Vụ ngộ độc Thallium ở Đại học Thanh Hoa (kỳ 1)

Từ xa xưa, vào thời các triều đại Hy Lạp, độc dược đã trở thành vũ khí giết người vì có thể khiến nạn nhân tử vong mà không để lại dấu vết. Nguyên nhân dẫn đến các vụ đầu độc có nhiều, trong đó theo các chuyên gia về tội phạm học, không loại trừ sự ghen ghét, đố kỵ khi đã phát triển thành oán giận sẽ trở thành con rối cho cảm xúc của bản thân, có thể gây hại cho chính mình và người khác...

Gần 30 năm sau khi bị ngộ độc kim loại nặng chưa rõ nguyên nhân giữa lúc hung thủ vẫn mịt mờ, ngày 22/12/2023 Chu Lệnh - cựu sinh viên Đại học (ĐH) Thanh Hoa (Trung Quốc) - đã không qua khỏi ở tuổi 50. Cái chết của cô tiếp tục gợi lại những hoài nghi, tranh cãi từng bắt đầu khi nữ sinh viên (SV) năm thứ 2 xinh đẹp, xuất sắc của khoa Hóa trường ĐH nổi tiếng nhất nhì Trung Quốc bị hạ độc một cách bí ẩn vào năm 1994.

Sinh viên ưu tú thành "trẻ bại liệt"

Sinh năm 1973 trong 1 gia đình trí thức kiểu mẫu ở Bắc Kinh, Trung Quốc, gồm 2 chị em gái, từ nhỏ Chu Lệnh đã thể hiện rõ tài năng, không chỉ học giỏi, cô còn biết chơi dương cầm và các nhạc cụ dân gian. Thi đỗ vào khoa Hóa của ĐH Thanh Hoa năm 1992, lọt top SV ưu tú của khóa thi năm đó, Chu Lệnh tiếp tục tạo ấn tượng với vẻ ngoài xinh đẹp, hoạt bát, tham gia nhiều hoạt động nghệ thuật đồng thời cũng là vận động viên bơi lội từng đoạt nhiều giải thưởng tại các hội thi thể thao SV...

Hai năm đầu yên ả trôi qua, bất ngờ tháng 10/1994 đôi mắt của Chu Lệnh bắt đầu mờ dần và không nhìn thấy mọi vật xung quanh. Các bác sĩ (BS) của ĐH Thanh Hoa kiểm tra nhưng không tìm ra nguyên nhân, đến khi Chu Lệnh bắt đầu xuất hiện những triệu chứng kỳ lạ: thường xuyên đau bụng, không thể ăn uống bình thường, tóc rụng dần rồi trọc hoàn toàn. Quá sốt ruột, cha mẹ Chu Lệnh đã đưa con vào 1 bệnh viện (BV) ở Bắc Kinh để kiểm tra, nhưng vẫn không phát hiện dấu hiệu bất thường nào. Vài ngày sau, nhờ được điều trị tích cực, Chu Lệnh đã xuất viện.

Sau kỳ nghỉ đông, tháng 02/1995 khi quay lại trường, Chu Lệnh tiếp tục đau dữ dội ở chân và thường xuyên chóng mặt. Lần này, Giáo sư (GS) Trần Chấn Dương của 1 BV ở phía Bắc cho biết triệu chứng của cô rất giống bị nhiễm độc Thallium nghiêm trọng và cơn đau cứ thế kéo dài đến thắt lưng. Hai tuần sau, GS Lý Thuấn Vỹ của BV Hiệp Hòa cũng đồng quan điểm, trường hợp này rất giống vụ nhiễm độc Thallium ở ĐH Thanh Hoa 60 năm trước.

Chu Lệnh trước và sau khi bị đầu độc

Chu Lệnh trước và sau khi bị đầu độc

Về phần mình, Chu Lệnh một mực khẳng định chưa bao giờ tiếp xúc với Thallium. Lúc này, tình trạng của cô ngày càng diễn biến xấu, bắt đầu co rút cơ mặt, cơ mắt, mất tự chủ về hô hấp. Cuối tháng 3/1995, Chu Lệnh rơi vào trạng thái hôn mê sâu, mãi đến 5 tháng sau mới tỉnh lại.

Xót bạn, các SV cùng khóa đã gửi email cầu cứu thông qua trang Usenet - một hệ thống thông tin toàn cầu dưới dạng diễn đàn thảo luận và nhận được hàng ngàn ý kiến phản hồi của các BS từ khắp nơi trên thế giới với hơn 1/3 khẳng định Chu Lệnh bị nhiễm độc Thallium - kim loại mềm hòa tan trong nước, không mùi - vị, đây là loại hóa chất cực độc cùng nhóm với Cyanide, được sử dụng trong thuốc diệt chuột, nhưng do có khả năng gây ung thư nên sau này đã bị cấm hoặc hạn chế sản xuất. Cuối cùng, Chu Lệnh mất khả năng sinh hoạt và phải có người hỗ trợ.

Vì các BS đã chẩn đoán chính xác căn bệnh bí ẩn, Chu Lệnh nhanh chóng được tiến hành giải độc, nhưng do thời gian phát hiện bệnh quá trễ nên tình trạng sức khỏe khó thể cứu vãn. Chất độc Thallium sau một thời gian ngấm vào người đã khiến Chu Lệnh liệt 2 chân, gần như mù, phải duy trì sự sống nhờ vào máy trợ thở. Do chất độc ảnh hưởng đến chức năng não khiến Chu Lệnh từ 1 SV ưu tú bỗng trở thành trẻ bại liệt suốt gần 30 năm, cho đến khi từ giã cõi đời.

Bi kịch của sự ganh tị?

Sau khi cha mẹ Chu Lệnh báo án, tháng 5/1995 Cục Cảnh sát Bắc Kinh tiến hành điều tra, phát hiện nghi phạm là Tôn Duy - bạn cùng phòng ký túc xá với họ Chu, trong khi Tôn Duy là SV duy nhất được nhà trường cấp quyền sử dụng hóa chất trong phòng thí nghiệm để phục vụ nghiên cứu. Họ Tôn khi ấy đã được mời về hợp tác điều tra nhưng sau đó được thả ra do không đủ bằng chứng buộc tội. Dư luận cho rằng gia thế của Tôn Duy khá khủng: ông nội của cô là quan chức cấp cao, trong khi 1 người họ hàng khác là cựu lãnh đạo ở địa phương nên đã can thiệp và giúp cô thoát tội. Sau này, Tôn Duy đã sang Mỹ sinh sống và đổi tên thành Tôn Dịch Nhan.

Sau năm 1998, vụ việc dần trôi vào quên lãng.

Câu chuyện thương tâm của Chu Lệnh đã thu hút sự chú ý của dư luận Trung Quốc trong 3 thập kỷ qua, đồng thời làm dấy lên sự phẫn nộ và những lời kêu gọi công lý và trách nhiệm giải trình. 6 năm sau, nhiều người quyết định lập quỹ quyên góp trợ giúp cô về chi phí điều trị.

Gia đình Chu Lệnh và những người ủng hộ cho rằng động cơ gây án có thể là do Tôn Duy ganh tị với vẻ đẹp cũng như thành tích học tập, tinh thần thể thao và âm nhạc của nạn nhân. Theo một số sinh viên ĐH Thanh Hoa thời điểm đó, Tôn Duy là người có nhiều cơ hội để đầu độc họ Chu. Các báo cáo khẳng định họ Tôn đã tiếp cận được hợp chất độc hại trên nhưng nữ SV này vẫn kêu oan rằng: "Thực tế chất lỏng thallium tôi từng sử dụng được người khác chuẩn bị và đôi khi phòng thí nghiệm cũng không khóa cửa".

Chu Lệnh đã rời khỏi thế giới này, vụ "ngộ độc Thallium" cũng khép lại trong mơ hồ, thế nhưng hình ảnh nữ SV tài năng vẫn còn mãi dưới mái trường danh tiếng của Trung Quốc - ĐH Thanh Hoa!

(Còn tiếp...)

NGUYỄN XUÂN (theo Southern Metropolis Daily, SCMP)

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/quoc-te/vu-ngo-doc-thallium-o-dai-hoc-thanh-hoa_164739.html