Vụ rò rỉ tài liệu mật tiết lộ mức độ thâm nhập của tình báo Mỹ vào đồng minh

Các tài liệu mật của Lầu Năm Góc bị rò rì trong những tuần gần đây cho thấy cái nhìn hiếm hoi về cách Mỹ do thám không chỉ đối thủ mà cả các đồng minh. Giới chức Mỹ lo ngại điều này có thể gây nguy hiểm cho các nguồn tin nhạy cảm và làm tổn hại các mối quan hệ quan trọng.

Một số tài liệu bị rò rỉ mà giới chức Mỹ cho là xác thực đã tiết lộ mức độ do thám của Washington đối với các đồng minh chủ chốt bao gồm Hàn Quốc, Israel và Ukraine.

Một số tài liệu tiết lộ điểm yếu trong hệ thống vũ khí, lực lượng phòng không, quy mô tiểu đoàn và mức độ sẵn sàng của Ukraine trong thời điểm then chốt của cuộc xung đột với Nga, khi Kev chuẩn bị phản công và trong bối cảnh Mỹ và Ukraine đã bắt đầu phát triển mối quan hệ tin cậy lẫn nhau nhiều hơn trong việc chia sẻ thông tin tình báo.

Một nguồn tin thân cận với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, Kiev đã thay đổi một số kế hoạch quân sựvụ rò rỉ tài liệu mật của Mỹ.

Binh sỹ Ukraine khai hỏa lựu pháo về hướng Bakhmut ngày 3/4/2023. Ảnh: Getty

Binh sỹ Ukraine khai hỏa lựu pháo về hướng Bakhmut ngày 3/4/2023. Ảnh: Getty

Vụ rò rỉ khiến Ngũ Nhãn lo ngại

Khoảng hơn 100 trang tài liệu mật của Lầu Năm Góc bất ngờ bị rò rỉ trên các mạng xã hội vào tháng trước. Đây có thể coi là vụ rò rỉ tài liệu mật nghiêm trọng nhất kể từ vụ hơn 700.000 tài liệu, video và điện tín ngoại giao của Mỹ xuất hiện trên trang web WikiLeaks năm 2013.

Các bài đăng chia sẻ bức ảnh chụp lại các tài liệu có nhiều nếp gấp được đặt trên quyển tạp chí, xung quanh là một số đồ vật khác. Một nguồn tin thân cận với những loại tài liệu này nói rằng, chúng dường như được gấp lại một cách vội vàng và nhét vào túi trước khi được chuyển ra khỏi một địa điểm an toàn.

Mặc dù do thám là một phần không thể thiếu trong cách cộng đồng tình báo Mỹ thu thập thông tin trên toàn cầu, nhưng các nhà ngoại giao từ một số quốc gia được đề cập trong bản tài liệu tỏ ra giận dữ khi những thông tin đó bị rò rỉ.

Các đồng minh của Mỹ đang tiến hành đánh giá thiệt hại và xác định liệu có thông tin quan trọng nào của họ bị rò rỉ hay không.

“Chúng tôi hy vọng Mỹ sẽ chia sẻ đánh giá thiệt hại với chúng tôi trong những ngày tới, nhưng chúng tôi cũng không thể cứ ngồi chờ đợi đánh giá của họ. Chúng tôi đang làm việc của riêng mình”, quan chức một quốc gia nằm trong thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo Ngũ Nhãn (Five Eyes) với Mỹ cho biết. Nhóm Ngũ Nhãn bao gồm Mỹ, Australia, Canada, New Zealand và Vương quốc Anh.

Một quan chức khác của quốc gia thuộc Ngũ Nhãn bày tỏ lo ngại về thông tin xung đột Ukraine bị rò rỉ có thể gây bất lợi cho Kiev trên chiến trường. Quan chức cho rằng thật đáng báo động khi thấy một trong những tài liệu từ tháng 2 có tiêu đề “Nga-Ukraine: Trận chiến ở khu vực Donbas có khả năng dẫn đến bế tắc trong suốt năm 2023” bị rò rỉ.

“Ukraine sẽ khó giành được lợi thế, nhưng sẽ không ích gì nếu đánh giá của Mỹ về việc bế tắc có thể kéo dài một năm được tiết lộ công khai”, quan chức trên nhận định.

