Vụ Nguyễn Thị Thanh Nhàn AIC hối lộ ở Bắc Ninh: Vì sao một số lãnh đạo tỉnh không bị xử lý hình sự?

Ngoài đề nghị xử lý hình sự đối với ông Nguyễn Nhân Chiến, cựu bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh; Nguyễn Tử Quỳnh, cựu chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, cùng 11 bị can khác, Cơ quan điều tra còn kiến nghị xử lý nhiều cán bộ khác của tỉnh này về Đảng, chính quyền

Như Báo Người Lao Động đã thông tin, Cơ quan điều tra Bộ Công an vừa ra kết luận vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", "Đưa - Nhận hối lộ", "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Sở Y tế Bắc Ninh, Công ty AIC.

Bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn và hai cựu bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến cùng Nguyễn Tử Quỳnh. Ảnh: Bộ Công an

Bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn và hai cựu bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến cùng Nguyễn Tử Quỳnh. Ảnh: Bộ Công an

Ngoài việc Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã đề nghị truy tố đối với các bị can trong vụ án, như: Nguyễn Nhân Chiến, cựu bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh; Nguyễn Tử Quỳnh, cựu chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, cùng 11 bị can khác. Cơ quan điều tra Bộ Công an còn đề nghị xử lý về mặt chính quyền đối với nhiều cán bộ khác liên quan đến vụ án.

Trong đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an còn thu thập tài liệu, ghi lời khai của ông Nguyễn Quốc Chung (cựu giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư, sau là Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Ninh). Ông này khai 6 gói thầu mua sắm thiết bị y tế tại các bệnh viện huyện do Ban Quản lý làm chủ đầu tư, với vai trò Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, ông Chung phụ trách đơn vị được giao tổng hợp phương án phân bổ vốn ngân sách, vốn cho các dự án theo nhu cầu của các sở, ngành để báo cáo UBND tỉnh.

Trên cơ sở đề nghị của Sở Y tế về việc xin cấp vốn để thực hiện đầu tư các dự án, trong đó có 6 dự án đầu tư xây dựng bệnh viện huyện trong vụ án, ông Chung tổng hợp ý kiến, tham mưu cho UBND tỉnh ký các văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đề nghị cấp, phân bổ vốn.

Trong quá trình thẩm định, bị can Trần Văn Tuynh, cựu giám đốc Ban Quản lý dự án công trình xây dựng y tế tỉnh Bắc Ninh, từng gặp ông Chung và trao đổi rằng đã báo cáo và được các ông Nguyễn Nhân Chiến và Nguyễn Tử Quỳnh đồng ý "tạo điều kiện" cho nhóm Công ty Sông Hồng của Đặng Tiên Phong, Lã Tuấn Hưng, tham gia đấu thầu và trúng các gói thầu cung cấp Thiết bị y tế cho các bệnh viện tuyến huyện. Ngoài ra, Bị can Tuynh cũng nói "thủ tục hồ sơ cần được phê duyệt sớm để trình UBND tỉnh duyệt chi nguồn vốn triển khai thực hiện".

Bị can Trần Văn Tuynh (dưới cùng, bên phải) và một số bị can trong vụ án. Ảnh: Bộ Công an

Bị can Trần Văn Tuynh (dưới cùng, bên phải) và một số bị can trong vụ án. Ảnh: Bộ Công an

Trong quá trình thực hiện thẩm định điều chỉnh, bổ sung dự án, kế hoạch đấu thầu ông Chung giao lại cho ông Trần Đăng Truyền và ông Nguyễn Quang Thành (khi đó đều là Phó giám đốc Sở) thực hiện theo thẩm quyền. Việc tổ chức đấu thầu do Ban quản lý là chủ đầu tư thực hiện theo quy định.

Bên điều tra cũng xác định cũng như ông Chung, các cá nhân khác tại Sở Kế hoạch Đầu tư không được ai chỉ đạo, không tiếp xúc, làm việc với ai trong nhóm Công ty Sông Hồng và Công ty AIC. Do các những người này cũng không thông đồng hoặc hưởng lợi bất chính nên chưa đủ căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự nhưng cần đề nghị xử lý về Đảng và hành chính.

Tại Sở Tài chính Bắc Ninh, ông Nguyễn Văn Hải (cựu giám đốc Sở) và bà Nguyễn Thị Huệ (cựu Trưởng phòng Quản lý giá), từng tham gia phê duyệt quyết định các gói thầu mua sắm thiết bị y tế tại 6 bệnh viện huyện, song họ không hưởng lợi, không bàn bạc, không biết có thông đồng nên không bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, bà Huệ và ông Hải lại liên đới trong vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản của Nhà nước gây thất thoát, lãng phí", xảy ra tại phường Đồng Nguyên, TP Từ Sơn.

Cơ quan điều tra xác định ông Nguyễn Lương Thành (Phó Chủ tịch UBND tỉnh) ký quyết định phân bổ vốn đầu tư xây dựng cơ bản kế hoạch giai đoạn 2014 - 2016. Do chưa xác định ông Thành can thiệp, tác động xin vốn Chính phủ và chỉ đạo phân vốn cho 6 dự án Bệnh viện đa khoa nên cơ quan điều tra không xử lý trách nhiệm hình sự mà kiến nghị xử lý về Đảng, chính quyền.

Trước đó, hồi tháng 6-2024, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký các quyết định của Thủ tướng Chính phủ thi hành kỷ luật đối với 4 nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh: Nguyễn Tiến Nhường, Nguyễn Văn Phong, Nguyễn Hữu Thành và ông Nguyễn Lương Thành. Tại quyết định số 513, Thủ tướng Chính phủ quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Nguyễn Lương Thành do đã có những vi phạm, khuyết điểm trong công tác và Ban Bí thư đã thi hành kỷ luật về Đảng.

Theo Kết luận của Cơ quan điều tra Bộ Công an, năm 2014, tỉnh Bắc Ninh thực hiện 6 gói thầu cung cấp trang thiết bị cho các bệnh viện các huyện Yên Phong, Tiên Du, Quế Võ, Thuận Thành, Gia Bình và Lương Tài. Trong quá trình thực hiện, nhóm Công ty AIC do bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn (hiện vẫn bỏ trốn) làm Chủ tịch và nhóm Công ty Sông Hồng do Lã Tuấn Hưng (Phó Tổng giám đốc) "cầm trịch" đã được "chia chác", mỗi bên 3 gói thầu.

Khi đấu thầu, các bị can đã có hành vi thông đồng, thỏa thuận, bố trí công ty "quân xanh" dự thầu để tạo điều kiện cho các công ty mục tiêu trúng các gói thầu, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước hơn 48 tỉ đồng. Sau khi được tạm ứng, thanh quyết toán, các doanh nghiệp này đã đưa hối lộ cho cựu bí thư tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến nhận hối lộ 14,1 tỉ đồng; cựu chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Tử Quỳnh đã nhận tổng cộng số tiền 10,1 tỉ đồng.

Nguyễn Hưởng

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/vu-nguyen-thi-thanh-nhan-aic-hoi-lo-o-bac-ninh-vi-sao-mot-so-lanh-dao-tinh-khong-bi-xu-ly-hinh-su-196240819111237481.htm