Vụ 'quan xã' làm giả hồ sơ xin cấp sổ đỏ: Hai bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt
Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội vừa thụ lý hồ sơ vụ án làm giả hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) tại huyện Ba Vì (Hà Nội) để nghiên cứu, xem xét đưa ra xét xử phúc thẩm theo thẩm quyền.
Trước đó, trong các ngày từ 24/6/2019 đến 10/7/2019, Tòa án nhân dân huyện Ba Vì đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án này và tuyên phạt các bị cáo: Bùi Thúy Nga (sinh năm 1956, nguyên Phó phòng Tài nguyên và Môi trường, kiêm Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai huyện Ba Vì, Hà Nội) 5 năm 6 tháng tù; Nguyễn Bá Kiên (sinh năm 1979, cán bộ địa chính xã Vân Hòa, huyện Ba Vì) 36 tháng tù và Nguyễn Xuân Giúp (sinh năm 1960, nguyên Chủ tịch UBND xã Yên Bài, huyện Ba Vì) 30 tháng tù về cùng tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo quy định tại Điều 281, khoản 2, điểm b – Bộ luật Hình sự năm 1999.
Sau khi bản án sơ thẩm tuyên, hai bị cáo: Nguyễn Bá Kiên và Nguyễn Xuân Giúp đã làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo Bùi Thúy Nga làm đơn kháng cáo kêu oan, không thừa nhận hành vi phạm tội.
Theo bản án sơ thẩm, cuối năm 2007 đầu năm 2008, Bùi Thúy Nga nhờ ông Nguyễn Hữu Đạt (sinh năm 1962, ở thôn Việt Hòa, xã Vân Hòa, huyện Ba Vì) và Phùng Văn Hải (sinh năm 1964, ở Thanh Mỹ, Sơn Tây, Hà Nội) mua gom đất của các hộ dân tự khai hoang tại xã Yên Bài với mục đích đầu tư kinh doanh bất động sản. Sau khi mua được đất (là loại đất nông nghiệp khai hoang, đất nông trường), lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình, Bùi Thúy Nga đã nhờ đo vẽ trích lục các thửa đất rồi bảo Phùng Văn Hải làm hồ sơ giả để xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở. Bùi Thúy Nga đã làm nhiều tờ trình để Ủy ban nhân huyện Ba Vì cấp tổng số 25 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở (sổ đỏ) đối với số đất nông nghiệp khai hoang, đất nông trường nói trên. Trong đó, bị cáo Nga nhận 15 sổ đỏ, Hải nhận 5 sổ đỏ, Kiên nhận 5 sổ đỏ.
Cơ quan tố tụng xác định việc cấp sổ đỏ này là không đúng trình tự quy định, không đúng nguồn gốc, mục đích sử dụng đất (đất có nguồn gốc do Nông trường Việt Mông quản lý và đất công do Nhà nước quản lý mà các hộ dân tự khai hoang sử dụng canh tác nông lâm nghiệp, bị chuyển đổi trái phép thành đất ở, do tư nhân quản lý, mua bán, chuyển nhượng qua nhiều người). Hành vi này của Bùi Thúy Nga, Nguyễn Bá Kiên, Nguyễn Xuân Giúp đã gây thiệt hại cho Nhà nước gần 640 triệu đồng khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Tại vụ án này, Viện kiểm sát nhân dân huyện Ba Vì đã truy tố bị can Phùng Văn Hải về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Tuy nhiên, ngày 16/3/2019 Phùng Văn Hải chết, Tòa án nhân dân huyện Ba Vì đã ra quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can Phùng Văn Hải.
Trong hơn nửa tháng diễn ra phiên tòa, Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm đã tập trung xem xét nhiều nội dung liên quan, nhằm thu thập đầy đủ, toàn diện, khách quan các tài liệu, chứng cứ trong vụ án. Trong đó, Hội đồng xét xử đã triệu tập điều tra viên đến phiên tòa để thẩm vấn, làm rõ việc điều tra vụ án có khách quan không; dẫn giải người làm chứng đến phiên tòa; tạo điều kiện tối đa về thời gian tranh tụng cho các bên, nhằm làm sáng tỏ bản chất vụ án… Đặc biệt, quá trình diễn ra phiên tòa, Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm còn tiến hành xem xét tại chỗ đối với các thửa đất đã được cấp sổ đỏ trên, đồng thời yêu cầu những người liên quan, người làm chứng xác định đúng các thửa đất.
