Vụ sạt lở mỏ titan khiến 4 người thương vong dưới góc nhìn pháp lý
CQĐT sẽ xác minh làm rõ quy trình khai thác cũng như các yếu tố đảm bảo an toàn của mỏ quặng này để giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.
Sau nhiều nỗ lực tìm kiếm, đến chiều 18/10, các lực lượng chức năng tỉnh Bình Thuận đã tìm được thi thể của nạn nhân cuối cùng trong sự cố sạt lở cát tại khu vực mỏ titan Nam Suối Nhum, xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam.
Nạn nhân được tìm thấy là anh Nguyễn Văn N, 30 tuổi, quê ở Bình Thuận. Thi thể anh N nằm dưới lớp cát sâu nhiều mét. Như vậy, sau 4 ngày xảy ra sự cố, các lực lượng chức năng đã tìm được toàn bộ 4 nạn nhân gồm: Bùi Quang Tr, 36 tuổi, trú tại Đồng Lương, Cẩm Khê, Phú Thọ; Huỳnh Tấn Ph, Nguyễn Văn N, cùng trú tại tỉnh Bình Thuận và Nguyễn Văn Tr, trú tại tỉnh Bình Định. Hiện các lực lượng chức năng tiếp tục phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai các biện pháp khắc phục sự cố.
Trước đó, khoảng 16h ngày 15/10, tại khu vực mỏ titan Nam Suối Nhum, xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận của Cty TNHH Thương mại Tân Quang Cường xảy ra sự cố sạt lở cát ở khu vực bãi thải tạm khiến 4 công nhân làm việc tại hiện trường bị cát vùi lấp. Sự cố còn làm tràn bùn, cát từ khu vực bãi thải đến khu vực văn phòng của Cty TNHH Thương mại Tân Quang Cường khoảng 500m.
Sau khi xảy ra sự cố, UBND tỉnh Bình Thuận đã có công văn chỉ đạo các cơ quan chức năng và Cty TNHH Tân Quang Cường khẩn trương huy động toàn bộ phương tiện, thiết bị, nhân lực tập trung khắc phục sự cố.
Bước đầu, cơ quan chức năng nhận định, nguyên nhân xuất phát từ sự cố về đường ống nước dẫn đến sạt lở từ độ cao 20m xuống, vùi lấp 4 công nhân.
Theo dõi vụ việc trên, luật sư Đinh Thị Nguyên, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, đây là vụ tai nạn lao động nghiêm trọng khiến nhiều người tử vong. Bởi vậy cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân của vụ tai nạn, làm rõ quy trình khai thác cũng như các yếu tố đảm bảo an toàn của mỏ quặng này để giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.
Cơ quan chức năng sẽ làm rõ các điều kiện đảm bảo an toàn trong quá trình khai thác được thực hiện như thế nào, máy móc thiết bị có được sử dụng đúng quy cách, đúng chủng loại và người sử dụng có chuyên môn kĩ thuật phù hợp, có được tập huấn về an toàn lao động hay không để xem xét trách nhiệm pháp lý của cá nhân, tổ chức có liên quan.
Luật sư Nguyên cho biết, trong trường hợp kết quả xác minh cho thấy đã có hành vi vi phạm quy định về an toàn lao động, là nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn, cơ quan chức năng sẽ chuyển hồ sơ cho CQĐT để khởi tố vụ án hình sự về tội "Vi phạm quy định về an toàn lao động" hoặc tội "Vô ý làm chết người" do vi phạm quy tắc nghề nghiệp, theo Điều 128 BLHS năm 2015.
Trường hợp kết quả xác minh cho thấy không có hành vi vi phạm quy định về an toàn lao động, vụ tai nạn xảy ra là do nguyên nhân khách quan, không có lỗi của đơn vị quản lý lao động, CQĐT sẽ không khởi tố vụ án hình sự.
Tuy nhiên, DN phải có trách nhiệm phối hợp với cơ quan chức năng trong việc làm rõ nguyên nhân của vụ tai nạn lao động, đồng thời có những biện pháp hỗ trợ gia đình nạn nhân để đưa họ về quê mai táng theo phong tục địa phương. Bên cạnh đó cần phải hỗ trợ kịp thời chi phí di chuyển và chi phí mai táng để đảm bảo ổn định đời sống tâm lý của gia đình công nhân.
Sau đó, cơ quan chức năng sẽ làm rõ người lao động có ký hợp đồng lao động, có thực hiện đóng bảo hiểm theo quy định của pháp luật hay không? để giải quyết chế độ, quyền lợi của người lao động trong vụ việc này.
"Trường hợp DN vi phạm quy định về hợp đồng lao động, không đóng bảo hiểm cho người lao động, mọi thiệt hại xảy ra trong vụ tai nạn này sẽ do DN chi trả và còn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi vi phạm quy định về quản lý lao động", luật sư Nguyên cho hay.
Điều 128. Tội “Vô ý làm chết người”
Người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Phạm tội làm chết 2 người trở lên, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm.