Vụ sữa bột giả: Bộ Y tế nói quản lý an toàn thực phẩm liên quan nhiều bộ
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết đang tiếp tục phối hợp với Bộ Công an để có căn cứ xử lý các tổ chức, cá nhân có liên quan vụ sản xuất, kinh doanh sữa bột giả.
Ngày 15-4, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) có thông tin chính thức liên quan đến vụ việc sản xuất, kinh doanh sữa giả.
Đa số các thực phẩm được tự công bố
Cục An toàn thực phẩm cho biết liên quan đến việc phòng chống thực phẩm không đảm bảo an toàn, thực phẩm giả, kém chất lượng, Bộ Y tế luôn nhất quán trong chỉ đạo điều hành thông qua xây dựng, trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm; trong công tác phối hợp liên ngành nhất là với Bộ Công an và Ban chỉ đạo 389 của Bộ Công Thương về xử lý thực phẩm giả, thực phẩm có chứa chất cấm.

Công nhân đóng hộp thành phẩm sữa bột tại cơ sở sản xuất, chuẩn bị tung ra thị trường. Ảnh CA
Việc quản lý an toàn thực phẩm được quy định tại Luật An toàn thực phẩm, trong đó quản lý an toàn thực phẩm của các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường), Công Thương và UBND các cấp được quy định tại các Điều 62, 63, 64 và 65; Trách nhiệm “Chủ trì việc phòng chống thực phẩm giả, gian lận thương mại trong lưu thông, kinh doanh thực phẩm” được quy định tại khoản 5 Điều 64 Luật An toàn thực phẩm.
Việc công bố và đăng ký bản công bố sản phẩm thực phẩm được quy định tại Nghị định 15/2018 quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn thực phẩm.
Theo đó, đa số thực phẩm được tự công bố và có 4 nhóm cần kiểm soát chặt hơn thì phải được đăng ký bản công bố sản phẩm với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.
Việc trao quyền công bố sản phẩm cho các doanh nghiệp là để tạo thông thoáng trong thủ tục hành chính, nhưng khi công bố doanh nghiệp phải “cam kết thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm và hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính pháp lý của hồ sơ công bố và chất lượng, an toàn thực phẩm đối với sản phẩm đã công bố” (quy định tại Bản tự công bố và Bản công bố sản phẩm của Nghị định 15/2018).
Quy định này nhằm gắn trách nhiệm trong tuân thủ các điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm và chịu trách nhiệm về an toàn sản phẩm do mình sản xuất, kinh doanh đã được quy định tại điểm a Khoản 2 Điều 7 và điểm a Khoản 2 Điều 8 Luật An toàn thực phẩm.
Chính sách tự công bố và đăng ký bản công sản phẩm của Nghị định 15 là một chính sách tiên tiến, tiệm cận với phương thức quản lý thực phẩm của các nước phát triển trên thế giới.
Tại các nước này, doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm đối với sản phẩm của mình, không cần đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chỉ một số ít các sản phẩm có công bố liên quan đến hỗ trợ bệnh tật mới cần được phê duyệt của cơ quan nhà nước trước khi lưu thông trên thị trường.
Theo quy định tại khoản 8 Điều 40 Nghị định 15/2018, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm “tổ chức tiếp nhận và quản lý hồ sơ, cấp giấy tiếp nhận bản công bố sản phẩm, giấy xác nhận nội dung quảng cáo đối với các sản phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi”.
Ngoài ra, Nghị định 15 cũng quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương đối với việc quản lý các nhóm thực phẩm cụ thể và trách nhiệm trong thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.
Khoản 1 Điều 40 Nghị định 15/2018 quy định UBND cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên phạm vi địa phương, chịu trách nhiệm trước Chính phủ về an toàn thực phẩm tại địa phương; tổ chức xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm theo quy định; chịu trách nhiệm trước Chính phủ và trước pháp luật khi để xảy ra vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn.

Một nhãn hiệu sữa bột giả do các đối tượng sản xuất. Ảnh VTV
Đề xuất tăng chế tài xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm
Công tác hậu kiểm các sản phẩm sau công bố hết sức quan trọng. Bộ Y tế, với vai trò là thường trực Ban chỉ đạo liên ngành trung ương về an toàn thực phẩm, hàng năm xây dựng và ban hành kế hoạch hậu kiểm các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm làm cơ sở cho các bộ ngành và địa phương xây dựng và triển khai kế hoạch của mình; phối hợp liên ngành để xử lý nghiêm các hành vi quảng cáo sai sự thật, lừa dối người tiêu dùng.
Các cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế đã ký Biên bản hợp tác trong đấu tranh phòng chống tội phạm về an toàn thực phẩm với các cơ quan của Bộ Công an, trong đó, Cục An toàn thực phẩm thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ Công an tiến hành kiểm tra định kỳ và đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo thẩm quyền; phối hợp trong các hoạt động chuyên môn, cung cấp hồ sơ giấy tờ liên quan để cơ quan công an làm căn cứ khởi tố vụ án, đặc biệt trong các vụ án sản xuất kinh doanh thực phẩm giả, thực phẩm có chứa chất cấm.
