Vụ tấn công cơ sở lọc dầu ở Saudi Arabia đe dọa an ninh năng lượng
Vụ máy bay không người lái tấn công các cơ sở sản xuất dầu ở Saudi Arabia liệu có khiến an ninh năng lượng của thế giới bị đe dọa?
Saudi Arabia sáng 18/9 tuyên bố sẽ khôi phục sản lượng dầu bị giảm sút vào cuối tháng này và đảm bảo nguồn cung cho các khách hàng như mức trước khi xảy ra vụ tấn công bằng cách sử dụng kho dự trữ còn khá lớn.
Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Abdulaziz bin Salman cho biết sản lượng dầu trung bình trong tháng 9 và tháng 10 sẽ đạt 9,89 triệu thùng/ngày và sẽ đảm bảo nguồn cung đầy đủ cho khách hàng trong tháng 9. Giám đốc điều hành tập đoàn Aramco, chủ sở hữu 2 nhà máy bị tấn công cũng khẳng định thiệt hại là không quá lớn so với quy mô của tập đoàn.
Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia lạc quan thông báo: “Tôi muốn thông báo rằng nguồn cung cấp dầu lửa sẽ trở lại thị trường với khối lượng như thời điểm trước khi xảy ra vụ tấn công. Tôi muốn nêu câu hỏi là liệu quý vị có thể tìm ra nơi nào trên thế giới có công ty có thể vượt qua cuộc tấn công kinh hoành như tập đoàn Aramco của chúng tôi. Tập đoàn này đã vươn dậy như phượng hoàng lửa tái sinh từ đống tro tàn”.
Saudi Arabia cho biết nguồn cung cho các khách hàng châu Á, vốn tiêu thụ hơn 70% tổng xuất khẩu dầu thô của nước này, sẽ vẫn ổn định. Các nhà máy lọc dầu quốc doanh ở Ấn Độ, Trung Quốc được đảm bảo nhận đủ khối lượng dầu thô từ Saudi Arabia trong tháng 9 và 10. Tại Hàn Quốc cũng không có tín hiệu nguồn cung bị gián đoạn trong ngắn hạn.
Giá dầu đã giảm 5% ngay sau khi có thông tin . Trước đó, hôm 16/9, giá dầu đột ngột tăng hơn 20%, mức tăng cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng vùng Vịnh 1990-1991. Tuy nhiên, giới chuyên gia vẫn thận trọng cho rằng, không nên để xảy ra tình trạng đứt quãng nguồn cung mới, vì các nhà buôn sẽ rao giá cao hơn. Dù vụ cháy đã được kiểm soát nhanh chóng, nhưng có những thiết bị rất phức tạp tại 2 cơ sở bị tấn công cần được thử nghiệm lại sau khi sửa chữa.
Có những yếu tố khách quan giúp giá dầu không bị đẩy quá cao. Đó là hiện nay, kho dự trữ dầu toàn cầu đang nhiều hơn bình thường, trong khi nền kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại nên nhu cầu năng lượng cũng giảm bớt. Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) tuần trước thậm chí bày tỏ lo ngại về dư thừa nguồn cung hơn là thiếu.
Tuy nhiên, các vụ tấn công vừa qua cho thấy tính dễ tổn thương của ngành dầu lửa Saudi Arabia và rộng hơn là kinh tế toàn cầu. Nếu các cơ sở lọc dầu trên không được sửa chữa nhanh chóng, sự gián đoạn nguồn cung có thể làm giảm 7,4 triệu thùng dầu thô xuất khẩu mỗi ngày của nước này trong 3 quý tới, tương đương 5% nguồn cung dầu trên thị trường quốc tế.
Vụ việc cũng làm dấy lên lo ngại nguy cơ gián đoạn nguồn cung lớn hơn nếu tiếp tục xảy ra các vụ tấn công khác vào các mỏ dầu và đường ống dẫn dầu của Saudi Arabia, thành viên chủ chốt của OPEC, cung cấp 10% sản lượng dầu thô thế giới. Từ thực tế đó, Saudi Arabia cần phải có biện pháp mạnh để bảo vệ các cơ sở dầu lửa, và cho dù Iran phủ nhận liên quan đến các vụ tấn công, cần phải hạ nhiệt để tránh tái diễn các vụ tấn công tương tự./.