Su-37 là máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư, với thiết bị ổn định ngang hình mũi tên phía trước, được cho là có một tương lai vô cùng tươi sáng. Đây cũng là máy bay chiến đấu đầu tiên của Nga được trang bị bộ điều khiển véc tơ lực đẩy động cơ. Su-37 cũng đã thu hút sự chú ý của Mỹ và NATO.
Tại Triển lãm Hàng không Quốc tế nổi tiếng ở Le Bourge, Pháp tháng 6/1997, các phi công Nga đã khiến các chuyên gia hàng không quốc tế bất ngờ với màn trình diễn chưa từng có trước đó của một máy bay chiến đấu phản lực siêu thanh, được gọi là tiêm kích chiến đấu Su-37.
Chuyến bay trình diễn của MiG-29 và Su-37, lúc đó được gọi là chiến đấu cơ Su-27M, đã làm lu mờ một sản phẩm thử nghiệm chung của Đức và Mỹ khi đó là máy bay chiến đấu thế hệ mới X-31A.
Nhưng chỉ có một nguyên mẫu Su-37 duy nhất được ra đời. Đáng tiếc, tuổi thọ của chiếc máy bay này chỉ kéo dài trong vòng 7 năm. Nó có số phận bi thảm trong một vụ tai nạn thảm khốc, dẫn đến việc toàn bộ dự án Su-37 bị đình chỉ.
Máy bay chiến đấu Su-37 được sản xuất dựa trên phiên bản Su-27 huyền thoại của Liên Xô, với hy vọng tạo ra một loại máy bay chiến đấu chống lại tiêm kích tàng hình F-22 của Mỹ.
Máy bay ban đầu được định danh là Su-27M, sau đó được đổi tên thành Su-37. Giống như phiên bản gốc, Su-37 được thiết kế để trở thành máy bay chiến đấu đa năng, hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết bất kể ngày đêm. Máy bay thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 4/1996.
Su-37 là một máy bay chiến đấu lớn với đôi cánh xuôi ngược. Thân máy bay dài về phía trước, có đặc điểm là mũi nhọn, là nơi chứa hệ thống radar. Phi công ngồi trong buồng lái bằng kính với tầm nhìn tuyệt vời, buồng lái của Su-37 là màn hình tinh thể lỏng. Hai vây đuôi thẳng đứng ở phía sau, mỗi vây nằm trên đầu ống xả động cơ.
Hệ thống radar mảng pha Doppler xung N011M Bars cung cấp cho máy bay khả năng không đối không và không đối đất đồng thời. Radar có khả năng theo dõi 20 mục tiêu trên không và hướng tên lửa về phía 8 mục tiêu trong số đó cùng lúc.
Su-37 có thể đạt tốc độ tối đa 2.500 km/h ở độ cao và ở mực nước biển, nó có thể bay với vận tốc 1.400 km/h (870 dặm/giờ). Tầm hoạt động 3.300km (2.100 mi), trần bay 18.800m (61.700 ft), tốc độ lên cao 230 mét/giây (45.000 ft/phút).
Su-37 được trang bị pháo 30mm GSh-30-1 bên trong với 150 viên đạn. Nó có 12 điểm cứng, bao gồm 2 đường ray ở đầu cánh và 10 trạm ở cánh và thân với sức chứa 8 tấn (17.630 lb) bom đạn.
Máy bay chiến đấu này có thể mang hỗn hợp tên lửa tầm ngắn R-73E, R-77 để không chiến và nhiều tên lửa dẫn đường bằng radar cho vai trò tấn công mặt đất. Su-37 được coi là máy bay chiến đấu cơ động nhất trong số các biến thể được phát triển từ Su-27, nó cũng được coi là máy bay có khả năng cơ động tốt nhất của Nga trong quá khứ.
Mọi hy vọng dành cho chiếc máy bay chiến đấu hiện đại này đã chấm dứt vào ngày 19/12/2002. Khi đang thực hiện một chuyến bay thẳng đứng để giảm tốc độ, chiếc Su-37 đã bị rơi và vỡ tung do liên tục vượt quá tải trọng thiết kế của máy bay trong suốt 6 năm thử nghiệm.
Tuy nhiên, từ kinh nghiệm chế tạo Su-37, Nga đã phát triển các phiên bản khác như Su-35 - loại tiêm kích được coi là nguy hiểm nhất của Nga ở thời điểm hiện tại.
Những công nghệ hiện đại trên Su-37 cũng đã giúp Nga hiện đại hóa hiệu quả dòng máy bay xuất khẩu Su-30MKI và chiếc máy bay này đóng vai trò tiên phong mở đường cho những dòng máy bay có khả năng cơ động cao hơn sau này. Nguồn ảnh: Airplanes.
Thái Hòa