Vụ tai nạn máy bay trực thăng: Ghi nhận nỗ lực cứu hộ, cứu nạn của các lực lượng
Mặc dù là lần đầu tiên phải xử lý cứu hộ, cứu nạn (CHCN) vụ tai nạn máy bay trên vùng biển, song với sự chỉ đạo kịp thời của Trung ương, công tác hiệp đồng hiệu quả của các ngành, lực lượng, giữa hai địa phương Quảng Ninh - Hải Phòng, đặc biệt là các đơn vị quân đội, sau hơn 36 tiếng đồng hồ, lực lượng tìm kiếm cứu nạn (TKCN) đã tìm được toàn bộ 5 thi thể nạn nhân và trục vớt máy bay bị nạn.
600 người xuyên đêm tìm kiếm cứu nạn
Chiều 5/4, máy bay trực thăng Bell-505, số hiệu VN-8650 của Cty Trực thăng Miền Bắc thuộc TCty Trực thăng Việt Nam (Binh đoàn 18) do một Đại tá phi công điều khiển, chở 4 du khách người Việt thực hiện dịch vụ du lịch ngắm cảnh vịnh Hạ Long từ trên cao, cất cánh lúc 16h56, đã mất liên lạc lúc 17h15.
Triển khai các biện pháp nhanh nhất để tổ chức TKCN tại hiện trường máy bay gặp nạn, lực lượng TKCN có thời điểm lên đến khoảng 600 người, trong đó chủ chốt là lực lượng của tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng, Bộ Quốc phòng, Cục CHCN, Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam, Bộ Tư lệnh Quân khu 3, Quân chủng Hải quân, Quân chủng Phòng không - Không quân, Cảnh sát biển, Trung tâm Phối hợp TKCN Hàng hải Việt Nam, Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an Quảng Ninh và sự tham gia tích cực của các ngư dân đã dàn lưỡi câu rà dưới đáy mặt biển tìm kiếm nạn nhân và máy bay.
Ngay trong đêm 5/4, Quân chủng Hải quân đã thành lập Sở Chỉ huy phía trước do Chuẩn Đô đốc Nguyễn Đình Hùng, Phó Tư lệnh Hải quân chỉ huy. 21h30 ngày 5/4, Tàu 885, Đoàn Đo đạc biên vẽ hải đồ và nghiên cứu biển (Bộ Tham mưu Hải quân) rời bến lên đường làm nhiệm vụ. Đến 3h15 ngày 6/4, Tàu 885 ra đến hiện trường phối hợp cùng các lực lượng TKCN.
Về phía Quảng Ninh, Bộ CHQS tỉnh được giao chủ trì đã nhanh chóng thành lập Sở Chỉ huy phía trước. Tại hiện trường, các lực lượng CHCN tiến hành triển khai theo đúng kế hoạch, sử dụng các phương tiện hiện đại tổ chức tìm kiếm đạt hiệu suất cao.
Lúc 19h18, lực lượng tại hiện trường đã vớt được 2 thi thể cùng một số mảnh vỡ của máy bay. 23h30 ngày 5/4, thi thể Đại tá phi công cũng được tìm thấy.
Khoảng 9h30 sáng 6/4, nhóm thợ lặn tìm thấy nhiều phần thi thể của một nữ du khách ở khu vực đảo Hòn Dép, cách bờ biển xã Gia Luận, huyện Cát Hải, Hải Phòng, khoảng 3km. Xác máy bay và thiết bị Vision 1000 có chức năng ghi lại hình ảnh trong buồng lái cũng được trục vớt.
Đến 8h sáng ngày 7/4, thi thể nạn nhân thứ 5 được tìm thấy cách vị trí xác máy bay khoảng vài trăm mét.
Tiếp tục rà soát, bổ sung cơ chế phối hợp
Kết thúc công tác CHCN vụ tai nạn máy bay vừa qua, Trung tướng Nguyễn Trọng Bình, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và TKCN đã chủ trì cuộc họp rút kinh nghiệm.
Bell-505 là loại trực thăng hạng nhẹ 1 động cơ của Mỹ, do Bell Helicopter thiết kế, sản xuất; được Cục Hàng không Mỹ, Canada, châu Âu cấp giấy chứng nhận loại tương ứng và cũng được Cục Hàng không Việt Nam công nhận chứng chỉ loại năm 2018.
Cty Trực thăng miền Bắc là DNNN được Cục Hàng không cấp giấy chứng nhận khai thác tàu bay, hiệu lực tới 28/2/2024. Đơn vị đang khai thác 2 tàu bay Bell-505 số đăng ký VN-8650 và VN-8651, bay tầm thấp nằm trong khu vực hoạt động hàng không chung do Bộ Quốc phòng cấp phép, quản lý.
Trực thăng VN-8650 có tổng số giờ bay cho tới khi gặp nạn là 488, với 2.655 lần cất/hạ cánh, được bảo dưỡng định kỳ. Cho đến khi tàu bay gặp nạn, Cty Trực thăng miền Bắc đã thực hiện 682 giờ bay du lịch với cả 2 tàu bay, phục vụ trên 7.000 lượt hành khách.
Phi công trong tai nạn có giấy phép lái tàu bay thương mại còn hiệu lực đến tháng 6/2026. Tại thời điểm tai nạn, thời tiết, khí tượng tốt, tầm nhìn 6-8km, nhiệt độ 26 độ C, khí áp 1003, hoàn toàn phù hợp điều kiện bay bằng mắt.
Căn cứ vào các quy định của Việt Nam và thế giới, Cục Hàng không phân loại “đây là tai nạn mức cao, có thiệt hại máy bay và người”. Vì vậy, Cục kiến nghị Chính phủ điều tra nguyên nhân tai nạn, có sự tham gia của các bộ, ngành liên quan, quốc gia thiết kế, quốc gia chế tạo, nhà sản xuất tàu bay và động cơ.
Dù là lần đầu tiên phải xử lý CHCN vụ tai nạn máy bay trên vùng biển, song với sự chỉ đạo kịp thời của Trung ương, công tác hiệp đồng hiệu quả của các ngành, địa phương, nên sau hơn 36 tiếng đồng hồ đã tìm được toàn bộ 5 nạn nhân và trục vớt máy bay bị nạn. Cùng với công tác CHCN tại hiện trường, các đơn vị cũng đã kịp thời thăm hỏi, động viên, hỗ trợ tối đa điều kiện cho gia đình nạn nhân và đưa nạn nhân về địa phương để lo hậu sự.
Trung tướng Bình ghi nhận nỗ lực của các ngành, lực lượng, địa phương, người dân trong công tác CHCN vụ tai nạn máy bay. Nhất là việc chủ động, kịp thời của ngư dân trong báo tin cho các lực lượng chức năng; công tác phối hợp hiệp đồng giữa các lực lượng tại hiện trường, đặc biệt là đội ngũ thợ lặn; cùng với đó là sự sâu sát, kịp thời trong lãnh đạo, chỉ đạo của hai địa phương Quảng Ninh - Hải Phòng.
Qua vụ việc, Trung tướng Bình cũng chỉ ra những hạn chế cần rút kinh nghiệm, trong đó có việc cung cấp thông tin của đơn vị quản lý máy bay là Binh đoàn 18; đồng thời tiếp tục rà soát, bổ sung cơ chế phối hợp, phân công chỉ huy trong xử lý các vụ việc tai nạn, sự cố.