Vụ nghệ sĩ Việt quảng cáo phun chân mày để cải vận: Tiếp tay mê tín trục lợi

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, việc hàng chục nghệ sĩ xuất hiện trong các clip quảng cáo dịch vụ thẩm mỹ 'phun chân mày phong thủy' không còn là chuyện quảng cáo sản phẩm thông thường, mà là vấn đề đạo đức, thậm chí là trách nhiệm xã hội của người làm nghề.

Trao đổi với Tiền Phong, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên chuyên trách tại Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội - cho rằng trong thời đại mạng xã hội bùng nổ và hình ảnh người nổi tiếng trở thành “tiêu chuẩn” trong mắt công chúng, việc nhiều nghệ sĩ Việt xuất hiện trong các clip quảng cáo dịch vụ thẩm mỹ “phun chân mày phong thủy” đã khiến dư luận không khỏi băn khoăn.

Họ không chỉ đơn thuần làm đẹp, mà còn gán cho những đường nét nhân tạo ấy một sức mạnh “cải vận đổi đời”, “mở cung tài lộc”, “đổi mệnh sang giàu” - như thể chỉ cần thay đôi chân mày là có thể thay đổi cả số phận.

Quang Linh Vlogs từng khoe với Hằng Du Mục về việc đi làm chân mày phong thủy trị giá 85 triệu đồng trước khi cả hai bị bắt.

Quang Linh Vlogs từng khoe với Hằng Du Mục về việc đi làm chân mày phong thủy trị giá 85 triệu đồng trước khi cả hai bị bắt.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, nghệ sĩ cũng có quyền mưu sinh, có nhu cầu làm đẹp, và hơn thế, họ là những người dễ dàng trở thành gương mặt đại diện cho các thương hiệu. Nhưng cái quyền ấy không đồng nghĩa với việc được phép truyền đi những thông điệp thiếu kiểm chứng, gieo vào lòng công chúng - nhất là giới trẻ - những ảo tưởng rằng sắc đẹp đi kèm là vận mệnh, rằng vận số có thể được “xăm vẽ” chỉ bằng vài nét mực lên gương mặt. Đây không còn là chuyện quảng cáo sản phẩm thông thường, mà là vấn đề đạo đức, thậm chí là trách nhiệm xã hội của người làm nghề.

“Chúng ta đang sống trong một xã hội tôn trọng khoa học, pháp luật và sự thật. Mọi hình thức quảng cáo đều cần có căn cứ, nhất là khi nó chạm vào niềm tin của con người. Phong thủy, dù có giá trị văn hóa truyền thống nhất định, vẫn chưa - và có lẽ sẽ không bao giờ - là một cơ sở được y học hay khoa học hiện đại công nhận như một phương pháp cải biến số mệnh. Đặc biệt, việc gán ghép những dịch vụ làm đẹp với ‘tướng số, tài lộc’ lại càng dễ rơi vào phạm trù của mê tín dị đoan, đánh vào tâm lý bất an của người dân, để rồi từ đó trục lợi”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhận định.

Nghệ sĩ tiếp tay thẩm mỹ viện… trục lợi

PGS.TS Bùi Hoài Sơn phân tích: “Nghệ sĩ - với sức ảnh hưởng của mình - nếu không thận trọng, rất dễ vô tình tiếp tay cho sự nhập nhằng giữa vẻ đẹp và vận mệnh, giữa niềm tin truyền thống và niềm tin mù quáng. Khi họ đứng trước ống kính, mỉm cười giới thiệu dịch vụ ‘phun chân mày phong thủy giúp thu hút tài lộc, cải mệnh đổi đời’, họ đang vô hình trung gieo vào lòng công chúng thông điệp rằng: cái đẹp có thể mua được hạnh phúc, rằng sự thịnh vượng không đến từ tri thức, lao động, đạo đức, mà đến từ… thẩm mỹ viện”.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên chuyên trách tại Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội. Ảnh: Như Ý.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên chuyên trách tại Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội. Ảnh: Như Ý.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, điều đáng lo ngại hơn là sự im lặng - hoặc thậm chí là đồng tình - của một bộ phận công chúng trước xu hướng này. Sự mê tín ẩn trong lớp vỏ hào nhoáng của ngành công nghiệp làm đẹp đang được tô son trát phấn bằng những lời “review” ngọt ngào nhưng phi khoa học. Phải chăng chúng ta đang đi ngược lại hành trình văn minh hóa niềm tin, khi để cho nghệ sĩ - những người từng là biểu tượng của văn hóa, trí tuệ và nhân cách -trở thành người truyền bá cho những quan điểm sai lệch về số phận?

“Đã đến lúc cần nhìn lại. Người nổi tiếng không chỉ là người của công chúng, họ là hình mẫu, là tấm gương phản chiếu văn hóa đương đại. Họ càng thành công, họ càng phải có trách nhiệm với lời nói, với hình ảnh của mình. Đừng biến quyền lực truyền thông thành vũ khí vô hình làm tổn thương niềm tin của xã hội.

Đừng để ánh hào quang che mờ lằn ranh giữa đạo đức và quảng cáo. Và hơn hết, đừng quên rằng vẻ đẹp thật sự không nằm ở đôi chân mày được ‘phun chuẩn tướng số’, mà nằm ở tri thức, ở sự chính trực, và ở lòng tin vào giá trị thật của con người. Sự tỉnh táo của người nghệ sĩ và sự tỉnh táo của mỗi khán giả chính là nét ‘phong thủy’ cần thiết nhất trong một xã hội hướng đến văn minh và nhân văn”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.

Đỗ Quyên

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/vu-nghe-si-viet-quang-cao-phun-chan-may-de-cai-van-tiep-tay-me-tin-truc-loi-post1758891.tpo