Vụ nổ ở Ba Lan có khiến các nước NATO kích hoạt Điều 5 trong Hiến chương?
Tổng thống Mỹ Joe Biden và các lãnh đạo nhóm G7 đã tiến hành họp khẩn bên lề hội nghị G20 tại Bali (Indonesia) về vụ nổ tại biên giới Ukraine và Ba Lan. Nhà Trắng cho biết cuộc họp được Tổng thống Biden triệu tập.
Thông tin về vụ nổ ở trong lãnh thổ Ba Lan, một nước NATO, khiến 2 người thiệt mạng đã gây quan ngại cho các nhà lãnh đạo tham gia cuộc họp. Những báo cáo ban đầu cho biết vụ nổ do tên lửa gây ra và các dấu hiệu cho thấy tên lửa này do Nga sản xuất.
Trả lời phỏng vấn sau đó, tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố sẽ hỗ trợ Ba Lan điều tra vụ việc.
Tổng thống Mỹ JOE BIDEN: “Chúng tôi đã đồng ý hỗ trợ cuộc điều tra của Ba Lan về vụ nổ ở vùng nông thôn Ba Lan gần biên giới Ukraine. Và tôi sẽ đảm bảo rằng chúng ta tìm ra chính xác chuyện gì đã xảy ra."
Ông Biden cho rằng, dựa trên các thông tin sơ bộ, tên lửa gây ra vụ nổ ở Ba Lan khó có khả năng phóng từ trong lãnh thổ Nga.
Vụ nổ xảy ra vào ngày 15/11 tại làng Przewodow ở miền đông Ba Lan, giáp với Ukraine. Vụ nổ xảy ra cùng ngày Nga giáng đợt tấn công tên lửa dữ dội trên khắp lãnh thổ Ukraine.
Theo Điều 5 Hiến chương NATO, cuộc tấn công vào một thành viên là cuộc tấn công vào toàn liên minh. Tuy nhiên theo một số nhà quan sát, vụ bắn tên lửa vào Ba Lan ngày hôm qua không thể kích hoạt Điều 5.
Ông MAX BERGMANN, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế: “Tôi không nghĩ điều này sẽ kích hoạt Điều 5 và NATO sẽ nhất trí đồng ý tiến hành một cuộc tấn công chống lại Nga. Tôi không nghĩ điều đó sẽ xảy ra. Tôi nghĩ rằng điều này sẽ dẫn đến sự hỗ trợ nhiều hơn cho Ukraine và tăng cường sẵn sàng cung cấp cho Ukraine một số loại vũ khí nhất định và tăng cường hỗ trợ hơn nữa cho Ukraine trong cuộc xung đột này.”
Cho tới nay, sự nhất trí phổ biến trong NATO là nếu Nga leo thang căng thẳng, liên minh này sẽ tăng cường cung cấp vũ khí cho Ukraine và thay vì can dự trực tiếp vào cuộc xung đột, NATO sẽ hành động để ngăn cản những hành vi bất cẩn khiến tình hình xấu đi.