Vụ sát hại bé gái 8 tuổi gây chấn động Thổ Nhĩ Kỳ
Vụ sát hại một bé gái 8 tuổi mới đây ở Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến dư luận bị sốc và phẫn nộ vì toàn bộ ngôi làng có 550 cư dân từ chối tiết lộ bất cứ điều gì.
Tên gọi của bé gái là Narin, dịch sang tiếng Anh là “dễ thương”, “mềm mại”, “mong manh”, nhưng nhiều tuần qua, vụ án liên quan đến Narin đã thổi bùng lên làn sóng giận dữ trong dân chúng Thổ Nhĩ Kỳ.
Bé gái 8 tuổi này đến từ làng Tavsantepe, gần Diyarbakir ở phía Đông Nam đất nước. Sau một thời gian được cho là mất tích, thi thể cô bé được tìm thấy trong một bao tải bên bờ sông vào ngày 8-9.
Một lý do khiến nhiều người phẫn nộ là toàn bộ ngôi làng có 550 cư dân từ chối tiết lộ bất cứ điều gì. Một số thành viên trong gia đình Narin, bao gồm cả cha mẹ cô, đang bị giam giữ. Tới nay, tổng cộng 12 người đã bị bắt, trong số đó có chú của Narin, người đứng đầu làng Tavsantepe. Các bác sĩ pháp y cho biết, cô bé đã bị siết cổ.
Đích thân Bộ trưởng Tư pháp Yilmaz Tunc đã đến thăm ngôi làng thuộc tộc người Kurd và Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã hứa trên mạng xã hội X rằng bất kỳ ai phạm tội sẽ phải chịu sự trừng phạt nghiêm khắc nhất. Cả hai đều nói rằng thủ phạm sẽ phải nhận “hình phạt khắc nghiệt nhất”.
Dư luận cho rằng, ai đó trong làng này hẳn biết thủ phạm nhưng không hé răng nửa lời. “Thổ Nhĩ Kỳ đang phải đối mặt với một vụ án phức tạp. Kẻ giết người đang được gia đình nạn nhân và những người thân cận che chở”, ông Halis Dokgoz, một bác sĩ pháp y và Giám đốc Trung tâm Bảo vệ Trẻ em tại Đại học Mersin cho biết.
Khu vực nơi Narin sinh sống khá truyền thống và bảo thủ, dựa trên các cấu trúc bộ lạc. Trong những cộng đồng như vậy, hầu hết thủ phạm là người mà nạn nhân đã biết và người ta thường không cho rằng cái chết của một đứa trẻ là nghiêm trọng.
Trường hợp của Narin không phải là cá biệt. Theo Trung tâm Quyền trẻ em Thổ Nhĩ Kỳ (FISA), ít nhất 64 trẻ em đã bị sát hại trong 2 năm rưỡi qua, thường là do bạo lực gia đình.
Số liệu thống kê mới nhất của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ được công bố cho thấy, 104.531 trẻ em nước này được báo cáo mất tích trong giai đoạn từ năm 2008 đến năm 2016. Điều này khiến hiện nay không chỉ không rõ có bao nhiêu trường hợp mà còn không rõ có bao nhiêu trẻ em trong số này đã được tìm thấy, đã chết hay còn sống.
Trong khi đó, phe đối lập cũng muốn biết có bao nhiêu trẻ em được báo cáo mất tích kể từ năm 2016. Theo số liệu thống kê trong tay phe đối lập, con số này là trên 10.000 trẻ em.
Bà Ezgi Koman từ FISA cho biết, Ủy ban Liên hợp quốc về Quyền trẻ em (CRC) đã nhiều năm kêu gọi chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp thông tin có liên quan. “Nếu họ có dữ liệu nhưng giữ bí mật, điều đó có nghĩa là họ không muốn chịu trách nhiệm, hoặc họ muốn ngăn mọi người biết tình hình nghiêm trọng như thế nào, hoặc trẻ em không quan trọng với họ”, bà Koman nói.
Bác sĩ Halis Dokgoz cho hay, nếu có dữ liệu như vậy, các bác sĩ pháp y, nhân viên xã hội, nhà tâm lý học và cảnh sát có thể xây dựng các chiến lược để có thể ngăn ngừa những trường hợp tương tự. “Hiện tại, chúng tôi chỉ theo dõi một vụ án sau khi nó được công khai. Và khi làm như vậy, chúng tôi chỉ tập trung vào câu hỏi: Ai là kẻ giết người, nhưng sau đó thế nào và làm thế nào ngăn chặn thì không biết”, ông Dokgoz nói. Ông cảm thấy rằng các nhà chức trách thiếu động lực để đưa ra các giải pháp bền vững để ngăn ngừa những vụ án như vậy.
Sahin Antakyalioglu, điều phối viên của Mạng lưới bảo vệ trẻ em (CACAV), cũng có cùng quan điểm. Ông cho biết cần có một hệ thống cảnh báo công khai và chính sách cơ bản, hướng đến giải pháp bảo vệ trẻ em. Trong đó, cần lập một đường dây nóng để trẻ em dễ dàng tiếp cận. Và quan trọng hơn cả, cần có một hệ thống giáo dục dạy trẻ em biết chúng có những quyền gì.
“Việc trao quyền cho trẻ em sẽ không có ý nghĩa gì nếu trẻ không biết về những quyền đó”, ông nói. Ông cho biết, nếu chưa thực hiện được tất cả các bước đó, xã hội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục bị sốc bởi những trường hợp như trường hợp Narin.
Theo DW
Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/vu-sat-hai-be-gai-8-tuoi-gay-chan-dong-tho-nhi-ky-post591176.antd