Vụ ngộ độc do ăn cá chép muối chua ở Phước Sơn (Quảng Nam): Bệnh viện chợ rẫy cử chuyên gia mang thuốc giải độc ra cứu chữa
Trước tình trạng xuất hiện thêm 2 điểm ngộ độc thực phẩm liên quan đến món cá chép muối chua xảy ra tại huyện Phước Sơn (Quảng Nam), Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc (BV ĐKKVB) Quảng Nam đã đề nghị BV Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) hỗ trợ chuyên môn đối với các trường hợp ngộ độc đang điều trị. Sau khi tiếp nhận thông tin, BV Chợ Rẫy đã cử đội chuyên gia mang thuốc giải độc ra Quảng Nam để cứu chữa.
* Ngộ độc do nhiễm vi khuẩn Clostridium botulinum
Trước đó (sáng 18-3), BV Chợ Rẫy nhận được điện thoại liên lạc từ BV ĐKKVB Quảng Nam đề nghị hỗ trợ chuyên môn đối với các trường hợp ngộ độc mà BV đang tiếp nhận điều trị. Sau khi hội chẩn trực tuyến giữa hai BV, các bác sĩ đã nghĩ nhiều đến vấn đề ngộ độc do vi khuẩn Botulinum. Do đó, Giám đốc BV Chợ Rẫy đã phân công ngay một đội hỗ trợ trực tiếp ra BV ĐKKVB Quảng Nam để cùng phối hợp điều trị bệnh nhân. Thành viên của đội gồm các chuyên gia đầu ngành về hồi sức cấp cứu, hồi sức chống độc và dược. Đặc biệt, đội hỗ trợ của BV Chợ Rẫy còn đem theo 5 lọ thuốc Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT) dùng giải ngộ độc tố Clostridium Botulinum, đây là một loại thuốc rất quý hiếm (có giá khoảng 8.000 USD/lọ).
BV ĐKKVB Quảng Nam cho biết, từ ngày 4-3 đến nay, BV điều trị 3 chùm ca bệnh ở các địa phương của huyện Phước Sơn với 10 bệnh nhân. Cụ thể, chùm ca bệnh thứ nhất 5 người, gồm: Nguyễn Thị Thông (1983), Hồ Văn Tý (1995), Trương Thị Thương (1982), Hồ Thị Điệp (1996) và Hồ Văn Hát (1994). Cả 5 người cùng ăn món cá chép muối ủ chua. Sau khi ăn từ 12 - 24 giờ, tất cả đều có triệu chứng đau bụng, nôn ói, mệt, yếu dần tay chân và được đưa đến BV ĐKKVB Quảng Nam. Sau 3 ngày điều trị, bệnh nhân Nguyễn Thị Thông đã tử vong, 4 ca còn lại tình trạng hiện tại tạm ổn.
Chùm ca bệnh thứ hai là 4 người trong cùng 1 gia đình, gồm: Hồ Văn Điều (1966), Hồ Văn Đại (1997), Hồ Thị Mo (1999) và Hồ Thanh Chức (2011, cùng trú xã Phước Kim). Trưa ngày 16-3, cả gia đình ăn cá chép muối ủ chua tại rẫy keo của anh Hồ Văn Đại, đến tối cùng ngày thì xuất hiện các triệu chứng đau đầu, buồn nôn, nôn, bụng chướng, choáng, chóng mặt nên nhập BV ĐKKVB Quảng Nam. Đến ngày 18-3, 2 bệnh nhân là Hồ Văn Điều và Hồ Văn Đại liệt tứ chi, suy hô hấp, phải thở máy; 2 bệnh nhân còn lại mệt đừ, yếu nhẹ tứ chi, tự thở được.
Chùm ca bệnh thứ ba là bệnh nhân Hồ Thị Tài (1986, trú xã Phước Chánh, huyện Phước Sơn). Bệnh nhân ăn món cá chép muối ủ chua vào ngày 14-3. Sau 1 ngày, bệnh nhân nôn ói nhiều, yếu dần tay chân và nhập BV ĐKKVB Quảng Nam để điều trị. Đến ngày 16-3, bệnh nhân suy hô hấp, phải thở máy đến nay.
Sau khi nắm bắt thông tin sơ bộ, kết hợp với các tiêu chuẩn về lâm sàng và dịch tễ, các bác sĩ của BV Chợ Rẫy đã đưa ra chẩn đoán đối với các chùm ca bệnh trên là: Ngộ độc Botulinum do ăn cá chép muối ủ chua. Với chẩn đoán trên, 3 bệnh nhân nặng đang thở máy (1 nữ, 2 nam) được chỉ định dùng ngay thuốc giải ngộ độc tố Clostridium Botulinum. Đến 18 giờ 30 ngày 19-3, Viện Pasteur Nha Trang cũng đã có kết quả xét nghiệm cấy mẫu cá chép muối ủ chua, qua đó kết quả đã xác định dương tính với Clostridium Botulinum type E.
Về hướng điều trị 5 bệnh nhân bị nhiễm độc của chùm bệnh thứ hai và thứ ba, các bác sĩ cho biết, 3 bệnh nhân nặng thở máy mỗi người truyền 1 lọ BAT, theo dõi sốc phản vệ trong và sau truyền. Theo dõi sát biến chứng loạn nhịp tim và săn sóc bệnh nhân thở máy. 2 bệnh nhân còn lại tiếp tục theo dõi sát tình trạng yếu liệt của bệnh nhân để quyết định có sử dụng BAT hay không.
TS Mai Văn Mười – Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam thông tin thêm, những người bị ngộ độc của cả 3 vụ ngộ độc thực phẩm trên đều là người Giẻ Triêng. Quy trình chế biến món cá chép ủ chua (món ăn truyền thống của người dân) gồm: cá chép + muối + cơm hoặc bột bắp + ớt, sau đó ủ trong hủ kín khoảng 7 ngày rồi đem ra ăn.
Cũng theo TS Mai Văn Mười, trước nguy cơ tiềm ẩn tiếp tục sẽ có xảy ra các vụ ngộ độc thời gian đến khi người dân có thói quen sử dụng thức ăn truyền thống như thực phẩm lên men (cá chép ủ chua), Sở Y tế tỉnh Quảng Nam đề nghị UBND các huyện/thị xã/thành phố, đặc biệt là vùng núi cao tăng cường thông tin, truyền thông, giáo dục về kiến thức an toàn thực phẩm nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen không đảm bảo an toàn thực phẩm trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và sử dụng thực phẩm. Khuyến cáo người dân không sử dụng các món ăn được chế biến liên quan món cá chép ủ chua; không sử dụng các thực vật lạ, có nguy cơ gây ngộ độc như nấm rừng, cây củ, quả rừng lạ, côn trùng,...; cần có biện pháp chế biến đảm bảo an toàn đối với các sản phẩm mang tính truyền thống hoặc tập quán của địa phương; tuyệt đối không sử dụng sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng; kiên quyết tẩy chay các sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm…
“Ngộ độc thực phẩm có độc tố có thể gây tử vong nhanh, nếu không được cấp cứu kịp thời. Vì vậy, khi có các biểu hiện ngộ độc sau khi ăn uống thực phẩm nghi có độc tố, cần nhanh chóng đưa người bị ngộ độc đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, xử trí kịp thời”- TS Mai Văn Mười khuyến cáo.