Vụ sạt lở khiến 4 người tử vong ở Vĩnh Phúc: hé lộ sai phạm của Công ty Kim Long?

Liên quan đến vụ việc sạt lở khiến 4 người tử vong thương tâm tại Vĩnh Phúc ngày 25/5, cùng hàng loạt sai phạm khác trong quá trình triển khai dự án của Công ty TNHH Kim Long, PV Báo Sức khỏe và Đời sống đã có cuộc trao đổi với luật sư về tính pháp lý của sự việc.

Mới đây, Báo Sức khỏe và Đời sống thông tin về sự cố gây chết người qua loạt bài viết: “Sự thật đằng sau vụ sập tường khiến ba người tử vong ở Vĩnh Phúc”; “Vĩnh Phúc: Cần làm rõ trách nhiệm vụ sạt lở khiến 4 người thương vong”; “Vụ sập tường kinh hoàng ở Vĩnh Phúc: Nạn nhân thứ 4 đã tử vong” và “Vụ sạt lở làm 4 người chết: Núi Đinh “rỉ máu” nhiều năm trước khi xảy vụ sạt lở thương tâm?”.

Theo đó, ngày 25/5 trên địa bàn huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc xảy ra vụ sạt lở đất khiến 4 người tử vong thương tâm, nơi xảy ra được xác định tại khu vực núi Đinh thuộc dự án của Công ty TNHH Kim Long (Công ty Kim Long) quản lý. Cùng đó, hàng loạt sai phạm khác trong quá trình triển khai dự án của Công ty Kim Long cũng được phản ánh.

Hiện trường vụ sạt lở kinh hoàng khiến 4 người tử vong ở Vĩnh Phúc ngày 25/5. Ảnh: Đồng Diệm

Hiện trường vụ sạt lở kinh hoàng khiến 4 người tử vong ở Vĩnh Phúc ngày 25/5. Ảnh: Đồng Diệm

Liên quan đến thông tin hai nạn nhân thiệt mạng chưa được ký hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm theo đúng quy định, trao đổi với PV, luật sư Lưu Thị Kiều Trang - Phó giám đốc Công ty Luật Hà Trọng Đại và Cộng sự (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), cho rằng: “Theo quy định tại Bộ Luật lao động (BLLĐ) 2012, quan hệ lao động giữa người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ) được xác lập khi hai bên ký hợp đồng. Tuy nhiên, BLLĐ 2019 đã có sự thay đổi bảo vệ tốt hơn quyền lợi cho NLĐ. Theo đó, đối với trường hợp hai bên thỏa thuận có nội dung thể hiện việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động (HĐLĐ)".

Như vậy, trong trường hợp trên, Công ty Kim Long đã thỏa thuận với T và L về việc làm tại Công ty và họ chịu sự quản lý của doanh nghiệp, do đó về bản chất đã xác lập quan hệ lao động. Chính vì vậy, khi xảy ra tai nạn lao động, Công ty Kim Long phải chịu trách nhiệm đối với hậu quả xảy ra cho NLĐ (trường hợp NLĐ không có lỗi).

Luật sư Lưu Thị Kiều Trang - Phó giám đốc Công ty Luật sư Hà Trọng Đại và Cộng sự.

Luật sư Lưu Thị Kiều Trang - Phó giám đốc Công ty Luật sư Hà Trọng Đại và Cộng sự.

Về vấn đề các bên chưa ký hợp đồng lao động, không đóng bảo hiểm cho NLĐ của Công ty Kim Long như lời gia đình nạn nhân nói, luật sư Trang nêu quan điểm: Nếu có việc này thì hành vi của Công ty Kim Long đã vi phạm pháp luật lao động khi không tiến hành giao kết hợp đồng lao động bởi, theo quy định tại Khoản 2 Điều 13 BLLĐ 2019, trước khi nhận người lao động vào làm việc thì Công ty phải giao kết hợp đồng lao động.

Công ty Kim Long chưa ký hợp đồng lao động với 2 nạn nhân là T và L, do đó Công ty đã vi phạm quy định pháp luật lao động, cụ thể đối với nghĩa vụ giao kết hợp đồng lao động. Ngoài ra, hành vi không giao kết hợp đồng của Công ty Kim Long bị xử lý vi phạm hành chính, quy định tại Điều 9 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, đối với hành vi không giao kết hợp đồng lao động từ 01-10 người lao động thì NSDLĐ bị phạt từ 02-05 triệu đồng.

