Vụ tài xế Mercedes tông chết người: Vì sao hủy toàn bộ bản án sơ thẩm?
TAND TP.HCM tuyên bố hủy toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND quận Phú Nhuận (TP.HCM) trong vụ tài xế Mercedes gây tai nạn, để điều tra, xét xử lại.
Bị cáo Phong tại phiên tòa phúc thẩm.
Ngày 22/4, trong phiên phúc thẩm vụ tài xế Mercedes Nguyễn Trần Hoàng Phong (ngụ quận Gò Vấp) gây tai nạn khiến nữ tiếp viên hàng không Nguyễn Thị Bích Hường bị thương tật 79% và tài xế xe ôm công nghệ tử vong, TAND TP.HCM tuyên bố hủy toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND quận Phú Nhuận (TP.HCM), yêu cầu TAND quận Phú Nhuận chuyển toàn bộ hồ sơ cho VKS để điều tra, xét xử lại.
Trong vụ án lần này, HĐXX nhận định rằng bị cáo Phong điều khiển xe ô tô đi không đúng phần đường quy định, chạy quá tốc độ (84km/h), lấn trái sang đường ngược chiều làm một người chết và một người bị thương tật đến 79%.
Ngoài ra, thiệt hại về tài sản mà bị cáo gây ra bao gồm: tiền xe máy của tài xế xe ôm công nghệ (13 triệu đồng), tiền thiệt hại cây phượng của công ty cây xanh TP.HCM (29 triệu đồng).
HĐXX cho rằng có trường hợp vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng hình sự mà cấp phúc thẩm không thể khắc phục tại phiên tòa.
Cụ thể, các cơ quan tố tụng chỉ xác định được người bị hại là tài xế xe ôm công nghệ (ông T.) và nữ tiếp viên hàng không (chị Hường) mà không xác định một bị hại khác chính là đơn vị quản lý cây xanh. Cơ quan tố tụng chỉ xác định rằng đơn vị này là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Việc xác định không đúng tư cách người tham gia tố tụng dẫn đến xâm phạm nghiêm trọng quyền lợi hợp pháp của người bị hại là một thiếu sót rất lớn.
Ngoài ra, sau khi thu thập tài liệu chứng cứ, VKSND TP.HCM xác minh rằng, vào ngày 22/6/2020, bị cáo có thực hiện hành vi sang tên căn hộ cho bà Mi (mẹ bị cáo) trong quá trình bị tạm giam.
Tuy nhiên, tại phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, bà Mi đều cho rằng căn hộ trên được mua bởi tiền của bà Mi, được gia đình của bà cho nhưng do giấy tờ thất lạc, không thể đứng tên, chứ căn nhà này không phải tài sản của bị cáo.
Xét thấy việc bà Mi đã được sang tên căn hộ nhưng hậu quả mà các bị hại phải chịu chưa được khắc phục, cộng thêm việc lời khai của bà Mi mâu thuẫn hoàn toàn với đơn đề nghị của bị cáo nộp cho cơ quan điều tra, HĐXX cho rằng đây là vấn đề các cơ quan tố tụng chưa làm rõ, sẽ ảnh hưởng đến việc đảm bảo tài sản của các bị cáo sẽ được dùng để khắc phục hậu quả gây ra cho các bị hại.
Bị hại Nguyễn Thị Bích Hường (nữ tiếp viên hàng không) tại phiên tòa.
Trước đó, bị hại là nữ tiếp viên hàng không Nguyễn Thị Bích Hường đã gửi đơn kháng cáo đề nghị cấp phúc thẩm buộc hai công ty cho Phong thuê xe phải liên đới cùng Phong bồi thường. Chị cũng đề nghị HĐXX phúc thẩm xem xét hành vi tẩu tán tài sản nhằm né trách nhiệm bồi thường, đồng thời đề nghị tòa có biện pháp kê biên tài sản này của Phong để đảm bảo thi hành án về phần dân sự.
Đại diện bị hại gia đình tài xế xe ôm công nghệ đề nghị tăng án với Phong, buộc trách nhiệm liên đới bồi thường của công ty cho thuê xe.