Vụ sập tường 7 người chết ở Vĩnh Long: Công ty TNHH BoHsing bất ngờ thoát trách nhiệm
Công an tỉnh Vĩnh Long vừa hoàn tất kết luận điều tra (KLĐT) vụ sập tường khiến 7 người chết tại Khu công nghiệp Hòa Phú, đề nghị truy tố với 4 bị can gồm: Đặng Quân (quê Thanh Hóa); Nguyễn Thanh Tùng (ngụ Bình Dương); Trần Quan Trừ (ngụ Long An) và Dương Thanh Phong (ngụ Long An) cùng về tội 'Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng'.
Theo KLĐT, ngày 15/10/2018, Công ty TNHH BoHsing (ở Khu công nghiệp Hòa Phú, xã Hòa Phú, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) thuê Công ty TNHH Cơ khí xây dựng công nghiệp Hưng Thịnh Phát, do Đặng Quân (là PGĐ làm đại diện), xây dựng nhà xưởng, nhà ăn, nhà xe, nhà bảo vệ. Công trình này được Ban quản lý các khu công nghiệp Vĩnh Long cấp phép xây dựng.
Sau khi ký hợp đồng với Công ty BoHsing, Quân thuê Trừ (kỹ sư) thẩm định, ký tên vào hồ sơ kết cấu và làm thủ tục thẩm tra thiết kế theo quy định. Tiếp đó, Quân thuê Nguyễn Thanh Tùng (GĐ Công ty Cát Thành) đứng tên đơn vị thiết kế.
Sau khi công trình được khởi công, BoHsing nhờ Quân thuê thẩm tra thiết kế nên Quân nhờ Trừ làm thủ tục thẩm tra thiết kế. Nhận lời, Trừ làm hết các thủ tục, hồ sơ thẩm tra thiết kế rồi liên hệ nhờ Dương Thanh Phong (GĐ Công ty CP Đầu tư xây dựng Long An) ký tên và đóng dấu vào hồ sơ thẩm tra thiết kế.
Khoảng 10h ngày 15/3/2019, khi ông Phạm Văn Bò (ngụ xã Hòa Phú, huyện Long Hồ, Vĩnh Long) đang cắt sắt để bổ đà sàn (cột kẽm) thì nghe tiếng nổ lớn, nhìn về hướng bức tường nhà xưởng số 3 thì thấy mặt trước bên phải đang xây dựng ngã xuống. Ông Bò nhanh chân chạy thoát ra ngoài nhưng 8 người khác mắc kẹt bên trong. Vụ tai nạn khiến 6 người tử vong tại chỗ và 1 người chết tại bệnh viện.
Theo kết luận của Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, nguyên nhân chính gây ra sự cố sập tường do kết cấu tường đầu hồi nhà xưởng trục A3 được tính toán, thiết kế với sơ đồ kết cấu không hợp lý.
Cụ thể, chiều cao, diện tích lớn và đứng độc lập với hệ khung thép của công trình nên không đảm bảo khả năng chịu lực.
Bức tường sập có độ mảnh theo phương ngoài mặt phẳng vượt quá giới hạn cho phép, bị mất ổn định dưới tác dụng của các tải trọng tác động trong quá trình thi công.
Bức tường cũng không đảm bảo khả năng chịu lực như trọng lượng bản thân, tải trọng do độ lệch tâm, dung sai trong thi công và tải trọng gió…
Cục Giám định cũng chỉ ra thêm một số nguyên nhân lỗi cơ bản trong xây dựng như độ chịu lực của bức tường bị ảnh hưởng do quá trình thi công đổ, đầm bê tông cột; giằng xây và trát tường; rung động do xe chở vật liệu và lu nền sân va đường xung quanh.
Chất lượng bê tông cột không đồng đều và cốt thép chịu lực ở một số vị trí không đồng đều; một số vị trí tường xây thiếu vữa chèn mạch dọc.
Trong đó, với vai trò chủ đầu tư, giám sát thi công dự án, Công ty TNHH BoHsing đã không tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình; không quản lý chất lượng khảo sát, thiết kế, thi công và lựa chọn nhà thầu. Tự thực hiện quản lý, giám sát thi công dự án nhưng không có năng lực, không đủ điều kiện, không trình thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, không phê duyệt thiết kế thi công…
Mặc dù kết luận giám định chỉ ra một loạt sai phạm của chủ đầu tư là Công ty BoHsing nhưng CQĐT đã không nhắc tới vai trò của lãnh đạo Công ty BoHsing. Về trách nhiệm của ông Jen Yi Fan (Phó TGĐ Công ty BoHsing), KLĐT chỉ nêu: “Tuy chưa thực hiện hết trách nhiệm của chủ đầu tư nhưng ông Jen Yi Fan đã giao khoán cho Đặng Quân nên hành vi của ông Jen Yi Fan không cấu thành tội phạm”.
CQĐT chỉ đề nghị Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Long xử lý hành chính đối với chủ đầu tư. Bên cạnh đó, KLĐT cũng không xem xét tới trách nhiệm của Ban Quản lý dự án các khu công nghiệp Vĩnh Long.
Trước Jen Yi Fan của Công an tỉnh Vĩnh Long, bị can Quân đã có đơn khiếu nại gửi cơ quan chức năng khẳng định mình chỉ là người tìm kiếm cá nhân, tổ chức có chức năng tư vấn, thiết kế để giới thiệu cho BoHsing chứ không phải là người được BoHsing thuê tư vấn, thiết kế. Bởi giữa hai bên hoàn toàn không có hợp đồng hoặc giấy ủy quyền cho Quân tư vấn, thiết kế.
PLVN sẽ tiếp tục phản ánh sự việc hi hữu này.
Theo một luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP HCM, theo kết quả giám định của Bộ Xây dựng và KLĐT thì nguyên nhân chính gây ra sự cố là do kết cấu tường hồi nhà xưởng tại trục A3 được tính toán thiết kế với sơ đồ kết cấu không hợp lý và không đảm bảo khả năng chịu lực.
Do đó, trách nhiệm chính để xảy ra sự cố là những cá nhân, tổ chức có liên quan đến việc lập, thẩm tra, quyết định và cấp phép đối với hồ sơ thiết kế và những người giám sát công trình của chủ đầu tư; Hưng Thịnh Phát chỉ là bên thi công.
Quy định này được thể hiện rõ tại các Điều 82, 85, 92, 120 Luật Xây dựng 2014 và Nghị định số 46/2015/NĐ-CP về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng, Nghị định số 59/2015/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng.