Vụ nhiều gói thầu ở Quảng Bình phạm luật: Các ban quản lí dự án nói gì?
Liên quan đến 'Nhiều gói thầu ở Quảng Bình phạm luật', lãnh đạo của các ban quản lí dự án, các phòng ban thẩm định, tham mưu liên quan đều khẳng định, báo Tiền Phong viết đúng và đang xin ý kiến cấp trên về xử lí hậu quả. Tuy nhiên đại diện thị xã Ba Đồn khẳng định họ đã áp dụng đúng luật.
Áp lực giải ngân vốn đầu tư công?
Trao đổi với PV Tiền Phong sau bài báo “Nhiều gói thầu ở Quảng Bình phạm luật”, hầu hết lãnh đạo các chủ đầu tư, ban quản lí dự án và các phòng ban tham mưu liên quan giãi bày rằng, do Luật Đấu thầu năm 2023 có hiệu lực từ 1/1/2024, nhưng lại chưa có các văn bản hướng dẫn luật đi kèm, trong khi các dự án lại rất cấp thiết đối với địa phương, đặc biệt là áp lực giải ngân vốn đầu tư công, nên các chủ đầu tư “mạnh dạn” áp dụng luật cũ, mà cụ thể là phương thức lựa chọn nhà thầu “1 giai đoạn 2 túi hồ sơ” để kịp tiến độ.
Ông Ngô Văn Ninh, Giám đốc Ban quản lí dự án Đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất (BQLDA ĐTXD và PTQĐ) huyện Lệ Thủy, cho biết, công trình xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu phức hợp đô thị mới phía Đông Bắc đường BOT tránh lũ có chủ trương đầu tư từ lâu, các thủ tục cơ bản hoàn thành để đưa ra đấu thầu thì Luật Đấu thầu năm 2023 có hiệu lực. Nếu làm lại thủ tục theo quy định của luật mới thì rất mất thời gian, nên đã áp dụng luật cũ để đấu thầu. “Sau khi báo Tiền Phong phản ánh thì Ban đã làm báo cáo xin ý kiến xử lí từ chủ đầu tư và các sở ngành của tỉnh, hiện đang chờ phản hồi”, ông Ninh nói.
Khoản 1, Điều 31, Thông tư 01/2024/TT-BKHĐT ngày 15/2/2024 quy định điều khoản chuyển tiếp: Đối với gói thầu đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu (đã đăng tải hoặc chưa đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia) nhưng đến ngày 1/1/2024 chưa phát hành hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu và kế hoạch lựa chọn nhà thầu có nội dung không phù hợp với quy định của Luật Đấu thầu thì phải phê duyệt điều chỉnh kế hoạch lựa chọn nhà thầu để phù hợp với quy định của luật này.
Huyện Quảng Ninh có 1 gói thầu hạ tầng kỹ thuật tuyến đường D2 đô thị Dinh Mười, vốn đầu tư 35 tỷ đồng cũng áp dụng sai luật. Ông Phùng Trung Kiên, Giám đốc BQLDA ĐTXD và PTQĐ huyện Quảng Ninh, khẳng định, báo Tiền Phong phản ánh đúng. Tuy nhiên, trong giai đoạn chuyển giao, chuyển tiếp của luật, nếu làm lại thì mất thời gian nên đã áp dụng luật cũ để kịp tiến độ của dự án. “Bản chất là luật cũ 2 túi hồ sơ, luật mới 1 túi hồ sơ. Đối chiếu với luật thì có sai, nhưng do sợ các dự án bị chậm nên đành áp dụng luật cũ”, ông Kiên nói.
Là cơ quan thẩm định, tham mưu các dự án do huyện Quảng Ninh làm chủ đầu tư, ông Lê Văn Khởi, Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch, cho rằng, từ luật cũ 2 túi hồ sơ, chuyển sang luật mới 1 túi hồ sơ thì về bản chất cũng không nặng nề lắm. Việc triển khai gói thầu tuyến đường D2 nằm trong lộ trình phát triển đô thị Dinh Mười. Khi triển khai thì trúng vào dịp Tết, nhiều việc, Luật Đấu thầu 2023 mới có hiệu lực, chưa có văn bản hướng dẫn, nên áp dụng luật cũ cho chắc.
Điều bất thường
Tại thị xã Ba Đồn thực hiện 2 gói thầu gồm: xây dựng Quảng trường biển thị xã Ba Đồn và xây dựng hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 1 khu dân cư phía Bắc tuyến tỉnh lộ 559B, xã Quảng Sơn, với tổng vốn của 2 gói thầu này hơn 83 tỷ đồng. Cả 2 gói thầu này đều tổ chức đấu thầu sau khi Luật Đấu thầu năm 2023 có hiệu lực, tuy nhiên, Giám đốc BQLDA ĐTXD và PTQĐ thị xã Ba Đồn Trần Thanh Cương cho rằng, mình làm đúng luật.
Theo ông Cương, dù Luật Đấu thầu năm 2023 có hiệu lực từ ngày 1/1/2024 nhưng không có các văn bản hướng dẫn, trong lúc đó, các công trình dự án hàng chục tỷ đồng không thể ngồi đợi hướng dẫn luật nên áp dụng luật cũ “1 giai đoạn 2 túi hồ sơ” cũng không có gì sai.
Một chuyên gia về đấu thầu cho rằng, về nguyên tắc khi luật mới ban hành có hiệu lực thì luật cũ đương nhiên hết hiệu lực. Luật Đấu thầu năm 2023 có nhiều điểm mới nhằm giảm thiểu việc thông thầu để có một môi trường cạnh tranh lành mạnh trong đấu thầu. Việc không cho phép “1 giai đoạn 2 túi hồ sơ” đối với những gói thầu xây lắp thông thường là một bước tiến nhằm hạn chế tiêu cực trong đấu thầu. Tuy nhiên, một số chủ đầu tư tại Quảng Bình vẫn áp dụng luật cũ để tổ chức đấu thầu khi luật mới đã có hiệu lực là việc làm cố tình, không loại trừ có tiêu cực trong đó. Trong số gói thầu nói trên, có những gói chỉ giảm vài triệu đồng nhưng vẫn trúng thầu là điều bất thường.
Như Tiền Phong đã thông tin, từ đầu năm 2024 đến nay, nhiều gói thầu có vốn đầu tư công tại Quảng Bình đều phạm luật. Lí do, Luật Đấu thầu năm 2023 có hiệu lực từ ngày 1/1/2024 quy định, phương thức lựa chọn nhà thầu “1 giai đoạn 1 túi hồ sơ”, tuy nhiên, các chủ đầu tư tại Quảng Bình lại áp dụng luật cũ “1 giai đoạn 2 túi hồ sơ” để đấu thầu nhiều gói thầu sau khi Luật Đấu thầu năm 2023 đã có hiệu lực.