Vũ 'nhôm' dùng 2 tên giả để làm ăn

Dưới vỏ bọc là tình báo bí mật, Vũ 'nhôm' cùng các bị cáo đã lập ra công ty bình phong để thực hiện các hành vi trái luật.

Ngày 10-6, TAND Cấp cao tại Hà Nội mở lại phiên xử phúc thẩm Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”, cựu thượng tá Tổng cục V, Bộ Công an) cùng hai cựu thứ trưởng Bộ Công an trong vụ án liên quan đến việc thâu tóm nhiều nhà, đất công sản.

Vũ “nhôm” bị cáo buộc tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Hai cựu thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Thành và Trần Việt Tân cùng bị xét xử về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Tuyển dụng làm tình báo bí mật

Hai bị cáo Phan Hữu Tuấn (cựu phó tổng cục trưởng Tổng cục V, Bộ Công an) và Nguyễn Hữu Bách (cựu cán bộ Tổng cục V) bị xét xử về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Tại tòa, bị cáo Tuấn khai năm 2009, Vũ được tuyển dụng làm tình báo viên, theo hình thức tình báo mật, hoạt động đơn tuyến. Về việc giao nhiệm vụ và quản lý Vũ, cựu tổng cục trưởng khai rằng ông và bị cáo Bách cùng chịu trách nhiệm nghiên cứu, tuyển chọn.

Nhưng lời khai của ông Tuấn mâu thuẫn với bị cáo Bách khi Bách cho rằng chỉ một mình ông Tuấn quản lý Vũ “nhôm”. Ông Bách khẳng định mục đích tuyển dụng Vũ nhằm phát triển hoạt động công ty bình phong lớn mạnh, phục vụ công tác nghiệp vụ, ngoài ra không còn nhiệm vụ nào khác.

Đáng chú ý, khi chủ tọa phiên tòa chất vấn ông Tuấn liên quan đến việc tham gia góp vốn vào hai công ty bình phong không, bị cáo này cho biết có góp vào Bắc Nam 79 và Nova 79 lần lượt là 20% và 5% vốn. Trả lời câu hỏi văn bản nào quy định đang là sĩ quan Công an nhân dân (CAND) lại được góp vốn, quản lý doanh nghiệp, ông Tuấn cho hay lĩnh vực hoạt động tình báo rất phong phú, đa dạng…

Chủ tọa cho rằng mọi hoạt động tình báo đều phải chấp hành quy định pháp luật, không thể “trèo lên pháp luật”, lấy hai chữ đặc thù ra được. Luật Doanh nghiệp không cho cá nhân là sĩ quan CAND được tham gia thành lập, quản lý doanh nghiệp.

Bị cáo Phan Văn Anh Vũ tại tòa. Ảnh: TUYẾN PHAN

Bị cáo Phan Văn Anh Vũ tại tòa. Ảnh: TUYẾN PHAN

Bị cáo Tuấn cũng khai trước khi đề nghị mua, chuyển nhượng các dự án nhà, đất, Vũ có đề xuất với Tuấn nhưng vì không có thẩm quyền nên Tuấn tiếp tục báo cáo lên cấp trên. Khi mua bán xong, Vũ có báo cáo nhưng đều thực hiện bằng miệng, không có văn bản. Về các văn bản giới thiệu Vũ tới các cơ quan, đơn vị, ông Tuấn nói tất cả đều giới thiệu đây là công ty bình phong, nhằm phục vụ cho hoạt động tổ chức ngành, không hề có văn bản nào để phục vụ cho cá nhân Vũ hoặc để Vũ phát triển kinh tế.

Ông Tuấn thừa nhận việc Vũ tự mình viết văn bản đề nghị Tổng cục Tình báo kiến nghị Bộ Công an giới thiệu để được chuyển nhượng các dự án nhà, đất rồi sau đó chuyển cho chính mình là có dấu hiệu lợi dụng danh nghĩa ngành công an. Nếu không có các văn bản của Bộ Công an, Vũ không thể mua được các dự án nhà, đất cho cá nhân mình.

Vũ “nhôm” nhận sai

Liên tiếp hầu tòa ở cả hai miền Bắc, Nam, Vũ “nhôm” không có dấu hiệu mệt mỏi mà vẫn tỏ ra rất bình tĩnh. Vũ cũng là người duy nhất trong các bị cáo xuất trình thêm chứng cứ mới tại phiên phúc thẩm lần này. Đứng trước bục, Vũ khai báo rành mạch, khẳng định những lời khai trước đây của mình hoàn toàn khách quan.

Bị cáo Vũ khai sau khi được tuyển dụng vào chức danh tình báo viên, ngoài tên thật còn có hai tên khác là Lê Văn Sáu và Trần Đại Vũ. Thời điểm đó, bị cáo Tuấn là người trực tiếp quản lý Vũ, cũng là người duy nhất giao nhiệm vụ cho Vũ.

Chủ tọa đặt lại câu hỏi về việc là sĩ quan CAND nhưng cả Vũ và Tuấn lại tham gia góp vốn vào các doanh nghiệp bình phong, Vũ thừa nhận điều này là sai so với Luật Doanh nghiệp. Bị cáo đề nghị được giải thích về cái sai này nhưng bị HĐXX bác bỏ vì đang trong phần xét hỏi.

Chủ tọa tiếp tục đặt vấn đề Vũ có ba tên gọi khác nhau nhưng đều là một người. Thế nhưng trong quá trình vận hành doanh nghiệp, Vũ từng tự ký văn bản chuyển nhượng cổ phần của mình cho Lê Văn Sáu, sau đó Sáu lại chuyển nhượng ngược lại cho Vũ. Việc Vũ tự chuyển nhượng cho chính mình như vậy có đúng quy định không. Trả lời HĐXX, Vũ thừa nhận việc này là sai.

Hôm nay, tòa tiếp tục làm việc.

Ai trực tiếp quản lý Vũ “nhôm”?

Tại tòa, bị cáo Bách thừa nhận tham gia soạn thảo một số văn bản liên quan để hai công ty Bắc Nam 79 và Nova 79 được mua, chuyển nhượng sáu tài sản nhà, đất: Dự án Công viên An Đồn cũ, khu đất ngoài biển resort, trụ sở Tư pháp 16 Bạch Đằng, 15 Thi Sách, số 8 Nguyễn Trung Trực, 129 Pasteur. Riêng dự án ở 319 Lê Duẩn, ông không tham gia. Ông Bách khẳng định việc soạn thảo là theo chỉ đạo trực tiếp của bị cáo Tuấn. Ông Bách không được giao nhiệm vụ quản lý Vũ. Các văn bản sau khi soạn thảo xong không được Vũ báo cáo đã sử dụng thế nào.

Bị cáo Tuấn thừa nhận lời khai của Bách về việc soạn thảo các văn bản là đúng. Tuy nhiên, hai bị cáo này lại có sự mâu thuẫn trong việc ai là người quản lý, giao việc cho Vũ.

TUYẾN PHAN

Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/vu-nhom-dung-2-ten-gia-de-lam-an-839222.html