Vụ ông Đỗ Văn Hùng bị oan: VKSND tỉnh Đắk Nông là cơ quan giải quyết bồi thường

Trong trường hợp không xác định được cơ quan nào giải quyết bồi thường thì Sở Tư pháp sẽ xác định giúp và chuyển hồ sơ tới cơ quan giải quyết.

Ông Đỗ Văn Hùng (60 tuổi, ngụ TP.HCM) vừa được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Nông đình chỉ điều tra bị can do hành vi không cấu thành tội phạm. Ông Hùng đã ủy quyền cho luật sư để thực hiện các thủ tục yêu cầu bồi thường và phục hồi danh dự cho mình.

Ngồi tù oan 4 năm rưỡi

Với tình tiết của vụ việc, ông Hùng được Nhà nước bồi thường liên quan đến hoạt động tố tụng hình sự. Theo quy định hiện hành, ông Hùng sẽ được bồi thường thiệt hại về vật chất, tổn thất về tinh thần và phục hồi danh dự.

 Ông Đỗ Văn Hùng trước khi bị khởi tố là giám đốc một doanh nghiệp, sau khi vướng lao lý giờ đây về phải đi làm bảo vệ. Ảnh: ND

Ông Đỗ Văn Hùng trước khi bị khởi tố là giám đốc một doanh nghiệp, sau khi vướng lao lý giờ đây về phải đi làm bảo vệ. Ảnh: ND

Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009 quy định: Cơ quan có trách nhiệm bồi thường là cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật gây ra thiệt hại.

Sau đó, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 đã có sự thay đổi, chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường không phải là cơ quan quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại mà là Nhà nước (khoản 1 Điều 7).

Tuy nhiên, Nhà nước là một hệ thống lớn với nhiều yếu tố nên Nhà nước không trực tiếp giải quyết bồi thường cho ông Hùng mà sẽ có cơ quan đại diện Nhà nước giải quyết bồi thường cho ông Hùng.

Về lý thuyết, ai gây thiệt hại cho ông Hùng đều xứng đáng chịu trách nhiệm bồi thường, nhất là thực hiện việc xin lỗi và cải chính công khai cho ông.

Diễn biến quá trình tố tụng của vụ án này cho thấy: Công an tỉnh Đắk Nông khởi tố ông Hùng ngày 13-5-2014 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (được nhắc lại trong Kết luận điều tra ngày 12-8-2014), VKSND tỉnh Đắk Nông có quyết định truy tố ông Hùng trong cáo trạng ngày 8-9-2014 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. TAND tỉnh Đắk Nông đã tuyên ông Hùng phạm tội lừa đảo trong Bản án ngày 29-9-2014.

Sau khi TAND Cấp cao tại TP.HCM hủy án sơ thẩm (lần 1) vào năm 2017 để điều tra lại, Công an tỉnh Đắk Nông tiếp tục đề nghị truy tố ông Hùng tội lừa đảo trong Kết luận điều tra ngày 15-6-2018; VKS tỉnh tiếp tục truy tố ông Hùng tội lừa đảo trong Cáo trạng ngày 23-7-2018.

Sau khi TAND tỉnh Đắk Nông tuyên ông Hùng không phạm tội lừa đảo và xác định cần giải quyết về danh dự cùng quyền lợi cho ông Hùng trong Bản án ngày 13-11-2018, VKSND tỉnh Đắk Nông có Kháng nghị ngày 27-11-2018 theo hướng ông Hùng có tội. TAND Cấp cao tại TP.HCM tiếp tục hủy án sơ thẩm (lần 2) để điều tra lại.

Quá trình điều tra lại, công an chưa đề nghị truy tố, VKS chưa ban hành cáo trạng. Đến năm 2024, Công an tỉnh Đắk Nông ra quyết định đình chỉ điều tra, xác định “hành vi của bị can không cấu thành tội phạm”.

