Vụ 'phù phép' đất ở Ba Vì: Viện đề nghị y án, luật sư nói cần trả hồ sơ
Chiều 24-8, phiên xử phúc thẩm vụ 'phù phép' đất ở Ba Vì tiếp diễn với phần tranh luận và kéo dài tới 19h cùng ngày.
Không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo
Phát biểu quan điểm về vụ án, đại diện VKSND TP Hà Nội đề nghị HĐXX không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo, đồng thời giữ nguyên hình phạt mà cấp tòa sơ thẩm đã áp dụng. Lý do vì các bị cáo không đưa ra được tình tiết, chứng cứ gì mới làm căn cứ để được chấp nhận kháng cáo.
Trước đó, TAND huyện Ba Vì (Hà Nội) đã tuyên phạt Bùi Thúy Nga (SN 1956, cựu Phó Trưởng phòng Phòng Tài nguyên và Môi trường, kiêm Giám đốc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Ba Vì) 5 năm 6 tháng tù; Nguyễn Xuân Giúp (SN 1960, cựu Chủ tịch UBND xã Yên Bài, Ba Vì) 30 tháng tù và Nguyễn Bá Kiên (SN 1979, cựu cán bộ địa chính xã Vân Hòa, Ba Vì) 36 tháng tù cùng về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Sau phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Nga kháng cáo toàn bộ bản án vì cho rằng không phạm tội như Tòa án Ba Vì quy kết. Các đồng phạm của bị cáo này thì kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin được hưởng án treo.
Bào chữa cho bị cáo Nga, luật sư Nguyễn Huy Thiệp cho rằng căn cứ vào bản chất sự việc, các dấu hiệu pháp lý cho thấy chưa đủ căn cứ để quy buộc bị cáo Bùi Thúy Nga phạm tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Bởi theo luật sư, không đủ căn cứ để xác định bị cáo Nga là người chỉ đạo Phùng Văn Hải và Nguyễn Hữu Đạt (người liên quan) mua gom 15/25 thửa đất như bản án sơ thẩm nêu. “Cũng không đủ căn cứ chứng minh bị cáo Bùi Thúy Nga có hành vi làm trái công vụ”, luật sư Thiệp nói.
Theo phân tích của luật sư, quá trình giải quyết vụ án đã có sự “nhập nhèm” giữa đất mà bị cáo Nga mua để xây dựng dự án Trường Đại học Quốc tế và 15 thửa đất mà ông Hải, ông Đạt mua riêng cho mình. Các hộ dân có đất thì đều khẳng định chỉ giao dịch bán 15 thửa đất cho ông Hải, ông Huân mà không bán cho ai khác.
Bản án sơ thẩm đã căn cứ vào lời khai không nhất quán, thậm chí đầy mâu thuẫn của ông Hải, ông Đạt để quy buộc bị cáo Nga là người nhờ họ mua gom giúp 15 thửa đất, rồi kết tội bị cáo là không đủ cơ sở và không thuyết phục.
Cần hủy án trả hồ sơ và xét xử lại
Bào chữa cho cựu Phó Trưởng phòng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ba Vì, luật sư Nguyễn Huy Thiệp cũng cho rằng theo quy định pháp luật về quản lý đất đai tại thời điểm vụ án xảy ra thì UBND xã, thị trấn phải chịu trách nhiệm thẩm tra, xác nhận về nguồn gốc và thời điểm sử dụng đất, rồi công bố công khai các trường hợp đủ điều kiện hoặc không đủ điều kiện cấp “sổ đỏ”…
Còn Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất chỉ có trách nhiệm kiểm tra về bề mặt hồ sơ, thủ tục, giấy tờ; xác nhận vào đơn xin cấp Giấy CNQSD đất mà không có chức năng, nhiệm vụ thẩm định tính xác thực của các hồ sơ cấp “sổ đỏ”. Phòng Tài nguyên và Môi trường cũng không phải chịu trách nhiệm thẩm tra, xác nhận về nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất.
Từ đó, vị luật sư này cho rằng bị cáo Nga không có trách nhiệm thẩm định tính xác thực của 25 hồ sơ xin cấp “sổ đỏ” (trong vụ án) mà chỉ làm đầu mối thực hiện các thủ tục hành chính và kiểm tra hồ sơ, rồi trình UBND huyện quyết định cấp “sổ đỏ”. Vì thế việc bị cáo Nga căn cứ vào những tài liệu trong hồ để ký xác nhận và làm tờ trình đề nghị cấp “sổ đỏ” cho 25 trường hợp là không trái công vụ.
“Nếu căn cứ vào hệ thống chứng cứ hiện có để buộc tội bị cáo Nga thì tòa án cấp sơ thẩm đã bỏ qua, không áp dụng một trong những nguyên tắc cơ bản của Bộ Luật Tố tụng Hình sự năm 2015, đó là nguyên tắc suy đoán vô tội, có thể gây oan sai” – luật sư Thiệp nhìn nhận. Từ những phân tích, trích dẫn đưa ra, luật sư Thiệp đề nghị HĐXX phúc thẩm cần hủy bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại.
Cùng bào chữa cho Bùi Thúy Nga, luật sư Nguyễn Hải Nam và Trần Văn Bình cũng đề nghị HĐXX phúc thẩm hủy án, để điều tra, xét xử lại nhằm bảo đảm tính khách quan, toàn diện của vụ án. Hai luật sư này cho rằng bản án sơ thẩm của TAND huyện Ba Vì quy kết bị cáo Nga phạm tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” là không có cơ sở.
Cũng trong phần tranh luận, các luật sư cho rằng việc đại diện VKS không đối đáp, tranh luận lại với họ thì HĐXX cần áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội để đảm bảo sự công bằng, khách quan và lợi ích hợp pháp của bị cáo Bùi Thúy Nga.
Trước đó, một luật sư khác cũng đề cập đến vai trò của ông Bạch Công Tiến - Chủ tịch UBND huyện Ba Vì (thời điểm vụ án xảy ra). Theo vị luật sư này, vai trò của ông Tiến trong vụ án là rất quan trọng. Bởi nếu ông này không ký cấp “sổ đỏ” thì sẽ không có hậu quả. “Vậy nhưng cáo trạng, bản án sơ thẩm lại nói ông Tiến bận nhiều việc và không biết hồ sơ làm không đúng”, vị luật sư nêu vấn đề.
Được nói lời sau cùng, cựu Phó Trưởng phòng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ba Vì Bùi Thúy Nga cũng tự mình phân tích, lập luận và nêu ra nhiều căn cứ để cho rằng bản thân không phạm tội. Liên quan, hai bị cáo còn lại thì chỉ xin tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt và xin được cải tạo ở ngoài xã hội.
Theo bản án sơ thẩm, cuối năm 2007 đầu năm 2008, Bùi Thúy Nga nhờ một số cá nhân mua gom đất của các hộ dân tự khai hoang tại xã Yên Bài với mục đích đầu tư kinh doanh bất động sản. Sau khi mua được đất, bị cáo đã nhờ người đo vẽ trích lục các thửa đất và làm hồ sơ giả để xin cấp “sổ đỏ”.
Tổng cộng, UBND huyện Ba Vì đã cấp 25 “sổ đỏ” đối với số đất nông nghiệp khai hoang và đất nông trường nói trên. Cơ quan tố tụng xác định việc cấp “sổ đỏ” này là không đúng trình tự quy định, không đúng nguồn gốc, mục đích sử dụng đất, dẫn đến Nhà nước bị thiệt hại gần 640 triệu đồng.