Cụ thể, tại phiên sơ thẩm, bị cáo Bùi Thúy Nga không thừa nhận hành vi phạm tội và cho rằng do bị cơ quan công an ép nên bị cáo khai nhận đã nhờ ông Trương Đức Tuyến (nguyên Tổ trưởng Tổ kỹ thuật thuộc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất tỉnh Hà Tây cũ) đo vẽ bản đồ cho ông Đạt và Hải. Tuy nhiên, bị cáo Nga không đưa ra được chứng cứ gì. Hội đồng xét xử đã triệu tập điều tra viên đến phiên tòa. Tại phiên tòa, điều tra viên đã khẳng định thực hiện theo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự. Do vậy, Tòa cấp sơ thẩm xác định việc Bùi Thúy Nga khai bị ép khai trong quá trình điều tra là không có căn cứ.
Liên quan đến nội dung này, ông Tuyến khẳng định việc đo bản đồ là do Nga đề nghị, khi đo vẽ Nga còn đến chỉ hiện trạng thửa đất. Khi Hội đồng xét xử tiến hành xem xét tại chỗ, ông Tuyến khẳng định Bùi Thúy Nga đã chỉ khu đất này. Ông Đạt khẳng định mua khu đất ở Yên Bài trước đây mua là đất khai hoang, đã thanh toán với Nga sau đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vì vậy, việc đo vẽ bản đồ là do bị cáo Nga yêu cầu, việc ai lấy bản đồ không xác định nhưng thể hiện việc Nga biết các thửa đất này và mua trước thời điểm cấp sổ đỏ.
Cũng qua xem xét tại chỗ, Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm xác định được 4 thửa đất trong số 25 thửa đất được cấp sổ đỏ đã chuyển sang tên cho Bùi Thúy Nga. Những thửa đất này lần đầu làm sổ đỏ đứng tên người thân của Nga, sau đó chuyển tên sang cho Nga.
Tại phiên tòa sơ thẩm, hai bị cáo Nguyễn Bá Kiên, Nguyễn Xuân Giúp đã thừa nhận hành vi phạm tội: Mặc dù UBND xã Yên Bài không ra quyết định thành lập hội đồng, không tổ chức họp hội đồng xét duyệt và công khai hồ sơ đăng ký đất đai theo quy định đối với 15 bộ hồ sơ mà Bùi Thúy Nga đưa, 5 hồ sơ Hải đưa, 3 hồ sơ Kiên làm và 2 hồ sơ của hai hộ dân đưa cho Kiên; biết rõ diện tích đất tại khu vực Chằm Ủm, Đồi Cờ thuộc thôn Quýt - xã Yên Bài là đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, không phải là đất thổ cư… nhưng Nguyễn Bá Kiên, Nguyễn Xuân Giúp đã ký vào hồ sơ xác nhận đủ điều kiện cấp sổ đỏ. Nguyễn Bá Kiên và Nguyễn Xuân Giúp ký vào các hồ sơ do nể nang Bùi Thúy Nga là lãnh đạo cấp trên, trực tiếp phụ trách công tác cấp sổ đỏ và muốn tạo mối quan hệ tốt giữa Bùi Thúy Nga với địa phương, để được tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình xin cấp sổ đỏ sau này.
Tòa cấp sơ thẩm kết luận, hành vi phạm tội của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã trực tiếp xâm phạm hoạt động quản lý của Nhà nước, gây mất lòng tin của nhân dân đối với Nhà nước. Vì vậy cần phải có hình phạt nghiêm, tương xứng với hành vi phạm tội mà các bị cáo đã gây ra nhằm cải tại, giáo dục các bị cáo trở thành công dân có ích cho xã hội và đấu tranh phòng ngừa chung.