Vụ nổ Beirut và cuộc khủng hoảng Liban
Vào cuối ngày 10/8, kết thúc cuộc họp được mô tả là căng thẳng, mệt mỏi và u ám, Chính phủ Liban của Thủ tướng Hassan Diab đã tuyên bố từ chức tập thể, sau vụ nổ làm rung chuyển thủ đô Beirut khiến ít nhất 160 người thiệt mạng và trên 5.000 người khác bị thương, vào ngày 4/8.
Hành động đó được đánh giá là cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất tại đất nước này trong lịch sử hiện đại. Trong bài phát biểu trên truyền hình tối 10/8, Thủ tướng Diab chính thức tuyên bố về việc từ chức của Chính phủ do ông đứng đầu.
Theo ông Diab, vụ nổ ở cảng Beirut tàn phá thủ đô và gây phẫn nộ dư luận là kết quả của nạn tham nhũng tràn lan. Ông lên tiếng ủng hộ lời kêu gọi của người dân Liban phải để những người chịu trách nhiệm về "tội ác này" bị đưa ra xét xử.
Tổng thống Liban Michel Aoun đã chấp thuận việc từ chức của Chính phủ do ông Diab đứng đầu, tuy nhiên vẫn yêu cầu họ tạm thời đảm nhiệm công việc cho đến khi nội các mới được thành lập.
Nội các của ông Diab chỉ mới được thành lập hồi tháng 1/2020 với sự hậu thuẫn của phong trào Hồi giáo Hezbollah. Đối với nhiều người dân Liban, trước khi xảy ra vụ nổ kinh hoàng hôm 4/8 thì nhiều người vẫn coi đây là một chính phủ yếu kém đã đẩy nền kinh tế đất nước đến bờ vực sụp đổ, trong khi nạn tham nhũng hoành hành cướp đoạt tài sản quốc gia.
Vụ nổ thảm họa xảy ra vào đêm 4/8 tại một nhà kho chứa 2.750 tấn Ammonium nitrate ở cảng Beirut, được cho là trên một con tàu cũ “bị bỏ quên” kể từ năm 2013. Đây cũng là vụ nổ lớn nhất trong lịch sử thế giới từ loại hóa chất này. Ước tính ban đầu, ngoài số người thương vong thì nó cũng thiêu ra tro khoảng 3 tỷ USD.
Kết quả điều tra sơ bộ cho thấy tình trạng lơ là quản lý và vận hành kho chứa vật liệu có nguy cơ cháy nổ cao ở cảng Beirut diễn ra trong nhiều năm. Vụ nổ đã tàn phá cảng Beirut và một nửa thành phố, làm dấy lên làn sóng phẫn nộ trong người dân biến thành những cuộc biểu tình, dữ dội cùng đó là bạo động, tấn công cả cơ quan của Chính phủ lẫn Quốc hội.Trước khi tuyên bố từ chức tập thể, trước đó, ngày 8/8, Thủ tướng Diab đã đề xuất tổ chức bầu cử Quốc hội sớm với mục đích xoa dịu căng thẳng đang leo thang. Tuy nhiên, điều đó đã trở nên vô nghĩa trước sự tức giận của dân chúng.
Tới nay, người ta vẫn tiếp tục tìm kiếm nguyên nhân kho chứa hóa chất phát nổ. Theo Thiếu tướng Abbas Ibrahim - lãnh đạo cơ quan tình báo Liban - vụ nổ là do các vật liệu trữ trong nhà kho bằng một cách nào đó đã tự phát nổ. Tuy nhiên, dân chúng đã không chấp nhận mà vẫn cho rằng nó thuộc về sự quản lý yếu kém của chính quyền.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kêu gọi Liban tiến hành một cuộc điều tra đầy đủ và minh bạch về vụ nổ. Còn vào tối 9/8, 1 ngày trước khi toàn bộ Nội các từ chức, trong một phát biểu ngắn trên truyền hình, bà Manal Abdel Samad, Bộ trưởng Bộ Truyền thông Liban đã thừa nhận sự tắc trách của Chính phủ trong việc thực hiện các cải cách, cũng như ngăn chặn thảm kịch xảy ra tại cảng Beirut.
Theo giới quan sát quốc tế, trước việc từ chức tập thể của Nội các, các cuộc biểu tình ở Liban có thể sẽ dịu xuống. Nhưng dư âm của vụ nổ khủng khiếp ngày 4/8 sẽ tiếp tục đẩy đất nước Liban lún sâu vào khủng hoảng, mà rất có thể điều đó sẽ còn kéo dài.
Ammonium nitrate nguy hiểm ra sao?
Chất Ammonium nitrate gây ra vụ nổ lớn ở một kho cảng tại thủ đô Beirut là một chất kết tinh, không mùi, thường được sử dụng để làm phân bón. Khi kết hợp với các loại dầu nhiên liệu, ammonium nitrate tạo ra một hỗn hợp chất nổ mạnh thường được sử dụng trong ngành công nghiệp xây dựng. Theo Jimmie Oxley- Giáo sư giảng dạy Hóa học tại Đại học Rhode Island thì dưới các điều kiện lưu trữ trong kho thông thường, môi trường xung quanh kho chứa không có nhiệt độ rất cao thì ammonium nitrate không thể phát nổ. “Khi xem đoạn video về vụ nổ ở Beirut, người ta thấy ngoài khói đen bốc lên còn có khói đỏ. Đó chính là một phản ứng hóa học không hoàn chỉnh. Tôi cho rằng đã có một vụ nổ nhỏ kích lên phản ứng cháy nổ của ammonium nitrate, cho dù vụ nổ nhỏ đó là tai nạn hay có mục đích nào”- GS Oxley đưa ra nhận xét.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/vu-no-beirut-va-cuoc-khung-hoang-liban-504051.html