Vụ sai phạm bồi thường Dự án sân bay Điện Biên: Vai trò của Nguyễn Thị Khương
Ngày 2/8, TAND tỉnh Điện Biên chính thức tiến hành phiên tòa xét xử sơ thẩm 9 bị cáo trong vụ án hình sự 'Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất' và 'Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ' khi tham gia thực hiện dự án nâng cấp, cải tạo Cảng hàng không Điện Biên.
Với tính chất nghiêm trọng của vụ án, số bị cáo và số người có quyền, nghĩa vụ liên quan đông, sự quan tâm đặc biệt của dư luận trong và ngoài tỉnh, do đó phiên tòa được tiến hành xét xử trong tình trạng an ninh được thắt chặt. Trong số 9 bị cáo của vụ án thì có 8 bị cáo là công chức, viên chức, thậm chí có những bị cáo từng giữ những chức vụ rất quan trọng trong bộ máy của chính quyền thành phố Điện Biên Phủ. Duy nhất chỉ có bị cáo Nguyễn Thị Khương (sinh năm 1965), trình độ văn hóa 10/10, trước khi bị bắt chỉ là nhân viên hợp đồng thời vụ của Trung tâm quản lý đất đai thành phố Điện Biên Phủ từ ngày 15/12/2020, tuy nhiên trong cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Điện Biên lại thể hiện đây là nhân vật đóng vai trò rất quan trọng trong toàn bộ quá trình vi phạm của vụ án.
Trong phiên tòa sáng nay, sau khi kết thúc phần thủ tục, Hội đồng xét xử đã chuyển sang phần tranh tụng, yêu cầu Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Điện Biên công bố cáo trạng số 42, theo đó trên cơ sở điều tra xác định: Từ tháng 4-12/2021 khi tham gia thực hiện dự án cải tại, nâng cấp Cảng hàng không Điện Biên, UBND thành phố Điện Biên Phủ đã giao Trung tâm Quản lý đất đai chủ trì thực hiện công tác đo đạc, kiểm đếm, lập phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư và giải phóng mặt bằng.
Nguyễn Thị Khương được giao làm Trưởng nhóm VI thực hiện nhiệm vụ kê khai, kiểm đếm, lập phương án bồi thường cho các đối tượng có đất bị thu hồi, trong đó có diện tích của Công ty Cổ phần chế biến nông sản Điện Biên.
Sau khi có các văn bản thông báo về thu hồi đất, đề nghị điều chỉnh diện tích thu hồi, cắm tuyến trên thực địa, kiểm đếm tài sản… Nguyễn Thị Khương đã phối hợp với một số đại diện của công ty này để lập phương án bồi thường. Quá trình lập khi gặp khó khăn đã trực tiếp báo cáo Trần Thị Vân (Giám đốc Trung tâm) lập nhiều báo cáo, tờ trình cho Vân ký tham mưu cho cấp trên.
Tuy nhiên khi UBND tỉnh Điện Biên chưa có văn bản chỉ đạo, phản hồi về đề xuất trong báo cáo số 193 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Điện Biên, bị Phòng tài chính – kế hoạch trả lại thẩm định phương án theo 3 chế độ với số tiền khoảng 70 tỷ đồng chưa có văn bản hướng dẫn, thực hiện sự chỉ đạo của cấp trên, Khương căn cứ tài liệu công ty cổ phần chế biến nông sản cung cấp đã không thực hiện kiểm tra, xác minh đối tượng bị thu hồi đất có trực tiếp sản xuất nông nghiệp và có nguồn thu nhập ổn định trên diện tích đất bị thu hồi hay không, không thực hiện niêm yết công khai khái toán phương án, tổ chức lấy ý kiến người dân bị thu hồi đất.
Đến ngày 19/8/2021 khi có tờ trình số 198 và báo cáo số 147 qua mạng hồ sơ công việc, được sự chỉ đạo của Trần Thị Vân, Khương đã thuê người, phối hợp với một số đối tượng Trần Xuân Mạnh, Phạm Trung Kiên, Nguyễn Đình Hiệp, Bùi Thị Ánh hoàn thiện hồ sơ lập phương án đợt 31 để trình ký phê duyệt. Theo đó đã bồi thường về cây cối hoa màu trái quy định gần 1,7 tỷ đồng, hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất hơn 16,5 tỷ đồng.
Theo Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Điện Biên đây là vụ án đồng phạm, các bị can không có sự bàn bạc thống nhất khi thực hiện hành vi phạm tội mà đều là người trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội. Đây là những hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, đặc biệt nghiêm trọng, gây thất thoát lớn tài sản của nhà nước. Do đó truy tố ra trước tòa 2 tội về vi phạm quy định bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất tại khoản 3 Điều 230 Bộ Luật hình sự và tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ quy định tại điểm c khoản 2 điều 356 Bộ Luật hình sự.
Phiên tòa dự kiến sẽ diễn ra trong 3 ngày từ 2-4/8.