Vụ sữa giả: Đừng gắn sai trách nhiệm của Bộ Công Thương
Vụ sữa giả là hồi chuông cảnh báo, nhưng quy trách nhiệm cho Bộ Công Thương hay Sở Công Thương Hà Nội là sai thẩm quyền, nguy hiểm về nhận thức pháp lý.
Vụ sữa giả 500 tỷ đồng là hồi chuông cảnh báo nhưng các luồng dư luận cần được soi chiếu bằng luật pháp. Việc quy trách nhiệm cho Bộ Công Thương hay Sở Công Thương Hà Nội với luận điệu 4 năm không kiểm tra sữa giả là sai về thẩm quyền nguy hiểm về nhận thức.
Nỗ lực và kịp thời
Sau khi vụ việc sữa giả 500 tỷ đồng bị triệt phá và dư luận hết sức quan tâm, Bộ Công Thương trong phạm vi trách nhiệm của mình đã kịp thời lên tiếng thông tin về công tác quản lý, phối hợp quản lý.
Trong Công điện hỏa tốc số 2755 ngày 18/4, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trên vai trò Phó trưởng Ban chỉ đạo 389 quốc gia, yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố bám sát diễn biến của thị trường, kịp thời tổng hợp, báo cáo Bộ Công Thương về tình hình biến động của thị trường hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân, đặc biệt là những mặt hàng có hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân.

Vụ sữa giả 500 tỷ đồng gây rúng động trong dư luận (Ảnh minh họa)
Chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương rà soát, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các cơ sở kinh doanh thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên địa bàn, thu hồi các loại thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả đã được phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định.
Thế nhưng, ở một số bài viết và trang mạng xã hội lại đề cập những thông tin không đúng bản chất, khiến dư luận hiểu sai như đặt câu hỏi: Vai trò quản lý của ngành Công Thương ở đâu hay vì sao Sở Công Thương Hà Nội 4 năm liền không kiểm tra 2 doanh nghiệp liên quan tới sữa giả trong vụ án? Thậm chí có cả trang mạng nhân cơ hội này xuyên tạc, phủ nhận vai trò quản lý và nỗ lực của Chính phủ, các bộ ngành.
Ai quản lý sữa: Cần hiểu đúng Nghị định số 15 của Chính phủ
Theo Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật An toàn thực phẩm thì các sản phẩm sữa công thức cho trẻ em, sữa dùng trong y tế thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt đều nằm trong danh mục sản phẩm do Bộ Y tế chủ trì quản lý.
Xin được nhắc lại một phần trong Điều 37 của Nghị định đã nêu rất rõ: Bộ Y tế có trách nhiệm: Chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm theo phân công tại Nghị định này. Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn thực phẩm đối với các nhóm sản phẩm thực phẩm do Bộ Y tế được phân công quản lý.
Hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ về kiểm tra an toàn thực phẩm; tổ chức thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm theo quy định.
Hướng dẫn việc ghi nhãn thực phẩm theo thẩm quyền; công bố hợp quy, công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm; tiếp nhận bản công bố sản phẩm, cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và các thủ tục hành chính khác thuộc phạm vi quản lý được phân công.
Tổ chức hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, thống kê, báo cáo và quản lý rủi ro về an toàn thực phẩm đối với nhóm sản phẩm thuộc phạm vi quản lý.
Chủ trì tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, cung cấp thông tin về an toàn thực phẩm đối với nhóm sản phẩm thuộc phạm vi được phân công quản lý.
Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về an toàn thực phẩm đối với nhóm sản phẩm thuộc phạm vi quản lý.
Đầu mối quốc gia về an toàn thực phẩm trong trao đổi thông tin với các tổ chức quốc tế.
Thông tin rõ ràng, trách nhiệm, xin đừng suy diễn
Quy định đã rõ ràng như vậy và ngay sau khi vụ án sữa giả chấn động dư luận được công bố, trước sự quan tâm của báo chí, công luận, ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, Bộ Công Thương đã trả lời báo chí cho biết, thẩm quyền quản lý nhà nước đối với các sản phẩm sữa được phân định rõ theo từng nhóm sản phẩm và cơ quan chuyên ngành.
Bộ Công Thương có trách nhiệm quản lý đối với nhóm sản phẩm sữa chế biến thông thường, không bao gồm các sản phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, thực phẩm chức năng, hay dược phẩm có thành phần dinh dưỡng đặc biệt, các sản phẩm này hiện nay do Bộ Y tế quản lý.
Theo quy định pháp luật hiện hành, Bộ Công Thương chỉ có thể tiến hành kiểm tra đối với các doanh nghiệp này khi phát hiện dấu hiệu vi phạm trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao.
Trả lời báo chí, bà Nguyễn Kiều Oanh - Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - nhấn mạnh, do không phải là đơn vị có quyền quản lý nhà nước đối với các sản phẩm sữa do Công ty CP Dược phẩm Quốc tế Rance Pharma, Công ty Cổ phần Dinh dưỡng Hacofood Group sản xuất, Sở Công Thương không tiếp nhận hồ sơ tự công bố đối với các sản phẩm sữa của 2 công ty này.
Đồng thời, do đây là các doanh nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý chuyên ngành của ngành y tế, theo quy định của pháp luật hiện hành thì Sở Công Thương không được thực hiện thanh tra chuyên ngành, kiểm tra định kỳ hay hậu kiểm đối với hoạt động sản xuất và cung ứng sản phẩm thực phẩm của hai doanh nghiệp này.
Lực lượng Quản lý thị trường chỉ có thể tiến hành kiểm tra đối với các doanh nghiệp này khi phát hiện dấu hiệu vi phạm trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao.
Công chức chỉ được làm những gì pháp luật cho phép
Trong hệ thống hành chính Việt Nam, nguyên tắc công chức chỉ được làm những gì pháp luật cho phép đã được ghi nhận trong Luật. Việc vượt quyền kiểm tra sai thẩm quyền đối với doanh nghiệp y tế có thể bị kiện bị xử lý kỷ luật hoặc chịu trách nhiệm hành chính nghiêm trọng.
Vì thế, các cơ quan truyền thông người dùng mạng xã hội cần hiểu rõ: Việc quy trách nhiệm sai đối tượng không những khiến việc xử lý thiếu hiệu quả mà còn gây xói mòn niềm tin vào hệ thống; không phát huy được vai trò báo chí trong phản biện xã hội, giúp nâng cao hiệu quả quản lý.
Phản biện xã hội là tốt nhưng phản biện phải đặt trên nền tảng hiểu biết pháp luật. Một nền hành chính hiện đại cần công chức tuân thủ pháp luật và người dân truyền thông giám sát đúng đối tượng.
Việc quy chụp trách nhiệm cho một cơ quan không có chức năng là bất công với những người làm đúng nhiệm vụ của mình đồng thời gây áp lực dư luận sai địa chỉ dẫn đến lúng túng trong phối hợp xử lý
Hãy làm đúng nói đúng và phản biện đúng. Đó là cách chúng ta bảo vệ xã hội minh bạch pháp quyền thay vì chỉ hô khẩu hiệu đạo đức hay gõ phím theo cảm tính.