VKS là cơ quan cuối cùng kết tội ông Hùng

Tất cả các cơ quan đã kết tội ông Hùng như nêu trên đều xứng đáng chịu trách nhiệm với ông Hùng, đặc biệt là trong việc xin lỗi và cải chính công khai. Tuy nhiên, Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước hiện nay theo hướng một cơ quan chịu trách nhiệm bồi thường, đặc biệt là tiến hành xin lỗi và cải chính công khai. Do đó, cần xác định cơ quan nào trong các cơ quan vừa nêu thực hiện việc giải quyết bồi thường cho ông Hùng

Trong tố tụng hình sự, có nhiều cơ quan liên quan đến việc kết tội oan. Trong chuỗi kết tội này, chúng ta theo nguyên lý cơ quan nào là cơ quan cuối cùng kết tội oan người bị thiệt hại sẽ là cơ quan giải quyết bồi thường cho người bị thiệt hại.

VKS là cơ quan cuối cùng vẫn tiếp tục kết tội ông Hùng cho đến khi ông Hùng được xác định là không phạm tội. Vì vậy, VKSND tỉnh Đắk Nông là cơ quan đại diện Nhà nước giải quyết việc bồi thường cho ông Hùng.

GS-TS ĐỖ VĂN ĐẠI

Theo Điều 35 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 thì VKS là cơ quan giải quyết bồi thường trong trường hợp tòa sơ thẩm trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhưng sau đó có quyết định xác định bị can bị oan (khoản 4). Do đó, có cơ sở để xác định VKSND tỉnh Đắk Nông là cơ quan phải giải quyết bồi thường oan.

Để hiểu rõ hơn về việc quy trách nhiệm giải quyết bồi thường cho VKS mà không phải là hai cơ quan tố tụng còn lại, chúng ta phân tích thêm như sau:

Cả ba cơ quan (Công an, VKS, Tòa án) đều đã xâm phạm tới ông Hùng nên cả ba đều phải chịu trách nhiệm, nhất là xin lỗi và cải chính cho ông Hùng. Tuy nhiên, do pháp luật theo hướng xác định một cơ quan tiến hành bồi thường cho ông Hùng nên chúng ta cần loại trừ hai trong ba cơ quan trên.

Ở đây, Công an và VKS đã ít nhất hai lần kết tội ông Hùng trong hai quá trình tố tụng, trong khi đó tòa chỉ kết tội ông Hùng lần thứ nhất (còn lần thứ hai tòa xác định ông Hùng không có tội) nên chúng ta loại trừ tòa; tập trung vào Công an và VKS.

Giữa Công an và VKS (đều kết tội ông Hùng hai lần), VKS là cơ quan có thể không chấp nhận việc kết tội từ phía Công an nhưng VKS đã không làm như vậy, mà vẫn tiếp tục kết tội ông Hùng.

Thực tế, VKS là cơ quan cuối cùng vẫn tiếp tục kết tội ông Hùng cho đến khi ông Hùng được xác định là không phạm tội. Vì vậy, VKSND tỉnh Đắk Nông đại diện Nhà nước tiến hành bồi thường cho ông Hùng trong bối cảnh nêu trên là phù hợp với quy định pháp luật và thuyết phục nhất.

Có thể nhờ Sở Tư pháp hỗ trợ

Trong trường hợp chưa xác định ngay được cơ quan giải quyết bồi thường thì ông Hùng có thể nộp hồ sơ đến Sở Tư pháp nơi ông cư trú. Trong thời hạn năm ngày làm việc, Sở Tư pháp có trách nhiệm xác định cơ quan giải quyết bồi thường, chuyển hồ sơ đến cơ quan đó và thông báo bằng văn bản cho người ông (khoản 4 Điều 41 Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2017).

Hoặc trong trường hợp ông Hùng có khó khăn trong việc thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường thì có quyền được cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước, cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại hướng dẫn thủ tục yêu cầu bồi thường (điểm đ khoản 1 Điều 13 Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2017).

Cụ thể hơn, theo khoản 2 Điều 7 Thông tư 09/2019 của Bộ Tư pháp thì UBND cấp tỉnh hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường nhà nước trong phạm vi địa phương mình; Sở Tư pháp giúp UBND cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ quy định tại khoản này.

ThS HỒ THỦY TIÊN, giảng viên Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM

HỮU ĐĂNG ghi

GS-TS ĐỖ VĂN ĐẠI, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM

Nguồn PLO: https://plo.vn/vu-ong-do-van-hung-bi-oan-vksnd-tinh-dak-nong-la-co-quan-giai-quyet-boi-thuong-post792189.html