Vụ phóng của Triều Tiên: Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản tổ chức họp ba bên
Vụ phóng được thực hiện vào thời điểm Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ và người đồng cấp Nhật Bản đang có mặt ở Seoul để tiến hành cuộc họp ba bên với Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia Hàn Quốc.
Ngày 19/10, lãnh đạo các cơ quan tình báo của Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản đã nhóm họp tại Seoul và thảo luận về vụ phóng vật thể bay mới nhất của Triều Tiên.
Trước đó cùng ngày, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết Triều Tiên đã phóng vật thể bay từ một địa điểm gần Sinpo, thuộc tỉnh Nam Hamgyong, ra vùng biển phía Đông của nước này.
Quân đội và giới chuyên gia Hàn Quốc cho rằng vật thể bay mà Bình Nhưỡng phóng đi có thể là tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM).
Hãng tin Yonhap dẫn một nguồn thạo tin cho biết tên lửa đạn đạo của Triều Tiên đã bay xa 430-450km và đạt độ cao nhất là 60km.
Vụ phóng được thực hiện vào thời điểm Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ Avril Haines và người đồng cấp Nhật Bản Hiroaki Takizawa đang có mặt ở Seoul để tiến hành cuộc họp ba bên với Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia Hàn Quốc Park Jie-won.
Theo Cơ quan Tình báo quốc gia Hàn Quốc, tại cuộc họp, lãnh đạo cơ quan tình báo của ba nước đã thảo luận các vấn đề cùng quan tâm, trong đó có tình hình an ninh xung quanh bán đảo Triều Tiên.
Các bên cũng chia sẻ thông tin về vụ phóng mới nhất của Triều Tiên và đánh giá tình hình. Lần gần nhất các lãnh đạo ngành tình báo của Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản nhóm họp là vào tháng Năm vừa qua tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản.
Cùng ngày 19/10, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc thông báo đặc phái viên Mỹ về vấn đề Triều Tiên Sung Kim sẽ đến Seoul vào cuối tuần này để thảo luận với đặc phái viên hạt nhân của Hàn Quốc Noh Kyu-duk về các biện pháp nối lại đối thoại với Bình Nhưỡng.
Theo một số nguồn tin, ông Sung Kim sẽ đến Seoul vào ngày 22/10 trong chuyến công du kéo dài 3 ngày.
Tại cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Choi Young-sam cho biết ông Sung Kim sẽ gặp ông Noh Kyu-duk vào ngày 23/10, trong đó hai bên dự kiến thảo luận các vấn đề còn tồn tại liên quan bán đảo Triều Tiên, bao gồm đề xuất của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in về việc tuyên bố kết thúc Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.
Ngoài ra, các cuộc thảo luận có thể sẽ liên quan đến vụ phóng mới nhất của Triều Tiên cũng như ảnh hưởng của động thái này đối với tình hình an ninh khu vực./.