Vụ nước sạch Sông Đà chứa styren: 'Dân đầy đủ cơ sở để khởi kiện'
Các luật sư cho biết, hợp đồng giữa người dân với công ty cung cấp nước luôn quy định là nước sạch, nước đảm bảo chất lượng của Bộ Y tế nhưng với kết quả công bố vừa rồi thì lại là nước nhiễm bẩn, gây hại đến sức khỏe của con người. Vì vậy, người dân hoàn toàn có cơ sở để khởi kiện, có thể xem xét khởi tố vụ án.
Theo thông tin từ UBND TP Hà Nội, việc nước sạch từ Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) bị nhiễm bẩn đã được công ty này biết rõ từ ngày 8/10, nhưng nhà máy nước vẫn xử lý và cung cấp nước cho người dân tại nhiều khu vực ở Hà Nội sử dụng.
Kết quả mẫu xét nghiệm đều cho thấy, trong nước có hàm lượng styren thuộc nhóm các chỉ tiêu giám sát mức độ C, cao hơn giới hạn cho phép từ 1,3 đến 3,65 lần, chỉ tiêu mùi vị là không đạt...
Trong sự việc này, thiệt hại của vụ việc chưa thể thống kê bởi nó ảnh hưởng đến sức khỏe của hàng vạn con người. Hiện người dân không có nước để sinh hoạt, ăn uống và nỗi lo lắng, bất an đang bao trùm.
Luật sư Trần Viết Hưng - Trưởng Văn phòng luật sư Công lý (đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết, hợp đồng giữa người dân với công ty cung cấp nước luôn quy định là nước sạch, nước đảm bảo chất lượng của Bộ Y tế nhưng với kết quả công bố vừa rồi thì lại là nước nhiễm bẩn, gây hại đến sức khỏe của con người. Vì vậy, người dân hoàn toàn có cơ sở để khởi kiện, có thể xem xét khởi tố vụ án.
"Như vậy là đã đủ cơ sở để người dân kiện, bởi vì Viwasupco đã không thực hiện đúng theo hợp đồng. Căn cứ vào Luật Bảo vệ người tiêu dùng, Luật Dân sự là người dân có quyền khởi kiện căn cứ theo quy định của hợp đồng, căn cứ trên kết quả công bố kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về nguồn nước sạch không đảm bảo và vượt ngưỡng styren cho phép...", luật sư Trần Viết Hưng phân tích.
Dù vậy, theo luật sư Trần Viết Hưng, điều đáng suy nghĩ ở đây là thiệt hại ngoài hợp đồng, đó là những tổn hại lâu dài về sức khỏe của người dân, sự lo lắng, bất an... mà người dân đang phải gánh chịu.
"Thiệt hại do nguồn nước bẩn gây ra không thể đo đếm ngay tức khắc được, nó không giống như việc dòng sông bị ô nhiễm sẽ làm chết 5 hay 7 tấn cá, mà ở đây là sức khỏe của con người sẽ bị ảnh hưởng lâu dài. Vấn đề này, các cơ quan có thẩm quyền sẽ phải xác định, kết luận nguồn nước bẩn gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân ở mức độ nào?", luật sư Trần Viết Hưng nói thêm.
Ngoài ra, việc một số cán bộ của Viwasupco phát hiện ra nguồn nước nhiễm bẩn nguy hại việc này từ sáng 8/10, nhưng đã không có bất cứ báo cáo nào với các cơ quan chức năng của tỉnh Hòa Bình, cũng như thành phố Hà Nội, theo luật sư Trần Viết Hưng là Viwasupco đã mắc lỗi cố ý, có dấu hiệu của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 360 BLHS.
Hành vi xả thải ra môi trường mà chưa qua xử lý không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân mà còn vi phạm pháp luật. Tùy theo mức độ vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý về hình sự.
"Các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc quyết liệt để tìm ra nguyên nhân, xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan cung cấp nước chứ người dân thì "được vạ má đã sưng", luật sư Trần Viết Hưng nhấn mạnh.
Về vấn đề này, luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật BASICO, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho rằng, trước mắt chính quyền cần phải nhanh chóng lo cho dân, giúp đỡ dân có nguồn nước sạch đúng nghĩa để sinh hoạt chứ không thể cắt nước hay để người dân phải chạy vạy, đôn đáo đi xin nước, mua nước như hiện nay.
"Với việc Viwasupco có thông báo về việc tạm ngừng cung cấp nước để xúc xả tuyến ống truyền tải nước và dự kiến chưa xác định thời gian cấp nước trở lại, người dân sẽ không biết phải sống thế nào nếu thiếu nước. Tôi cho rằng, cùng với trách nhiệm của Viwasupco thì trước mắt chính quyền cần phải nhanh chóng lo cho dân, giúp đỡ dân có nguồn nước sạch tạm thời để sinh hoạt", luật sư Trương Thanh Đức nói.
Còn về trách nhiệm của Viwasupco, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng: "Công ty này đã rất vô trách nhiệm trước sức khỏe của người dân.
Trước những hậu quả mà Công ty này gây ra, người dân có quyền được khởi kiện, được yêu cầu bồi thường... Tuy nhiên, đáng buồn là xét về yếu tố sức khỏe, về tinh thần... thì không thể đong đếm được mức thiệt hại là bao nhiêu".