Vụ tàu vào ga Sài Gòn dừng khẩn: Lộ bất cập đóng gác chắn đường ngang
Công ty cổ phần đường sắt Sài Gòn tạm đình chỉ kíp trực sau vụ việc đầu tàu trên đường vào ga Sài Gòn phải dừng khẩn vì gác chắn chưa hạ. Từ đây, nhiều bất cập trong quy trình đóng gác chắn đường ngang ở khu đô thị lớn.
Ông Nguyễn Công Đông- Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đường sắt Sài Gòn cho biết chiều 9/10, một ngày sau khi xảy ra vụ việc trên, các phòng ban chuyên môn đang điều tra làm rõ nguyên nhân.
"Hiện sai ở đâu chưa biết, có thể do thông báo chậm hay công nhân ra đóng chắn chậm. Dù vậy, phía công ty đã tạm đình chỉ kịp trực để làm rõ nguyên nhân, truy trách nhiệm và xử lý theo quy định"- ông Đông thông tin và nhìn nhận sự việc này rất nguy hiểm nhưng may mắn chưa gây hậu quả nghiêm trọng.
Quy trình đóng gác chắn lộ bất cập
Theo tin từ Công ty cổ phần đường sắt Sài Gòn, sự việc xảy ra chiều 8/10, đầu máy đơn (chạy thử khu vực TP.HCM) đang trên đường vào ga Sài Gòn, không phải cả đoàn tàu khách hay tàu hàng.
Khi đầu máy chạy vào khu gian, trước đường ngang trên đại lộ Phạm Văn Đồng, kíp trực có trực ban và điều độ đã có báo cáo, thông tin kế hoạch thời gian tàu chạy qua cho toàn bộ nhân viên biết.
“Thực tế vị trí gác chắn này có hai đường ngang liền nhau. Hướng từ trong trung tâm đi ra TP Thủ Đức khi nhận thông tin, anh em đóng chắn liền. Hướng ngược lại Thủ Đức đi về thành phố, các nhân viên ra vị trí đón tàu và thấy xe đông, do đó, họ đứng canh thời gian đóng chắn; nếu đóng chậm thì mất an toàn, đóng lâu quá lại kẹt xe”- lãnh đạo Công ty cổ phần đường sắt Sài Gòn giải thích.
Cũng theo ông Nguyễn Công Đông, đầu máy chạy đơn chỉ chạy với tốc độ 30-40km/h. Thời điểm cách hơn 500m, các nhân viên quan sát thấy và để an toàn giao thông đường bộ, không ách tắc, nên ra tín hiệu cho các phương tiện dừng, sau đó quay lại đóng chắn.
“Về mặt quy trình thì không đúng, nhưng đảm bảo được an toàn và đồng thời giảm ách tắc giao thông. Thời điểm, đầu tàu di chuyển đến đường ngang, các loại xe cũng đã dừng. Do thanh chắn chưa hạ nên lái tàu cũng phải cho đầu tàu dừng lại. Sau đó, các bên liên quan cũng đã lập biên bản vụ việc"- ông Đông thông tin thêm.
Cũng vị này, thực tế từng chuyến tàu khi di chuyển qua đường ngang sẽ có quy định tốc độ. Ví dụ, tại đường ngang với đường Phạm Văn Đồng, tốc độ tàu khách cho phép chạy 50-60km/h, tàu máy đơn chạy 30-40km/h.
"Anh em trong nghề sẽ biết mác tàu, loại tàu hàng, tàu khách nào để đưa ra phương án đóng gác chắn sớm hay muộn nhằm đảm bảo an toàn giao thông qua khu vực. Nếu là đoàn tàu hoặc tàu hàng, nhân viên chắc chắn sẽ đóng sớm. Theo quy định, thời gian đóng gác chắn trước khi tàu chạy qua là 90 giây.
Trong vụ việc hôm qua, anh em làm một số việc theo quy trình bắt buộc, nhưng cũng theo kinh nghiệm để giảm ùn tắc giao thông. Vì chủ quan nghĩ đầu máy đơn, muốn giảm ùn tắc khi đang đông phương tiện nên ra canh, điều tiết trước rồi mới đóng gác chắn. Do đó mới xảy ra sự việc trên..." - ông Đông nêu lý do.
Tính đến nay, trên địa bàn 34 tỉnh, thành có đường sắt quốc gia đi qua, có 619 đường ngang có người gác, bao gồm 3.200 nhân viên gác chắn.
Thông thường khi trực ban báo tàu sắp qua chắn, trung bình 10-15 phút tàu mới tới đường ngang, nhưng cũng có lúc tới sớm hoặc tới chậm. Khu vực đường sắt đoạn qua chắn trên đường Phạm Văn Đồng (quận Gò Vấp) nơi xảy ra sự cố hôm qua cũng không phải là trường hợp ngoại lệ.
Tuyến đường Phạm Văn Đồng giao với đường sắt là trục đường huyết mạch cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất, có lưu lượng phương tiện đông đúc. Hiện các nhân viên trực gác chắn phải ra vị trí đón tàu và canh thời gian tàu đến để thực hiện việc hạ gác chắn. Do đó, việc đóng chặn này gây nhiều bất cập, vì nếu đóng chậm thì mất an toàn, còn đóng sớm thì lại gây ách tắc, kẹt xe.
Hiện nay, một số chắn đã được ngành đường sắt áp dụng các thiết bị cảm biến báo tàu đến gần và sắp tới. Cảm biến được lắp ở đường ray cách chắn khoảng 1-2km, khi có tàu chạy qua điểm gắn thiết bị, bộ cảm biến sẽ truyền tín hiệu từ xa về làm nháy đèn, hú còi liên tục tại phòng trực và ngoài đường ngang để cảnh báo. Việc này cũng tránh được tình trạng nhân viên lơ là khi làm nhiệm vụ.
Thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần sớm áp dụng rộng rãi hơn, nhất là khu vực các điểm giao cắt với đường ngang tại các đô thị lớn như TP.HCM.