Vụ sai phạm dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi: Tranh cãi việc bồi thường thiệt hại
Ngày 17/10, Hội đồng xét xử Tòa án Nhân dân TP Hà Nội tiếp tục phần xét hỏi đối với các bị cáo trong vụ án vi phạm quy định về xây dựng, gây thiệt hại 460 tỷ đồng tại dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi giai đoạn 2 (dài 74km).
Đại diện VEC đề nghị các nhà thầu bồi thường thiệt hại
Trong phần xét hỏi với các nhà thầu, chủ đầu tư trong vụ án, đại diện VEC đã đề nghị các nhà thầu thi công các gói thầu bồi thường thiệt hại.
Theo đó, đại diện VEC mong HĐXX trong quá trình xem xét giải quyết vụ án, nếu xác định các nhà thầu thi công các gói thầu A1, A2, A3, A4, A5 có sai phạm, vi phạm pháp luật Việt Nam, gây thiệt hại cho chủ đầu tư cần phải bồi thường theo đúng quy định pháp luật, theo nguyên tắc thiệt hại đến đâu bồi thường đến đó.
Chi tiết thiệt hại, VEC đã có văn bản gửi cơ quan điều tra và viện kiểm sát.
Cũng theo đại diện VEC, vị này cho rằng VEC đã ký kết hợp đồng với các nhà thầu về việc thực hiện xây dựng tuyến đường đảm bảo an toàn, đúng tiêu chuẩn chất lượng, theo phê duyệt. Nếu các nhà thầu thực hiện không đúng, để xảy ra sai sót, gây thiệt hại thì phải bồi thường cho chủ đầu tư.
Theo cáo trạng, dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi nằm trong quy hoạch tổng thể phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam, định hướng đến năm 2030, được Thủ tướng phê duyệt. Bộ GTVT giao Tổng công ty phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm Chủ đầu tư dự án.
Dự án thực hiện đầu tư bằng nguồn vốn vay rất lớn của các tổ chức tài chính quốc tế, được tổ chức đấu thầu quốc tế rộng rãi, với sự tham gia của các Nhà thầu có đủ năng lực.
Tuy nhiên, quá trình tổ chức đầu tư xây dựng từ Chủ đầu tư, Ban QLDA, Nhà thầu thi công, Tư vấn giám sát đã buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra giám sát, không tuân thủ tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu thiết kế được áp dụng cho dự án, dẫn đến tuyến đường khi mới đưa vào sử dụng đã hư hỏng.
Kết quả điều tra, kết luận giám định của cơ quan giám định tư pháp xác định đối với các gói thầu thuộc giai đoạn 2 của dự án, VEC đã thanh toán cho các Nhà thầu thi công các hạng mục xây dựng không đảm bảo chất lượng số tiền hơn 460 tỷ đồng.
Giai đoạn 2 dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có chiều dài từ Km65 - Km139+204, sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới - WB và do Tổ chức tư vấn CDM Smith Inc (Mỹ) thực hiện giám sát thi công.
Các nhà thầu, gồm: Liên danh Tổng Công ty xây dựng số 1 - Tập đoàn Lotte E&C (Hàn Quốc); Tập đoàn Shandong Luquao Group., Ltd (Tập đoàn Sơn Đông, Trung Quốc); Tập đoàn Jiangsu Provincial Transportation Engineering Group Co., Ltd (Tập đoàn Giang Tô, Trung Quốc); Tập đoàn Lotte E&C (Hàn Quốc); Tập đoàn Posco E&C (Hàn Quốc), thực hiện thi công xây lắp các Gói thầu A1, A2, A3, A4 và A5.
Các nhà thầu không đồng ý bồi thường
Tuy nhiên, có mặt tại phiên tòa, đại diện của các nhà thầu đều từ chối việc bồi thường của VEC.
Theo đó, đại diện Tổng Công ty Xây dựng số 1 (CC1) không đồng ý bồi thường, không đồng ý với kết luận giám định.
CC1 cho rằng thời điểm lấy mẫu giám định đã sau 2 - 3 năm khi dự án được bàn giao, như thế là không hợp lý. Theo đại diện CC1, dự án đã bàn giao được 5 năm, song họ chưa từng bị VEC yêu cầu bồi thường, tu sửa hỏng hóc.
