Vụ 'nộp đủ tiền mới được cấp cứu': Cần điều tra việc từ chối cứu người trong tình trạng nguy hiểm tính mạng
Về vụ bị tố yêu cầu nộp đủ 2 triệu đồng mới cấp cứu cho cháu bé bị tai nạn giao thông, chuyên gia pháp lý cho rằng, cần trích xuất dữ liệu từ camera giám sát tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định để xác minh. Nếu có căn cứ cho thấy bệnh viện từ chối hoặc trì hoãn cấp cứu vì chưa nộp đủ viện phí, cần khởi tố vụ án để điều tra làm rõ theo quy định pháp luật.
Như tin đã đưa, chiều 4/5, mạng xã hội lan truyền đoạn clip ghi lại hình ảnh được cho là tại thời điểm bệnh viện trì hoãn cấp cứu cháu bé bị tai nạn giao thông vì chưa đóng tạm ứng viện phí, khiến dư luận bức xúc, nghi ngờ về trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp của y bác sĩ tại cơ sở công lập.

Ảnh cắt từ video clip do người dân ghi lại.
Liên quan đến sự việc nêu trên, trao đổi với Tiền Phong Tiến sĩ Luật sư Ngô Ngọc Diễm phân tích, trước tiên, cần nhấn mạnh rằng theo khoản 1 Điều 6 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 (sửa đổi 2023), "Người bệnh cấp cứu được khám bệnh, chữa bệnh ngay mà không phải trả trước chi phí". Quy định này là nguyên tắc bắt buộc trong toàn bộ hệ thống y tế công và tư. Do đó, mọi hành vi chậm trễ trong tiếp nhận hoặc xử trí cấp cứu do lý do tài chính đều vi phạm pháp luật, kể cả khi bệnh nhân không có giấy tờ tùy thân.
Tiếp theo, theo khoản 1 Điều 29 Luật Trẻ em năm 2016, trẻ em có quyền được bảo vệ tính mạng, chăm sóc sức khỏe và được ưu tiên trong các tình huống nguy cấp. Trong trường hợp cháu M.T.A., yếu tố tuổi đời non trẻ và tình trạng chấn thương nghiêm trọng càng đòi hỏi phải áp dụng cơ chế bảo vệ khẩn cấp, không được trì hoãn.
Quan trọng hơn, nếu xác minh có việc từ chối hoặc trì hoãn cấp cứu dẫn đến tình trạng nguy hiểm đến sức khỏe hoặc đe dọa tính mạng của bệnh nhân, hành vi này có thể cấu thành tội "Không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng" theo Điều 132 Bộ luật Hình sự 2015. Điều này đặc biệt nghiêm trọng nếu người phạm tội là người có nghĩa vụ phải cứu giúp – trong trường hợp này là cán bộ y tế.
Tiến sĩ Ngô Ngọc Diễm đề xuất xác minh khách quan, toàn diện vụ việc thông qua việc trích xuất dữ liệu từ camera bệnh viện, đối chiếu với hồ sơ bệnh án, thời điểm chỉ định xét nghiệm, thời gian có mặt của bệnh nhân, và lời khai của nhân chứng; Làm rõ có hay không việc trì hoãn cấp cứu do yêu cầu tạm ứng viện phí, và thời gian xử lý cấp cứu có phù hợp với tính chất khẩn cấp của bệnh nhân hay không.
Nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, cần khởi tố vụ án để điều tra theo quy định tại Điều 132 BLHS 2015, làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể liên quan. Đồng thời, phải xem xét xử lý kỷ luật hành chính hoặc hình sự đối với các cán bộ có hành vi vi phạm quy trình tiếp nhận cấp cứu, Tiến sĩ Ngô Ngọc Diễm nói.
Như Tiền Phong đã đưa tin, theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Nam Định, vào lúc 16h03 ngày 3/5/2025, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định tiếp nhận bệnh nhi M.T.A. (4 tuổi) sau một vụ tai nạn giao thông xảy ra tại xóm 7, xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản. Cháu bé được hai người không phải thân nhân đưa vào viện trong tình trạng tỉnh táo, quấy khóc, có vết sây sát vùng hạ vị và khuỷu tay phải. Sau đó, cháu được chuyển đến các phòng cấp cứu chuyên khoa và chẩn đoán ban đầu cho thấy có chấn thương ngực và bụng kín. Bệnh viện đã chỉ định các xét nghiệm cận lâm sàng như CT-Scanner, X-quang, siêu âm và xét nghiệm máu. Kết quả xác định cháu bị đa chấn thương và được cấp cứu, hồi sức, truyền dịch, giảm đau.
Đến 17h45 cùng ngày, cháu được chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương, nơi cháu được mổ cấp cứu ngay trong đêm vì tổn thương thận và rách cơ hoành, hiện đang trong tình trạng nguy kịch.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định có văn bản khẳng định, nhân viên y tế không đưa ra phát ngôn về việc "nộp đủ tiền mới được cấp cứu". Tuy nhiên, trong quá trình trao đổi thủ tục hành chính, có thể đã xảy ra hiểu lầm khiến người đưa cháu bé hiểu sai sự việc và quay video đăng tải lên mạng xã hội.