Vụ nước sông Đà nhiễm dầu thải: Luật sư 'mách nước' người dân khởi kiện
Theo luật sư, người dân có thể khởi kiện đơn vị cung cấp nước sinh hoạt ô nhiễm theo Luật Bảo vệ người tiêu dùng năm 2010.
Vụ nước nhiễm dầu thải làm đảo lộn cuộc sống của hàng trăm nghìn người dân Hà Nội diễn ra đã hơn một tuần, đến nay, những người dân sinh sống trong khu vực nước bị nhiễm vẫn chưa hết bàng hoàng bởi nước bị nhiễm Styren.
Ghi nhận của PV tại một số điểm dân cư phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, nước bắt đầu đã có trở lại. Tuy nhiên, áp suất nước chảy từ vòi ra còn khá yếu.
Mặc dù đại diện Công ty CP sông Đà khẳng định các bể chứa đã được thau rửa sạch sẽ từ đêm ngày 16/10, sau đó mới bắt đầu cấp nước lại cho người dân nhưng dù có nước, không ít người dân vẫn tỏ ra lo ngại chất lượng nước đã sạch hoàn toàn?
Bà Vũ Thị Kim Hồng (58 tuổi, ở phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) cho rằng: "Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư nước sạch sông Đà đã đặt lợi ích lên trên cả sức khỏe của chúng tôi. Nguời trẻ tuổi có thể không nói đến nhưng người già và trẻ nhỏ phải hứng chịu hậu quả từ nguồn nước ô nhiễm thì Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà sẽ chịu trách nhiệm ra sao?
Đến thời điểm này, anh Tốn vẫn không dám chắc 100% là có lọc sạch dầu thải hay không. Vậy có nghĩa công nghệ lọc nước sinh hoạt của Công ty sông Đà không đảm bảo. Từ trước tới nay, kể cả sau này, chúng tôi đang vô tình phải bỏ tiền ra mua nước sinh hoạt được lọc bằng công nghệ thiếu chuẩn? Đề nghị các cơ quan liên quan vào cuộc làm rõ về công nghệ lọc của Công ty sông Đà để chúng tôi yên tâm và biết rằng, chúng tôi đang sử dụng nước đủ đảm bảo, đủ tiêu chuẩn".
Ở góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng VPLS Kết nối (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, phía Công ty Viwasupco đã và đang cố gắng đưa mình vào thế "vô ý lọc nước không sạch". Rõ ràng đây là hành vi hủy hoại, làm ô nhiễm môi trường, gây thiệt hại rất lớn về kinh tế, sức khỏe rất nhiều người dân ở TP Hà Nội. Chắc chắn, hành vi đổ trộm chất thải là đủ căn cứ khởi tố hình sự đối với những cá nhân, tổ chức có liên quan vụ việc này.
Phía Viwasupco luôn đổ lỗi cho đơn vị khác đổ dầu thải vào đầu nguồn nước sông Đà là nguyên nhân chính dẫn đến vụ việc. Đây có thể coi là hành vi cố tình, bỏ mặc mọi hậu quả, thoái thác, đổ trách nhiệm cho người khác. Mà bản thân Viwasupco có khả năng ngăn chặn, dừng lại nhưng lại không lựa chọn mà lại tiếp tục bán nước không đảm bảo cho người dân.
Theo luật sư, đối với hành vi cố ý, bỏ mặc, bán nước "bẩn" không đảm bảo tiêu chuẩn đủ căn cứ khởi tố hình sự về tội "sản xuất, mua bán hàng giả" bởi nước cũng là loại hàng hóa, người bán không giao hàng đúng chất lượng, không đảm bảo các tiêu chuẩn cho phép thì vẫn đủ yếu tố cấu thành của tội này.
Ngoài ra những người quản lý, đứng đầu sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội thiếu trách nhiệm. Đầu tiên là UBND tỉnh Hòa Bình phải chịu trách nhiệm quản lý, kiểm soát đơn vị đổ trộm chất thải, thậm chí là khởi tố vụ án đổ dầu thải gây hủy hoại môi trường, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe hàng vạn người dân Thủ đô.
Thứ hai, liên quan đến sức khỏe, bệnh tật, thiệt hại về kinh tế của người dân từ nguồn nước ô nhiễm thì người dân khó có thể khởi kiện theo Luật dân sự, bởi rất khó để chứng minh thiệt hại.
Tuy nhiên, thông qua Bộ TN&MT, Sở TN&MT TP Hà Nội hoặc qua Cục Bảo vệ người tiêu dùng, Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam thì có thể tiến hành khởi kiện theo Luật Bảo vệ người tiêu dùng để yêu cầu Công ty CP đầu tư nước sạch sông Đà có trách nhiệm với từng gia đình, từng người dân.
Theo Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Khoản 1 Điều 4 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 quy định "Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của Nhà nước và toàn xã hội". Trên cơ sở đó, Luật này cũng quy định về chính sách của Nhà nước về bảo vệ người tiêu dùng: "Tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức, cá nhân chủ động tham gia vào việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng." (khoản 1 Điều 5). Theo đó, tổ chức xã hội thành lập theo quy định của pháp luật và hoạt động theo điều lệ được tham gia hoạt động bảo vệ người tiêu dùng.
Căn cứ Điều 28, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010, các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ người tiêu dùng thực hiện những nhiệm vụ sau: Hướng dẫn, giúp đỡ, tư vấn người tiêu dùng khi có yêu cầu; Đại diện người tiêu dùng khởi kiện hoặc tự mình khởi kiện vì lợi ích công cộng; Cung cấp cho cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thông tin về hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ…
Điều 28 Nghị định số 99/2011/NĐ-CP ngày 27 tháng 10 năm 2011 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định các nhiệm vụ Nhà nước giao cho tổ chức xã hội thực hiện: Tổ chức xã hội đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Điều 27 Nghị định này được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao thực hiện một trong những nhiệm vụ sau: Tuyên truyền, hướng dẫn, đào tạo, tư vấn và thực hiện các nghiên cứu, khảo sát thực tế, tập hợp ý kiến, phản ánh nhu cầu của người tiêu dùng.