Vụ phóng tên lửa 'khác thường' của Triều Tiên
CHDCND Triều Tiên ngày 5-6 đã phóng 8 tên lửa đạn đạo tầm ngắn về vùng biển ngoài khơi bờ biển phía Đông trong diễn biến được một số nhà phân tích đánh giá là chưa từng có tiền lệ.
Quân đội Hàn Quốc cho biết các tên lửa này được phóng trong khoảng thời gian từ 9 giờ 8 phút đến 9 giờ 43 phút (giờ địa phương), theo hãng tin Yonhap.
Phản ứng trước vụ phóng tên lửa, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã triệu tập cuộc họp của Hội đồng An ninh quốc gia (NSC), đồng thời ra lệnh tăng cường răn đe và phối hợp phòng thủ chung giữa Seoul và Washington.
Theo NSC, vụ việc là "phép thử và thách thức" đối với chính quyền của Tổng thống Yoon, người mới nhậm chức vào tháng rồi. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi gọi vụ phóng là "khác thường" và "không thể chấp nhận". Giới chức Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ cũng thảo luận về hành động mới nhất của Triều Tiên.
Ông Michael Duitsman, chuyên gia Trung tâm nghiên cứu không phổ biến hạt nhân James Martin (Mỹ), nhận định với Reuters rằng vụ phóng với số lượng tên lửa nhiều như thế cho thấy đây là một cuộc tập trận quân sự hoặc hành động phô trương sức mạnh, thay vì là động thái thử công nghệ mới.
Trong khi đó, theo chuyên gia Leif-Eric Easley của Trường ĐH Ewha (Hàn Quốc), diễn biến trên cho thấy Bình Nhưỡng tiếp tục "đa dạng hóa và mở rộng" kho vũ khí của mình.
Vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên diễn ra một ngày sau khi Mỹ và Hàn Quốc khép lại cuộc tập trận hải quân chung kéo dài 3 ngày.
Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên cuộc tập trận chung có sự tham gia của một tàu sân bay Mỹ kể từ năm 2017, được cho là nhằm gửi thông điệp đến Bình Nhưỡng sau một loạt vụ phóng thử tên lửa kể từ đầu năm đến giờ.
Ngoài ra, các quan chức Mỹ và Hàn Quốc gần đây còn cảnh báo Triều Tiên đang chuẩn bị thử hạt nhân. Nếu diễn ra, đây sẽ là vụ thử hạt nhân đầu tiên kể từ năm 2017.
Phát biểu trong chuyến thăm Seoul hôm 3-6, ông Sung Kim, đặc phái viên Mỹ về vấn đề Triều Tiên, khẳng định Washington sẵn sàng cùng các đồng minh Seoul và Tokyo đối phó với những tình huống bất ngờ trên bán đảo Triều Tiên.
Dù vậy, quan chức này cho hay Mỹ để ngỏ cánh cửa ngoại giao đối với Triều Tiên và ông sẵn sàng thảo luận về những vấn đề mà Bình Nhưỡng quan tâm, như nới lỏng trừng phạt.