Cũng theo CC1, nhà thầu đã làm đúng quy trình thể hiện ở chỗ nhà thầu đã được thanh toán, trên hồ sơ nghiệm thu, thanh toán (IPC) có đủ chữ ký các nhân sự của chủ đầu tư. Như vậy, lỗi nhà thầu là không có.
Phản đối quan điểm yêu cầu bồi thường của VEC, đại diện của Lotte E&C cho biết, doanh nghiệp là nhà thầu của 2 gói, trong đó, gói A4 đã thực hiện toàn bộ và gói A1 liên danh thực hiện với CC1 theo tỷ lệ Lotte E&C 45%, và CC1 55%. Để công việc suôn sẻ, Lotte sau đó có hợp đồng ủy nhiệm cho CC1 thực hiện toàn bộ phần thi công gói A1.
Đại diện Lotte E&C lập luận, VEC đã thuê 1 đơn vị kiểm tra chất lượng riêng biệt. Đơn vị này cũng đã kiểm tra quy trình tương tự như bên giám định. Kết quả báo cáo là không có vấn đề gì. Sau đó, cơ quan nghiệm thu quốc gia cũng đã đánh giá đạt chất lượng theo yêu cầu và đã đưa đường vào sử dụng.
Lotte E&C giải thích, theo hợp đồng, Lotte sẽ bảo hành 2 năm sau khi đưa vào sử dụng. Thực tế, trong thời gian đó, Lotte không nhận được phản ánh gì về sai sót, hỏng hóc hay sửa chữa bảo trì phát sinh trên gói thầu đã đảm nhiệm.
Đại diện Lotte E&C khẳng định, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đang được vận hành bình thường, đảm bảo tốc độ của đường cao tốc. Kể từ khi thông đường, tuyến đường chưa từng bị tạm dừng, tạm đình chỉ để sửa lỗi và vẫn đang vận hành thu phí thông thường.
Tại tòa, Lotte E&C gửi 3 video do nhà thầu thực hiện tháng 10/2022 và tháng 5/2023 cho thấy con đường vận hành bình thường không có sai sót gì và đề nghị HĐXX trình chiếu các video này.
Đại diện Posco E&C cũng mở đầu phần trả lời bằng việc phản đối yêu cầu bồi thường của VEC. “Đây là trường hợp duy nhất trên thế giới đánh giá chất lượng con đường sau khi đường đã đưa vào sử dụng…”, vị này nói.
Trước đó, trong phần trả lời thẩm vấn, các bị cáo: Nguyễn Văn Thuật - cựu Giám đốc Ban điều hành liên danh nhà thầu thi công gói thầu A1; Nguyễn Thiên Nam - cựu Giám đốc chất lượng của nhà thầu thi công gói thầu A1 đều cho rằng mình tuân thủ đúng quy trình thi công.
Bị cáo Nguyễn Văn Thuật đã nhiều lần khẳng định tại tòa, quá trình thi công nhà thầu đã thực hiện đầy đủ quy trình, nếu có hỏng hóc đó chỉ là sai sót cục bộ, không đại diện cho toàn tuyến. Vì công trình không có hư hỏng và thực tế đã phản ánh điều này.
Liên quan đến sai phạm khi nghiệm thu, bị cáo này cho biết nghiệm thu của nhà thầu là đảm bảo nhưng mẫu của nhà thầu và cơ quan giám định là khác nhau nên kết quả có thể sai khác nhau.
Còn bị cáo Nguyễn Thiên Nam cũng khai bản thân đã tuân thủ đúng quy trình khi thi công cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi giai đoạn 2.
Tuy nhiên, bây giờ dựa trên kết quả giám định xác định chất lượng không đạt rất khó nói, vì công trình đã đưa vào khai thác 2 năm và đang sử dụng.
Còn bị cáo Nguyễn Hữu Sơn - cựu Giám đốc chất lượng gói thầu A2 thì cho rằng trong vụ án mình có vai trò rất mờ nhạt. Bởi lẽ, ông chỉ làm giám đốc chất lượng trong vòng một tháng, sau đó một người Trung Quốc thay thế bị cáo.
Trong thời gian một tháng đó, bị cáo chỉ ngồi văn phòng, đọc và nghiên cứu hồ sơ để triển khai.
Tuy nhiên, bị cáo thừa nhận có ký 99 tài liệu bổ trợ gồm xác nhận kết quả thí nghiệm với vai trò giám đốc quản lý chất lượng, gây thiệt hại 400 triệu đồng.