Vũ 'nhôm' đã dùng thủ đoạn như thế nào để 'ăn đất vàng' tại TP Đà Nẵng?
Lợi dụng sự thân quen với lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng, từ năm 2006-2014, Vũ 'nhôm' đã thu lợi bất chính từ việc mua 'đất vàng' với giá 'bèo'.
Sáng nay (2/1/2020), TAND TP Hà Nội sẽ đưa Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”) cùng 2 cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng ra xét xử về các tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”.
Cáo trạng của VKSND tối cao ban hành đã thể hiện rõ những hành vi, thủ đoạn "ăn đất vàng", "ăn đất công" của bị cáo Phan Văn Anh Vũ.
Cụ thể, theo cáo trạng, tại 6/7 dự án bất động sản, bị can Phan Văn Anh Vũ đã lợi dụng mối quan hệ thân quen với lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng và các Sở, ngành liên quan đến lĩnh vực quản lý Nhà nước về đất đai (giai đoạn 2006-2014) nắm bắt được thông tin quy hoạch về các Dự án đất của UBND TP Đà Nẵng, đặc biệt tại các vị trí ven biển.
Sau đó, Vũ được Trần Văn Minh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng (giai đoạn 2006-2011), Văn Hữu Chiến, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng (giai đoạn 2006-2011) chỉ đạo các bị can là cán bộ cấp dưới tham mưu, đề xuất, thực hiện các hành vi trái pháp luật trong việc hoàn thiện các thủ tục pháp lý, nhanh chóng hoàn thành hồ sơ để giúp Phan Văn Anh Vũ được nhận quyền sử dụng đất các dự án này không qua đấu giá quyền sử dụng đất, áp đơn giá giao quyền sử dụng đất không sát với giá thị trường tại thời điểm đó.
Không những vậy, dưới sự chỉ đạo của ông Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến, các cán bộ cấp dưới còn tham mưu, đề xuất cho phép giảm 10% tiền sử dụng đất chuyển mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất kinh doanh sang đất ở trái với quy định pháp luật.
Hành vi nêu trên của các bị can Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến, Phan Văn Anh Vũ và các đồng phạm đã gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền hơn 19.625 tỷ đồng.
Còn với 15/22 nhà, đất công sản tại TP Đà Nẵng, Phan Văn Anh Vũ và các Công ty do Vũ đứng ra thành lập, góp vốn và điều hành, không phải là đối tượng được mua nhà công sản theo Nghị định số 61/CP ngày 05/7/1994 của Chính phủ, nhưng bị can Phan Văn Anh Vũ đã bàn bạc, thỏa thuận với Giám đốc một số Công ty (là các đơn vị thuộc diện đối tượng được mua chỉ định nhà đất theo quy định) để đứng tên xin mua nhà công sản, xin giảm hệ số sinh lợi.
Sau đó, các bị can này đã có văn bản đề nghị UBND TP Đà Nẵng thay đổi tên người nhận quyền sử dụng đất đối với cơ sở nhà, đất được mua sang cho bị can Phan Văn Anh Vũ hoặc Công ty, người thân của Phan Văn Anh Vũ với lý do các đơn vị, cá nhân này là người nộp tiền mua nhà và sau đó ăn chia lợi ích với nhau.
Các bị can Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến đã đồng ý về chủ trương và chỉ đạo các cấp dưới, sau đó những người này đã có hành vi giúp sức tích cực trong tham mưu, đề xuất, thực hiện các chủ trương, chỉ đạo trái pháp luật của các bị can Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến.
Hành vi của các bị can nêu trên đã cùng nhau cố ý thực hiện việc mua, bán nhà, đất công sản trái pháp luật, đã làm trái các quy định của Nhà nước, gây thiệt hại cho ngân sách tổng số tiền hơn 2.422 tỷ đồng.
Những dự án bất động sản mà hai cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng "tiếp tay" cho Vũ "nhôm” khiến Nhà nước thiệt hại lớn gồm có: Dự án 29 ha thuộc Dự án Khu đô thị mới Quốc tế Đa Phước, phường Tam Thuận, quận Thanh Khê và phường Thanh Bình, quận Hải Châu, Tp. Đà Nẵng khiến Nhà nước thiệt hại hơn 11.200 tỷ đồng.
Khu đất ký hiệu A2, A4, A6, A8 thuộc Khu phức hợp đô thị, thương mại và dịch vụ cao tầng tại phường Nại Hiên Đông và phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, Tp. Đà Nẵng (Dự án Habour Ville) (diện tích: 170.213 m2) khiến Nhà nước thiệt hại hơn 2.800 tỷ đồng.
Dự án Khu du lịch biển Non Nước, tại phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, TPĐà Nẵng (diện tích: 3,77 ha ) khiến Nhà nước thiệt hại ngân sách hơn 1.300 tỷ đồng.
Dự án Khu nhà ở Phú Gia Compound, số 126 Ông Ích Khiêm, phường Tam Thuận, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng (diện tích: 20.093 m2) khiến Nhà nước thiệt hại ngân sách hơn 760 tỷ đồng.