn xã Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ, Hà Nội). Theo đó, một đối tượng nam mang theo dao và chai chất lỏng nghi là xăng đã uy hiếp nhân viên, cướp tiền và rời đi một cách thản nhiên giữa ban ngày. Không có tiếng la hét, không có sự giằng co, toàn bộ quá trình chỉ diễn ra trong ít phút. Vụ việc nhanh chóng thu hút sự chú ý lớn từ dư luận.

Đối tượng đặc biệt nguy hiểm

Trao đổi với PV Báo PNVN, Thượng tá, Trịnh Kim Vân, nguyên điều tra viên cao cấp, Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an TP Hà Nội, cho rằng, đây là một vụ án cho thấy đối tượng không thuộc loại cướp có tổ chức chuyên nghiệp, nhưng lại đặc biệt nguy hiểm bởi mức độ manh động và liều lĩnh.

"Chỉ một con dao chọc tiết lợn và chai chất lỏng nghi xăng cũng đủ khiến cả phòng giao dịch lặng im. Đối tượng chọn thời điểm 14h - giờ cao điểm giao dịch, điều này cho thấy anh ta không hề sợ bị nhận diện hay bắt giữ tại chỗ", ông Vân nhận định.

Đối tượng cầm dao uy hiếp nhân viên ngân hàng. Ảnh cắt từ clip

Đối tượng cầm dao uy hiếp nhân viên ngân hàng. Ảnh cắt từ clip

Điểm đáng chú ý là thái độ sau khi gây án, hắn ta bình thản đi ra, không la hét, không bỏ chạy. Đó là chiến thuật tâm lý, đánh vào sự lúng túng của cả nhân viên lẫn những người xung quanh, khiến không ai kịp phản ứng. Hành vi đó cho thấy đối tượng có thể từng có tiền án, tiền sự ở tội danh khác, chứ không phải là "tay mơ".

Thượng tá Trịnh Kim Vân

Theo ông Vân, những tên tội phạm từng ra tù thường có xu hướng đánh giá hệ thống bảo vệ ngân hàng yếu, đặc biệt tại các chi nhánh vùng ven. Dù gây án thành công nhưng đối tượng đã để lại không ít dấu vết phục vụ công tác truy bắt. Đây là điều các điều tra viên nhiều kinh nghiệm luôn nắm rõ.

"Hắn để lộ ngoại hình, dáng đi, vật dụng mang theo, hướng di chuyển. Camera ngân hàng có thể không rõ nhưng camera dân cư thì nhiều, nếu khoanh vùng nhanh, hoàn toàn có thể dựng lại hành trình tẩu thoát và tôi tin rằng đối tượng sẽ sớm bị bắt giữ. Trong nhiều vụ án trước đây, lực lượng công an đã lần ra đối tượng chỉ từ những dấu vết nhỏ nhất như bao thuốc lá, mẩu giấy, vết máu hoặc dấu giày dính bùn đất", ông Vân cho hay.

Theo ông Vân, một trong những điểm khiến vụ cướp này xảy ra và thành công chính là từ sự thiếu cảnh giác, thiếu kỹ năng phản ứng của chính phía ngân hàng.

"Tại sao một đối tượng cầm dao đi thẳng vào quầy, lấy tiền rồi rời đi, mà không có bảo vệ kịp thời phản ứng?", câu hỏi được ông Vân nêu ra không chỉ để cảnh báo VietinBank mà là cho cả hệ thống ngân hàng.

Hình ảnh nghi phạm xách ba lô rời ngân hàng sau khi lấy được tiền. Ảnh cắt từ clip

Hình ảnh nghi phạm xách ba lô rời ngân hàng sau khi lấy được tiền. Ảnh cắt từ clip

Nhiều chi nhánh ngân hàng, đặc biệt là phòng giao dịch ở khu công nghiệp, khu vực nông thôn hoặc ven đô, thường không trang bị đầy đủ hệ thống an ninh, nhân viên ít được huấn luyện kỹ. Không ít nơi xem nhẹ việc diễn tập phòng chống cướp, trong khi đây là một trong những rủi ro rất thực tế. Việc nhân viên chỉ biết đưa tiền, không tri hô, không kích hoạt nút báo động, cũng là hệ quả của sự thiếu chuẩn bị.

"Bảo vệ ngân hàng không phải chỉ là có một người đứng gác. Đó là cả một quy trình gồm thiết bị, phản xạ con người và kịch bản xử lý khẩn cấp. Nếu thiếu một mắt xích, tội phạm sẽ tận dụng được ngay", ông Vân nhận định.

Mỗi ngân hàng cần định kỳ tổ chức diễn tập tình huống giả định

Vụ việc lần này không giống các vụ cướp ngân hàng từng được ghi nhận trước đây, vốn thường có hai hoặc ba đối tượng, chia vai rõ ràng: người uy hiếp, người gom tiền, người cầm lái. Trong trường hợp này, chỉ một người nhưng vẫn đủ tạo ra hiệu quả.

"Đây là kiểu cướp đơn độc, manh động, có thể là do túng quẫn, nợ nần hoặc ảo tưởng về khả năng tẩu thoát. Chính loại tội phạm này đang gia tăng, bởi chúng dễ hành động bất ngờ, ít để lộ kế hoạch, lại thường xuất hiện ở những nơi an ninh lỏng lẻo," ông Vân phân tích.

Điều đáng lo hơn là, nếu không bắt được nhanh, đối tượng có thể tiếp tục gây án ở nơi khác với thủ đoạn tương tự. Khi đã "nếm mùi" trót lọt, những tên tội phạm kiểu này có xu hướng liều hơn, nguy hiểm hơn.

Từ vụ việc trên, nguyên điều tra viên cao cấp Trịnh Kim Vân nhấn mạnh thông điệp quen thuộc nhưng luôn cần nhắc lại: Phòng hơn chống.

"Cướp ngân hàng không mới. Nhưng điều nguy hiểm nhất là chúng ta nghĩ: nó không xảy ra ở chỗ mình. Chính suy nghĩ đó khiến nhiều đơn vị chủ quan, đến khi xảy ra thì mọi phản ứng đều chậm", ông Vân nói.

Ông Vân đề xuất, mỗi ngân hàng cần định kỳ tổ chức diễn tập tình huống giả định, kiểm tra hệ thống camera, báo động và tăng cường bảo vệ có kỹ năng ứng phó. Không nên để sự an toàn của hàng chục con người phụ thuộc vào một nút bấm hoặc một phản ứng bản năng.

Vụ cướp ngân hàng VietinBank tại huyện Chương Mỹ là lời cảnh báo không chỉ cho ngành ngân hàng, mà cho cả hệ thống phòng ngừa tội phạm tài chính. Liều lĩnh, đơn độc không đồng nghĩa với vô hại - đôi khi chỉ cần một con dao và một chai xăng cũng đủ thách thức cả hệ thống an ninh nếu chúng ta mất cảnh giác.

Văn Long

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/vu-ngan-hang-bi-cuop-giua-ban-ngay-phan-tich-tu-mot-dieu-tra-vien-ky-cuu-20250422081808783.htm