Vụ nghi gỗ sưa ở Quảng Bình: Xử lý như thế nào?

Gốc gỗ nghi là sưa đỏ quý hiếm vừa phát hiện dưới suối tại Quảng Bình đã được lực lượng chức năng thu giữ, đề xuất phương án xử lý theo quy định.

Sáng ngày 20/5, trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Văn Long, Chi Cục trưởng Chi Cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình cho biết: “Sau khi phối hợp với cơ quan Công an xử lý vụ việc liên quan đối với gốc gỗ nghi là gỗ sưa vừa được phát hiện dưới suối tại xã Phúc Trạch, hiện hồ sơ toàn bộ vụ việc được lực lượng Công an tiến hành tổng hợp và giải quyết. Công an sau khi hoàn thành các thủ tục liên quan, sẽ bàn giao cho lực lượng Kiểm lâm để tiến hành cất giữ, lưu kho và đề xuất phương án xử lý” - ông Long cho hay.

Liên quan đến vụ việc, ông Lê Quang Tiến, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch cho biết: “Các thủ tục kiểm tra và bàn giao số gỗ này được tiến hành đúng quy trình. Lực lượng Kiểm lâm huyện Quảng Trạch cũng đã tiếp nhận, kiểm tra và đo khối lượng hiện vật được phát hiện”.

Số lượng gỗ nghi là gỗ sưa đỏ được cơ quan chức năng thu giữ. Ảnh: Kiểm lâm huyện Bố Trạch cung cấp.

Số lượng gỗ nghi là gỗ sưa đỏ được cơ quan chức năng thu giữ. Ảnh: Kiểm lâm huyện Bố Trạch cung cấp.

Theo ông Đoàn Văn Ngãi, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bố Trạch, hiện chưa thể khẳng định chắc chắn đó là gỗ sưa, bởi mẫu vật bị ngâm lâu ngày trong nước, cần thời gian phơi khô và giám định chính xác chủng loại, khối lượng.

Trước đó, vào tối 17/5, trong lúc đi bắt cá, một người dân bất ngờ phát hiện khúc cây nghi là gỗ sưa bị vùi lấp từ lâu dưới lớp bùn trong lòng suối ngầm Bến Troóc, thuộc xã Phúc Trạch - khu vực thuộc vùng đệm Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

Ngay trong đêm 17/5, một số đầu nậu đã tiếp cận mua gốc cây trên. Tuy nhiên, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đã phát hiện và ngăn chặn. Số gỗ gồm 3 khúc với tổng trọng lượng khoảng vài trăm kilôgam. Trong đó, có một khúc dài khoảng gần 3m.

Cách đây hơn 10 năm, cũng tại vị trí lòng suối này, người dân từng phát hiện một gốc gỗ sưa có đường kính hơn 1m, dài gần 2m. Thời điểm đó, gỗ sưa được xem là một trong những loại gỗ có giá trị cực cao nên khúc gỗ nói trên được định giá đến 17 tỷ đồng. Sau đó, gốc gỗ sưa đã được đưa về trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Quảng Bình.

Cây sưa còn gọi là trắc thối, huê mộc vàng hay trắc hoa trắng (có tên khoa học là Dalbergia tonkinensis Prain), là một loài cây thân gỗ thuộc họ Đậu (Fabaceae), thuộc gỗ nhóm IA, là một trong những loài gỗ quý hiếm. Trước đây, gỗ sưa mọc nhiều ở các dãy núi đá, đặc biệt, là ở Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

Kiều Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/vu-nghi-go-sua-o-quang-binh-xu-ly-nhu-the-nao-388408.html