Vụ Tập đoàn Phúc Sơn và chuyện suy thoái lối sống, hành xử của một bộ phận cán bộ

Tuyên án vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn và các đơn vị liên quan, HĐXX cho rằng, hành vi của các bị cáo gây bất bình dư luận, là biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và cách hành xử của một bộ phận cán bộ, đảng viên.

Hôm nay (11/7) TAND TP Hà Nội tuyên phạt 41 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn và các đơn vị liên quan.

Ngoài mức án tuyên các bị cáo, HĐXX cũng đưa ra nhận định cho rằng, hành vi của các bị cáo đã xâm phạm đến uy tín, danh dự của các cơ quan, tổ chức liên quan, gây thiệt hại, thất thoát, lãng phí đặc biệt nghiêm trọng đến tài sản Nhà nước.

Hành vi của các bị cáo dẫn đến việc không bảo đảm tính công bằng, minh bạch trong đấu thầu; gây ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư, đến việc huy động các nguồn lực xã hội; gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và cả nước.

HĐXX cho rằng, hành vi của các bị cáo còn gây bức xúc, bất bình trong dư luận xã hội, là biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và cách hành xử của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên nguyên là các lãnh đạo chủ chốt của các tỉnh; làm mất niềm tin, uy tín của Đảng và các cấp chính quyền, đe dọa đến sự tồn vong của chế độ ở từng địa phương.

HĐXX. Ảnh: CTV

HĐXX. Ảnh: CTV

Một số dự án do bị cáo Nguyễn Văn Hậu (Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn) thực hiện có tính chất, mức độ, hậu quả, thiệt hại của hành vi khác nhau, có thể trực tiếp hay gián tiếp. Nhưng hành vi của bị cáo này là tiền đề, là điều kiện để các bị cáo khác thực hiện các hành vi sai phạm. Hành vi của mỗi bị cáo là một mắt xích, một khâu đoạn trong chuỗi các hành vi phạm tội gây ra hậu quả, thiệt hại.

Do đó, việc khởi tố, truy tố và đưa các bị cáo ra xét xử, áp dụng hình phạt nghiêm minh đối với từng bị cáo, ở từng tội danh, dựa trên tính chất, mức độ, hậu quả hành vi của các bị cáo là cần thiết, nhằm xử lý nghiêm những cá nhân có hành vi đi ngược lại lợi ích của Nhà nước, nhân dân và xã hội; nhằm đấu tranh, phòng ngừa tội phạm về kinh tế, tham nhũng nói riêng và các tội phạm khác nói chung trong giai đoạn hiện nay.

Về các tình tiết giảm nhẹ của các bị cáo, HĐXX cho rằng, quá trình điều tra và tại phiên tòa, về cơ bản các bị cáo đều thành khẩn khai nhận hành vi vi phạm, nhận thức được sai phạm của mình. Các bị cáo đều đề nghị xem xét đến những nguyên nhân, điều kiện, bối cảnh dẫn đến sai phạm, mong được đánh giá đúng bản chất của tội, để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

HĐXX đánh giá cao thái độ và nhận thức tích cực của tất cả các bị cáo trong vụ án, đặc biệt là sự hợp tác tích cực của các bị cáo trong quá trình điều tra. HĐXX nhấn mạnh đến sự hợp tác đặc biệt tích cực của bị cáo Nguyễn Văn Hậu, nhóm các bị cáo thuộc Tập đoàn Phúc Sơn và bị cáo Đặng Trung Hoành (cựu Chánh Văn phòng huyện ủy Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long).

Theo HĐXX, sự hợp tác của các bị cáo trên với Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã góp phần làm sáng tỏ bản chất vụ án. HĐXX ghi nhận đây là các tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo. HĐXX cũng căn cứ và nguyên nhân, mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo để quyết định áp dụng hình phạt dưới khung cho tất cả các bị cáo trong vụ án, trừ hành vi đưa hối lộ của bị cáo Nguyễn Văn Hậu.

T.Nhung

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vu-tap-doan-phuc-son-va-chuyen-suy-thoai-loi-song-cach-hanh-xu-cua-can-bo-2420530.html