Vụ nữ tài xế xe Mercedes gây tai nạn tại cầu Hòa Mục: Giày cao gót không phải thủ phạm
Vụ tai nạn nghiêm trọng do nữ tài xế Vũ Thị Hồng Thái điều khiển xe ô tô Mercedes gây ra tại cầu Hòa Mục sáng 20/11 một lần nữa khiến dư luận chú ý tới ảnh hưởng của việc đi giày cao gót khi lái xe. Liên quan đến vấn đề này, Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với giảng viên Nghiêm Xuân Đỉnh-Trung tâm Đào tạo lái xe LOD.
Theo ông, “giày cao gót" có phải là tác nhân chính khiến một số nữ tài xế gây tai nạn thời gian qua?
- Theo tôi, giầy cao gót không hề ảnh hưởng đến việc nhầm chân ga và chân phanh. Chuyển chân ga sang chân phanh là kỹ năng quan trọng nhất mà tôi thường xuyên luyện tập cho học viên, đặc biệt là học viên nữ. Việc nhầm chân ga và chân phanh hoàn toàn là do chủ quan chứ không thể đổi tại đôi giầy được.
Cũng cần phải công bằng với nữ giới, vì trên thực tế, đa số vụ tai nạn do đạp nhầm chân ga, người lái xe là nam giới. Nhiều chị mà tôi biết lái xe rất tốt, quan trọng nhất vẫn là kỹ năng và sự tập trung khi ra đường.
Vậy, việc đi giày quá cao liệu có ảnh hưởng đến thao tác lái xe không, thưa ông?
- Nếu đi giày quá cao sẽ làm tăng khoảng cách từ gót chân đến sàn xe. Khi lái xe lâu (chủ yếu sử dụng chân ga), chân sẽ phải chúi nhiều, có thể gây mỏi bàn chân. Điều này ảnh hưởng ít nhiều đến việc xoay và ngửa cổ chân để thực hiện chuyển sang chân phanh, vì thông thường chân ga trên ô tô được thiết kế thấp hơn chân phanh. Do đó, các nữ tài xế vẫn nên hạn chế sử dụng giầy cao trên 6cm hoặc gót quá nhọn khi lái xe.
Ông có lời khuyên gì cho các nữ tài xế khi điều khiển ô tô?
- Đôi giày cao gót được rất nhiều phụ nữ ưa chuộng, sử dụng hàng ngày. Tuy nhiên, các chị em có thể dự phòng một đôi giày đế bệt trong xe để thay ra khi mỏi chân hoặc đi trên đường đông đúc cho chủ động thao tác điều khiển chân ga hơn. Đặc biệt, trong quá trình lái xe phải giữ cho mình một tư thế và tinh thần thoải mái nhất, đồng thời luôn tập trung quan sát để tránh bị động với những tình huống bất ngờ.
Xin cảm ơn ông!