Mỹ do thám các đồng minh như thế nào?

53 tài liệu bị rò rỉ mà CNN đang xem xét đều được thực hiện từ giữa tháng 2 đến đầu tháng 3.

Một tài liệu tiết lộ rằng Mỹ đã theo dõi Tổng thống Zelensky. Nguồn tin thân cận với ông Zelensky cho biết điều này không có gì đáng ngạc nhiên, nhưng các quan chức Ukraine vô cùng thất vọng về vụ rò rỉ.

Báo cáo tình báo của Mỹ, dựa trên tình báo tín hiệu, nói rằng ông Zelensky vào cuối tháng 2 đã “đề xuất tấn công các địa điểm triển khai của Nga ở tỉnh Rostov của Nga” bằng máy bay không người lái (UAV), vì Ukraine không có vũ khí có khả năng vươn xa như vậy.

Tình báo tín hiệu bao gồm các thông tin liên lạc chặn được và được Cơ quan An ninh Quốc gia định nghĩa rộng rãi là “tình báo bắt nguồn từ các hệ thống và tín hiệu điện tử do bởi các mục tiêu nước ngoài sử dụng, chẳng hạn như hệ thống liên lạc, radar và hệ thống vũ khí”.

Thông tin này có thể giải thích cho những bình luận công khai của Mỹ về việc không muốn cung cấp cho Ukraine các hệ thống tên lửa tầm xa vì lo ngại Kiev sẽ sử dụng chúng để tấn công sâu bên trong nước Nga. Nhưng Ukraine đã cam kết không sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp để làm như vậy.

Một báo cáo tình báo khác nói rằng Trung Quốc có thể sử dụng các cuộc tấn công của Ukraine vào các mục tiêu nằm sâu bên trong nước Nga “như một cơ hội để coi NATO là kẻ gây hấn và tăng viện trợ cho Moscow nếu họ cho rằng các cuộc tấn công đó là đáng kể”.

Trên kênh Telegram ngày 7/4, ông Mykhailo Podolyak, cố vấn của người đứng đầu Văn phòng Tổng thống Ukraine cho biết, ông tin rằng các tài liệu bị rò rỉ là không xác thực, “không liên quan đến kế hoạch thực sự của Ukraine” và chỉ dựa trên “một lượng lớn thông tin hư cấu” do Nga phổ biến.

Tuy nhiên, một tài liệu khác mô tả chi tiết đáng chú ý cuộc trao đổi giữa 2 quan chức an ninh quốc gia cấp cao của Seoul về những lo ngại của Hội đồng An ninh Quốc gia Hàn Quốc liên quan đến yêu cầu cung cấp đạn dược của Mỹ.

Các quan chức này lo ngại rằng việc cung cấp đạn dược, mà sau đó Mỹ sẽ gửi cho Ukraine, sẽ vi phạm chính sách của Hàn Quốc về việc không cung cấp viện trợ sát thương cho các quốc gia có chiến tranh. Theo tài liệu, một trong các quan chức sau đó đã đề xuất giải pháp “lách luật” mà không cần phải thay đổi quá nhiều – bằng cách bán đạn dược cho Ba Lan.

Một quan chức cấp cao Hàn Quốc cho biết, chính quyền nước này sẽ thảo luận với Mỹ về việc một số tài liệu mật bị rò rỉ trên mạng xã hội những ngày gần đây. Seoul sẽ “tham khảo các tiền lệ và những vụ việc tương tự trước đây liên quan tới các quốc gia khác, từ đó đưa ra phản ứng phù hợp”.

Các nước khác cũng dự kiến nêu vấn đề với Mỹ, nhưng hiện vẫn đang chờ xem chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ nói gì về các tài liệu bị rò rỉ trong những ngày tới.

Trong khi đó, một tài liệu tình báo do CIA thực hiện và thu thập từ tình báo tín hiệu nói rằng cơ quan tình báo Mossad của Israel đã khuyến khích các cuộc biểu tình chống lại chính phủ mới của đất nước.

Văn phòng Thủ tướng Israel ngày 9/4 đã gọi bản báo cáo này là “dối trá và không có bất kỳ cơ sở nào”.

“Mossad và các quan chức cấp cao của cơ quan này chưa từng và không khuyến khích nhân viên của mình tham gia biểu tình chống chính phủ, biểu tình chính trị hoặc bất kỳ hoạt động chính trị nào. Mossad và các nhân viên cấp cao đương chức của họ hoàn toàn không tham gia vào vấn đề biểu tình”, tuyên bố cho biết.

Một tài liệu mật bị rò rỉ khác, cũng có nguồn gốc từ tình báo tín hiệu, cho thấy cách Mỹ đánh giá chính sách của các đồng minh và cách Washington có thể sử dụng ảnh hưởng của mình để thay đổi các chính sách đó.

Tài liệu có tiêu đề “Israel: Con đường cung cấp viện trợ sát thương cho Ukraine” cho biết Israel “có khả năng sẽ xem xét cung cấp viện trợ sát thương dưới áp lực gia tăng của Mỹ hoặc sự xuống cấp rõ ràng trong mối quan hệ với Nga”.

Một tài liệu khác tiết lộ nhận định của Mỹ về việc một số quốc gia châu Âu có ý định tặng máy bay chiến đấu cho Ukraine.

Báo cáo cho biết, ngày 23/2, Bulgaria bày tỏ sẵn sàng tặng phi đội máy bay MiG-29 của nước này cho Ukraine. Mỹ cho rằng đó sẽ là một “thách thức”, vì làm như vậy Bulgaria sẽ không có máy bay chiến đấu để thực hiện các nhiệm vụ kiểm soát trên không cho đến khi những chiếc F-16 do Mỹ sản xuất được chuyển giao và việc này sẽ mất “ít nhất là một năm nữa”.

Mỹ điều tra nguồn rò rỉ

Phó Thư ký báo chí Lầu Năm Góc Sabrina Singh ngày 9/4 cho biết, Bộ Quốc phòng đã triển khai một “nỗ lực liên ngành” để đánh giá tác động của vụ rò rỉ đối với an ninh quốc gia của Mỹ cũng như đối với các đồng minh và đối tác.

Theo bà Singh, các quan chức Mỹ đã trao đổi với các đồng minh và đối tác vào cuối tuần qua về vụ rò rỉ, đồng thời thông báo cho “các ủy ban có liên quan của quốc hội”.

Hai quan chức giấu tên của Mỹ nói rằng, họ không loại trừ khả năng một số tài liệu đã bị chỉnh sửa để đánh lừa các nhà điều tra về nguồn gốc của chúng cũng như để phát tán thông tin sai lệch nhằm gây tổn hại cho lợi ích an ninh của Mỹ.

Các quan chức cho biết, vụ rò rỉ cũng khiến Lầu Năm Góc phải thực hiện các bước để thắt chặt luồng tài liệu nhạy cảm, vốn có thể cung cấp cho hàng trăm người trong chính phủ vào bất kỳ lúc nào.

Một quan chức Bộ Quốc phòng cho biết Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, bao gồm các lãnh đạo cấp cao nhất của Bộ Quốc phòng làm nhiệm vụ cố vấn cho tổng thống, đang kiểm tra danh sách phân phát để xem ai nhận được những báo cáo này. Nhiều tài liệu có dấu hiệu cho thấy chúng do bộ phận tình báo của Hội đồng, được gọi là J2, thực hiện và dường như là tài liệu tóm tắt.

Bà Singh cho biết, Hội đồng đang tiếp tục xem xét vấn đề và đã đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp điều tra.

Một số nhà phân tích an ninh phương Tây cũng như quan chức Mỹ tin rằng nghi phạm vụ rò rỉ có thể là một người Mỹ. Các chủ đề bị rò rỉ gồm nhiều vấn đề khác nhau cho thấy nghi phạm là công dân Mỹ hơn là từ một quốc gia đồng minh./.

Hoàng Phạm/VOV.VN (biên dịch) Theo CNN

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/vu-ro-ri-tai-lieu-mat-tiet-lo-muc-do-tham-nhap-cua-tinh-bao-my-vao-dong-minh-post1013001.vov