Vụ sữa giả: Luật sư nói gì về trách nhiệm của những người nổi tiếng?
Liên quan vụ án sản xuất, buôn bán và tiêu thụ sữa bột giả với quy mô đặc biệt lớn xảy ra tại 2 công ty Rance Pharma và Hacofood Group, dư luận đặt câu hỏi về trách nhiệm pháp lý của những người nổi tiếng từng tham gia quảng cáo.
Như đã biết, Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa bột giả với gần 600 chủng loại xảy ra tại Công ty CP dược quốc tế Rance Pharma, Công ty CP dược dinh dưỡng Hacofood Group. Liên quan tới vụ án, 8 đối tượng chủ mưu cầm đầu và có liên quan đã bị khởi tố, bắt tạm giam.

Triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa bột giả với gần 600 chủng loại. Ảnh: VTV
Trước đó, nhiều nghệ sĩ, người nổi tiếng (bao gồm KOL và Influencer) đã từng tham gia quảng cáo về các dòng sữa do 2 doanh nghiệp trên sản xuất. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là hành vi tiếp tay cho tội ác, vì lợi ích cá nhân mà bất chấp, cần phải xử lý nghiêm khắc theo đúng pháp luật. Vậy những người này có phải chịu trách nhiệm trước pháp luật hay không? Và nếu có, trách nhiệm đó sẽ được xác định trên cơ sở pháp lý nào, với chế tài cụ thể ra sao?
Trả lời vấn đề này, Luật sư Bùi Khắc Long, thuộc Đoàn Luật sư TP. HCM cho biết, đây là một trong những vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng, với hàng vạn người tiêu dùng bị ảnh hưởng và tiềm ẩn nguy cơ lớn đối với sức khỏe cộng đồng. Đáng lo ngại, những đối tượng dễ bị tổn thương nhất lại là người cao tuổi, phụ nữ mang thai và trẻ em – các nhóm có sức đề kháng yếu và khả năng tự bảo vệ hạn chế.
Việc sữa giả được tiêu thụ trong thời gian dài mà không bị phát hiện là kết quả của chuỗi thủ đoạn tinh vi, trong đó có hành vi quảng cáo sai sự thật, thổi phồng công dụng, khiến người tiêu dùng tin tưởng. Đặc biệt, các đối tượng đã lợi dụng uy tín và sức ảnh hưởng của người nổi tiếng, KOLs, Influencers để tạo dựng niềm tin giả tạo, dẫn dụ người tiêu dùng.

Theo Luật sư Bùi Khắc Long: Sự nổi tiếng không thể đứng ngoài trách nhiệm pháp lý và bất kỳ hành vi tiếp tay cho sai phạm đều phải được xử lý công minh, đúng pháp luật.
Luật Quảng cáo năm 2012 (sửa đổi bổ sung 2018) đã có những quy định khá đầy đủ, chi tiết về các hành vi bị cấm trong quảng cáo, theo đó “Quảng cáo sai sự thật” là hành vi bị cấm theo khoản 9, Điều 8 Luật Quảng cáo. Theo khoản 5 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP, hành vi này có thể bị xử phạt hành chính lên đến 80 triệu đồng với cá nhân, 160 triệu đồng với tổ chức, kèm theo các biện pháp bổ sung như tước quyền sử dụng giấy phép quảng cáo, buộc gỡ bỏ nội dung sai phạm, thu hồi ấn phẩm quảng cáo, và cải chính công khai. Trường hợp người vi phạm đã bị xử phạt vi phạm hành chính rồi, hoặc đã bị kết án rồi mà còn vi phạm thì có thể còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Quảng cáo gian dối” theo quy định tại điều 197 Bộ luật Hình sự.
Ngoài ra, trong trường hợp nếu các KOLs, Influencers có sự bàn bạc, cấu kết với các bị can của Công ty Rance Pharma và Công ty Hacofood Group thì hành vi này có thể bị xem xét xử lý theo tội “Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm” quy định tại Điều 193 Bộ luật Hình sự với vai trò đồng phạm, hoặc bị xem xét theo các tội danh khác như “Lừa dối khách hàng” (Điều 198), “Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm” (Điều 317). Các tội danh này có khung hình phạt nghiêm khắc, lên đến 20 năm tù hoặc tù chung thân, thể hiện rõ thái độ không khoan nhượng của pháp luật đối với các hành vi xâm hại đến sức khỏe cộng đồng.
Luật sư Long trao đổi thêm, trong thời đại số, khi hình ảnh người nổi tiếng có thể định hướng hành vi tiêu dùng chỉ qua một bài đăng, việc quảng bá sản phẩm mà thiếu kiểm chứng, thiếu trách nhiệm không chỉ là vấn đề đạo đức, mà còn là nguy cơ pháp lý nghiêm trọng. Việc tiếp tay cho hành vi gian dối – dù vô tình hay cố ý – có thể hủy hoại uy tín cá nhân và dẫn đến hệ quả pháp lý nghiêm khắc nếu gây hậu quả thực tế.
Luật sư Long khẳng định, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, khi người nổi tiếng tham gia quảng cáo sản phẩm sai sự thật cần phải xử lý theo đúng mức độ vi phạm. Sự nổi tiếng không thể đứng ngoài trách nhiệm pháp lý và bất kỳ hành vi nào tiếp tay cho sai phạm đều phải được xử lý công minh, đúng pháp luật. Còn người tiêu dùng mua phải hàng kém chất lượng đồng nghĩa quyền lợi hợp pháp bị xâm phạm, hoàn toàn có thể khởi kiện yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh bồi thường thiệt hại theo quy định tại Khoản 5 Điều 4 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.