“Bên cạnh đó, hành vi không đóng bảo hiểm cho người lao động sẽ bị xử lý vi phạm hành chính, theo khoản 6 Điều 29 Nghị định 12/2022/NĐ-CP. Công ty Kim Long bị phạt tiền từ 18-20% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc, bảo hiểm tư nhân (BHTN) tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75 triệu với NSDLĐ không đóng BHXH bắt buộc cho toàn bộ NLĐ thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc”- luật sư Trang nói.

“Đối với hai đứa con nhỏ của nạn nhân T (bé lớn 5 tuổi và một bé út mới 16 tháng tuổi), trong trường hợp xác định được lỗi thuộc về Công ty, nguyên nhân và hậu quả, mối quan hệ nhân quả của hành vi vi phạm, Công ty có trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo quy định tại Điều 591 BLDS 2015, với các thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm trong đó có việc cấp dưỡng cho con người lao động bị tử vong đến khi đủ 18 tuổi. Ngoài ra, việc Công ty yêu cầu NLĐ ở lại dọn đồ là không phù hợp với quy định pháp luật lao động. Tuy nhiên, nếu trên thực tế giữa NLĐ và NSDLĐ có thỏa thuận về việc làm thêm giờ sau khi hết giờ làm việc thì việc yêu cầu của Công ty không vi phạm pháp luật”- luật sư Trang phân tích.

Luật sư nhận định sự việc làm chết người

Liên quan đến sự việc sạt lở khiến 3 người tử vong tại chỗ, một người bị thương nặng (sau nhiều ngày điều trị nạn nhân đã tử vong) tại công trình xây dựng trên đất dự án trồng mía và cây ăn quả của Công ty Kim Long. Theo Luật sư Hoàng Tùng - Trưởng văn phòng Luật sư Trung Hòa (Đoàn LS TP Hà Nội) có ý kiến: “Theo quy định tại khoản 3, Điều 298 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 về “Tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”, với hành vi vi phạm quy định về xây dựng trong lĩnh vực khảo sát, thiết kế, thi công, sử dụng nguyên liệu,… làm chết 3 người trở lên thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm. Mức phạt có thể tăng thêm vì trong trường hợp này, ngoài khiến 3 người tử vong tại chỗ và 1 người bị thương nặng”.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng tới 100 triệu đồng, cấm đảm nhận chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm theo quy định tại khoản 4 Điều này. Ngoài mức phạt tù như trên, thân nhân của các nạn nhân còn có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo trách nhiệm dân sự đối với người có lỗi gây ra tai nạn trên”.

Một góc khu vực núi Đinh đang được xây dựng hàng loạt công trình kiên cố. Ảnh: NC

Một góc khu vực núi Đinh đang được xây dựng hàng loạt công trình kiên cố. Ảnh: NC

“Theo Khoản 3, Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017, thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật. Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ những dữ liệu này chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định. Có thể Công ty thu giữ điện thoại của toàn bộ công nhân có mặt tại hiện trường xuất phát từ lý do lo sợ các công nhân sẽ lan truyền những thông tin không xác thực, gây ảnh hưởng tới hoạt động của Công ty. Chiếu theo quy định pháp luật, việc Công ty thu giữ điện thoại của nhân viên là chưa phù hợp” - luật sư Tùng nhận định về việc thu điện thoại của công nhân có mặt tại hiện trường.

Hiện nay, dư luận tỉnh Vĩnh Phúc, cùng người dân sinh sống quanh khu vực núi Đinh vẫn chưa hết bàng hoàng trước vụ sạt lở khiến 4 người tử vong thương tâm vào ngày 25/5. Nhiều ý kiến cho rằng, việc san gạt đất đai, khai thác tràn lan tài nguyên tại khu đất tại núi Đinh đã để lại hệ lụy khó lường, tiềm ẩn nhiều rủi ro, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người dân mỗi khi đi qua khu vực này. UBND tỉnh Vĩnh Phúc cần nhanh chóng xử lý dứt điểm những tồn tại ở dự án nêu trên, hoàn trả mặt bằng tránh những sự cố thương tâm, đau xót về lâu dài.

Việt Bắc - Trung Anh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//vu-sat-lo-khien-4-nguoi-tu-vong-o-vinh-phuc-he-lo-sai-pham-cua-cong-ty-kim-long-169220615104812953.htm