Vũ Như Thành: 'Cầu thủ giải học sinh Hà Nội có tố chất chơi cho đội tuyển'
'Tôi thấy lạ là tại sao một giải đấu lớn, có chất lượng như thế này mà lại chưa cầu thủ nào tiến lên chơi chuyên nghiệp', cựu tuyển thủ quốc gia vô địch AFF Cup 2008 Vũ Như Thành chia sẻ khi tới sân Tây Hồ theo dõi vòng bảng Giải bóng đá học sinh THPT Hà Nội - Báo ANTĐ lần thứ XIX-2019 Cúp Number 1 Active.
Ở lượt trận chiều 9-10, sân Tây Hồ xuất hiện một nhân vật đặc biệt, đó là cựu tuyển thủ quốc gia Vũ Như Thành - người thành lập Trung tâm bóng đá cộng đồng Star Football, mục đích tạo sân chơi bóng đá cho các bạn trẻ, qua đó tìm kiếm tài năng cho bóng đá Việt Nam.
Như Thành cho biết anh đến sân theo lời mời của đội bóng trường THPT Lomonoxop (vô địch mùa 2012), một phần cũng vì tò mò về giải đấu được đánh giá lớn nhất toàn quốc dành cho lứa học sinh THPT.
"Ấn tượng đầu tiên là sự chuyên nghiệp trong công tác tổ chức, từ những điều rất nhỏ như kiểm soát an ninh, bố trí sân thi đấu, biển hiệu... và không khí sôi động từ các khán đài", cựu tuyển thủ quốc gia chia sẻ cảm giác lần đầu dự khán giải.
Đề cập tới chuyên môn, Như Thành cho biết anh thật sự ấn tượng khi theo dõi buổi tập của đội bóng trường THPT Lomonoxop và nay được quan sát các lượt trận vòng bảng.
"Các cầu thủ thể hiện khả năng chơi bóng rất tốt, nhiều người có tố chất, có khả năng chơi chuyên nghiệp. Tôi cũng thấy lạ là tại sao một giải đấu lớn, có chất lượng như thế này mà lại chưa cầu thủ nào tiến lên chơi chuyên nghiệp", nhà vô địch AFF Cup 2008 nói.
Theo cựu tuyển thủ hiện là HLV Trung tâm Star Football này, mỗi mùa, giải đón sự xuất hiện của trên dưới 1.000 cầu thủ. Nếu tính từ mùa đầu tiên đến nay, 19 mùa giải cho thấy số lượng cầu thủ là rất lớn. Họ đều là những cầu thủ ưu tú nhất của các trường trên địa bàn Hà Nội, vì vậy, chất lượng chuyên môn cao.
"Như năm nay giải có 103 trường, hơn 1.600 cầu thủ thì tôi nghĩ chuyện một vài tuyển thủ xuất thân từ giải đấu là điều rất bình thường", HLV Vũ Như Thành nhận xét.
Cũng theo cựu tuyển thủ này, các quốc gia có nền bóng đá phát triển như Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc... đều có những cầu thủ xuất thân là học sinh đang theo học THPT. Trong khi đó ở Việt Nam, cách làm chủ yếu lựa chọn cầu thủ lứa U11, U13 sau đó đưa vào các lò đào tạo trẻ kiểu "nuôi gà nòi", còn đối tượng trung học đã là quá tuổi.
"Có lẽ cũng vì thế mà các nhà tuyển trạch bỏ qua giải bóng đá THPT Hà Nội mà theo tôi là nguồn cung cấp cầu thủ rất tiềm năng này", HLV Như Thành bày tỏ, đồng thời đánh giá việc Báo An ninh Thủ đô duy trì được giải bóng đá truyền thống như thế này là điều rất tốt, không chỉ bổ ích cho các em học sinh mà còn góp phần phát triển bóng đá học đường - nơi được xem như nền tảng để phát triển bóng đá chuyên nghiệp.