Vụ 'nghi viêm ruột thừa, cắt vòi trứng' ở Bình Dương: Bác sĩ nói gì?
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Bùi Chí Thương, ở nước ngoài, bệnh nhân trong tình huống nghi viêm ruột thừa nhưng khi phẫu thuật bác sĩ lại phát hiện tổn thương ở vị trí khác có thể phải đóng bụng lại. Khi bệnh nhân tỉnh, bác sĩ sẽ hỏi ý kiến và mổ lại.
Bệnh viện khẳng định không cắt buồng trứng của bệnh nhân
Theo lời kể của người nhà, ngày 11/7, bệnh nhân L.T.T. (35 tuổi, Bình Dương) bị đau ở vùng bụng. Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương nhận định bệnh nhân bị viêm ruột thừa cấp, phải phẫu thuật. Tuy nhiên, khi mổ nội soi, ê-kíp không cắt ruột thừa mà cắt buồng trứng của chị T.
Sau mổ, người thân tập trung đến bệnh viện yêu cầu giải thích việc cắt buồng trứng của chị T.
Về phía bệnh viện, đại diện Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương xác nhận chị T. được chuyển phẫu thuật nội soi với chẩn đoán viêm ruột thừa cấp. Trong quá trình mổ, bác sĩ phát hiện vùng tai vòi bên phải sưng to, chảy mủ nên đã mời bác sĩ khoa sản đến kiểm tra. Phần ruột thừa không phát hiện dấu hiệu viêm.
Các bác sĩ nhận định chị T. bị viêm tai vòi và phải tiến hành cắt bỏ để đảm bảo tính mạng. Ê-kíp phẫu thuật đã liên hệ số điện thoại người thân để thông báo tình trạng bệnh nhưng không được. Bệnh viện phát loa thông báo tìm người nhà của chị T. nhưng bất thành.
Để đảm bảo tính mạng cho chị T., các bác sĩ đã quyết định cắt tai vòi có biểu hiện viêm để điều trị, không phải cắt buồng trứng như người thân bệnh nhân phản ứng. Bệnh nhân đã ổn định và đang được theo dõi tại bệnh viện.
Về vấn đề này, VietNamNet xin đăng tải chia sẻ của Tiến sĩ, bác sĩ Bùi Chí Thương, Trưởng khối Sản, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM).
Thứ nhất, chẩn đoán viêm ruột thừa đôi khi không dễ. Trong trường hợp này, bệnh nhân có đau quanh rốn sau đó lan sang hố chậu phải. Triệu chứng khá điển hình. Tuy nhiên, đối với phụ nữ, ở bên hố chậu phải lại có phần phụ phải (bao gồm buồng trứng và vòi trứng phải).
Vì vậy, nếu có viêm hay áp-xe phần phụ phải, người bệnh sẽ sốt, xét nghiệm máu có bạch cầu tăng gần giống ruột thừa viêm.
Tuy nhiên, dù kết quả chụp CT cho thấy đây là viêm ruột thừa viêm đi nữa, khi tư vấn với bệnh nhân trước mổ, bác sĩ cũng không nên bảo đảm 100% chính xác. Máy móc cũng không phải là mắt thần, không thể nhìn đâu đúng đó.
Thứ hai, khi mổ, ruột thừa bình thường (không viêm) nhưng có mủ chảy ra từ vòi trứng phải. Mủ chảy nhiều nên đọng lại ở cùng đồ sau, là chỗ thấp nhất trong bụng. Chuyên khoa phụ sản gọi triệu chứng này là áp-xe vòi trứng. Nếu buồng trứng cũng có thêm mủ, sẽ gọi là áp xe vòi trứng- buồng trứng.
Lúc này ngoại khoa mời bác sĩ phụ khoa hội chẩn là đúng.
Vì bệnh nhân đang được gây mê, bác sĩ không thể hỏi ý kiến. Ê-kíp đã gọi người nhà nhưng không được (bằng điện thoại và loa phóng thanh).
Lúc này có 2 vấn đề đặt ra:
- Đối với bệnh nhân ở nước ngoài, vì văn hóa và luật lệ, bệnh nhân có quyền cao nhất quyết định về thân thể của mình. Hoặc vì quyền riêng tư, bệnh nhân không muốn người thân biết bệnh của họ. Do đó trong tình huống này, đôi lúc ê-kíp phải đóng bụng lại, đợi bệnh nhân tỉnh táo, tư vấn và hôm sau mổ lại.
Việc trì hoãn này có nhược điểm là phải mổ nhiều lần, chịu nhiều thuốc gây mê, chưa kể biến chứng nguy hiểm nhất là vi khuẩn phát tán trong ổ bụng gây viêm phúc mạc toàn thể. Tình huống này có thể gây nhiễm khuẩn huyết hay sốc nhiễm khuẩn đe dọa tính mạng.
- Đối với bệnh nhân trong nước, do văn bó gia đình gắn bó và chia sẻ, đa số các trường hợp đều mời người nhà lên giải thích để mổ thế nào, mổ cái gì... Bệnh viện đã mời người nhà mà không được nên quyết định cắt vòi trứng bị áp xe đang chứa mủ. Lúc này, không thể đợi mãi vì thời gian đợi lâu sẽ tăng dùng thuốc mê, tăng nguy cơ nhiễm khuẩn vết mổ, huyết khối tĩnh mạch...
Tôi cũng xin lưu ý một vấn đề rất thường gặp ngoài đời, nhiều người nhầm lẫn vòi trứng là buồng trứng. Thực tế, buồng trứng là cơ quan trọng yếu có 2 chức năng lớn là nội tiết (sản xuất hormon vào máu để giữ sắc đẹp, giới tính, sức khỏe tim mạch, xương..) và ngoại tiết (rụng trứng để có thai).
Còn vòi trứng chỉ có chức năng chủ yếu là vận chuyển tinh trùng đi gặp trứng, sau đó chuyển hợp tử ngược lại buồng tử cung để làm tổ. Gần đây, nhiều nghiên cứu cho thấy vòi trứng là nguyên nhân dẫn đến ung thư buồng trứng biểu mô nên nếu bệnh nhân đủ con hay vì có ca mổ, có thể cắt vòi trứng dự phòng.
Như vậy, từ câu chuyện của bệnh nhân và bệnh viện tại Bình Dương, tôi cho rằng có các vấn đề sau:
1. Xu hướng của con người là thích nghe tin tiêu cực. Thay vì nói cắt vòi trứng ít nghiêm trọng, người ta nói cắt buồng trứng sẽ gây chú ý hơn. Cùng là chữ "trứng" nhưng để lại hậu quả cho nhân viên y tế.
2. Khi nhân viên y tế tư vấn cho người nhà và bệnh nhân, cần lưu ý:
Trước mổ: Không cam kết chẩn đoán hay điều trị chắc chắn 100% mà phải tư vấn có tỷ lệ ngoài dự đoán, tránh cho bệnh nhân kỳ vọng quá mức.
Sau mổ: Khi tư vấn cần lưu ý câu từ rõ ràng, dễ hiểu và thấu cảm.
Ngành y là một ngành khoa học không có độ chắc chắn tuyệt đối. Tuy nhiên, không phải vì thế mà chúng tôi không cẩn thận. Tính thương người luôn hiện hữu trong máu của nhân viên y tế. Vì vậy, hãy tin ở chúng tôi. Chúng tôi cần niềm tin.