Ngoài ra, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất tăng chế tài xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm đối với các nhóm hành vi hay vi phạm.
Bộ Công an đang đề xuất sửa đổi Bộ Luật hình sự đối với các hành vi liên quan đến an toàn thực phẩm. Đây sẽ là công cụ hữu hiệu để xử lý nghiêm minh các đối tượng cố tình sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, không đảm bảo an toàn.
Hàng năm, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) có các văn bản chỉ đạo sở y tế các địa phương, Sở An toàn thực phẩm TP.HCM triển khai công tác hậu kiểm an toàn thực phẩm trên địa bàn.
Cụ thể, từ đầu năm 2025 đến nay, Cục An toàn thực phẩm đã có 3 văn bản chỉ đạo liên quan đến công tác hậu kiểm năm 2025, công tác triển khai tháng hành động vì an toàn thực phẩm gắn với tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đề nghị các địa phương rà soát, cung cấp thông tin về tình hình tiếp nhận hồ sơ tự công bố và đăng ký bản công bố sản phẩm; cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; tình hình thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với các cơ sở và sản phẩm có liên quan.
Riêng với vụ việc sản xuất, buôn bán và tiêu thụ sữa bột giả có quy mô lớn, hoạt động trên địa bàn TP Hà Nội và các tỉnh lân cận, Cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã khởi tố vụ án.
Vụ việc đang trong quá trình điều tra, Bộ Y tế đã và sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an về các vấn đề chuyên môn để Bộ Công an có căn cứ xử lý đúng pháp luật, truy cứu rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Như PLO đã đưa tin, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam 8 người về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm và Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo cơ quan chức năng, từ tháng 8-2021 đến nay, những người trên đã thành lập Công ty cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group để sản xuất, kinh doanh sữa bột.
Đến nay, đường dây này đã sản xuất 573 nhãn hiệu sữa bột các loại dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, phụ nữ có thai... đã được 2 công ty trên sản xuất, bán ra thị trường, đem lại doanh thu gần 500 tỉ đồng trong khoảng 4 năm.
Hãy là người tiêu dùng thông minh để tự bảo vệ mình
Người tiêu dùng nên ưu tiên lựa chọn các thương hiệu lớn, đã có uy tín như Vinamilk, Abott, TH Group… hoặc các sản phẩm có đầy đủ giấy tờ, chứng nhận, thông tin công khai về hàm lượng, thành phần, đơn vị sản xuất, đơn vị nhập khẩu, phân phối.
Nhìn chung, các sản phẩm sữa uy tín luôn định hướng xây dựng một thương hiệu riêng với bộ nhận diện độc lập, hoàn toàn mới. Trong khi đó, các sản phẩm sữa giả thường có xu hướng được đặt tên theo tên của các sản phẩm nổi tiếng, đã có uy tín. Chẳng hạn, sản phẩm sữa uy tín Ensure của Công ty Abott được một sản phẩm khác đặt tên theo là X-sure hoặc Y-sure, cùng với đó là vỏ hộp, cách thiết kế nhãn dán cũng khá giống, từ đó dễ thu hút người tiêu dùng, khiến nhiều người lầm tưởng.
Đối với các đối tượng sử dụng sữa là trẻ em, phụ nữ mang thai, người mắc bệnh việc mãn tính, lựa chọn sản phẩm sữa uy tín càng có ý nghĩa quan trọng hơn. Người tiêu dùng thông minh cần tìm hiểu thông tin từ nhiều nguồn và đa chiều để tự bảo vệ mình.
Một trong các “chiêu trò” để thu hút người tiêu dùng của các đơn vị sản xuất, kinh doanh sản phẩm sữa kém chất lượng là thường xuyên có quà tặng kèm theo, chiết khấu hấp dẫn, giảm giá sâu… để kích thích, điều hướng người mua. Trong khi đó, các sản phẩm sữa uy tín, chất lượng đã được kiểm chứng thường ít có các hoạt động này.
Song song với đó là sự chênh lệch lớn về giá cả. Các sản phẩm sữa kém chất lượng, sữa giả có chi phí sản xuất thấp, do đó giá bán cũng thấp hơn hẳn, gây ảnh hưởng nặng nề đến tính cạnh tranh công bằng của thị trường sữa.
Từ góc độ doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh, phân phối sản phẩm sữa chính hãng, tôi rất mong các cơ quan chức năng sẽ có biện pháp quản lý, kiểm nghiệm, cấp phép chặt chẽ hơn trước khi một sản phẩm sữa lưu hành
Ông TRẦN VĂN THANH, Quản lý kinh doanh Công ty Cổ phần AZCARE Việt Nam