Vụ tên lửa rơi xuống Ba Lan: Sự bình tĩnh 'cứu thế giới' của ông Biden
Trên thực tế, trong vài giờ sau khi tin khẩn được báo cáo lần đầu tiên, ông Biden đã triệu tập một nhóm các nhà lãnh đạo G20 trong một cuộc họp kín ở Bali để điều phối phản ứng.
Rạng sáng ngày 16/11 ở Bali (Indonesia), khi Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn đang ngủ sau ngày làm việc dài với Thượng đỉnh G20, các trợ lý ở bên kia bán cầu đã đánh thức ông vì tin khẩn: Một tên lửa nghi là do Nga sản xuất đã tấn công thành viên NATO là Ba Lan và giết chết 2 người…
Những giờ khắc hoang mang
CNN dẫn các nguồn tin kể lại, vào 5 giờ 30 phút sáng 16/11 theo giờ Bali, Tổng thống Biden, vẫn mặc áo phông và quần kaki, đang nói chuyện điện thoại với người đồng cấp Ba Lan Andrzej Duda để tìm hiểu rõ ràng về nguồn gốc thực sự của tên lửa - yếu đố mang tính quyết định liệu đây có phải là một cuộc tấn công có chủ ý vào thành viên NATO như Ba Lan, sẽ kéo theo phản ứng quân sự tập thể từ liên minh.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, người tháp tùng ông Biden tại G20 cũng đã bị các trợ lý đập cửa đánh thức vào khoảng 4 giờ sáng (giờ địa phương) về vụ nổ - tin tức mà hầu hết các quan chức Mỹ chỉ được biết từ báo cáo công khai và các cuộc trò chuyện với giới chức Ba Lan. Các quan chức Ba Lan bắt đầu nắm thông tin về một vụ nổ có thể xảy ra ở ngôi làng biên giới phía Đông Przewodow vào khoảng 10 giờ sáng ngày 15/11 - 11 (giờ tối cùng ngày theo giờ Bali). Thông tin lần đầu tiên được công khai và thông báo cho các đồng minh vào khoảng 2 giờ sáng theo giờ Bali.
Trở lại Washington hôm 15/11, khi Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đang họp với Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Kathleen Hicks và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mark Milley thì một phụ tá cắt ngang với tin tức về vụ nổ. Cả ba quan chức được cho đã ngay lập tức gọi điện cho những người đồng cấp Ba Lan.
Không lâu sau đó, vào khoảng 2 giờ chiều ngày 15/11 theo giờ Washington, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, Tướng Pat Ryder đã chịu sức ép phải tổ chức một cuộc họp báo, khi mà ngay cả một số quan chức của Lầu Năm Góc thậm chí chỉ mới nghe tin về một tên lửa tấn công Ba Lan từ các phương tiện truyền thông. Theo CNN, Lầu Năm Góc lúc bấy giờ không có gì để chứng minh một vụ phóng tên lửa của Nga đã tấn công lãnh thổ NATO.
Cuối cùng, theo một quan chức giấu tên nói với CNN, cánh báo chí tại Mỹ đã lập luận và tham mưu rằng việc hủy bỏ cuộc họp báo vào phút chót chắc chắn sẽ gây ra sự hoảng loạn mà các quan chức muốn tránh. Đó là lý do vì sao khi Tướng Ryder đứng trên bục phát biểu hôm 15/11, ông buộc phải lặp đi lặp lại những câu hỏi mở về tên lửa đã rơi xuống Ba Lan, thay vì có bất cứ khẳng định nào chắc chắn.
Trong khi đó, người dùng mạng xã hội đã tích cực thảo luận, đẩy “Thế chiến thứ 3” trở thành chủ đề thịnh hành. Các tổ chức báo chí truyền thông nhanh chóng đăng tải các tin bài giật gân, phác thảo những gì NATO cần để viện dẫn Điều 5 trong hiến chương phòng thủ tập thể của mình. Và trên khắp thế giới, công chúng bắt đầu nhắc lại những tuyên bố trước đây của Tổng thống Joe Biden về việc Mỹ sẽ chiến đấu để bảo vệ “từng tấc đất” của NATO.
Sự bình tĩnh ngăn thảm họa thế chiến
Khi trời Bali dần sáng tỏ và có thêm thông tin tình báo, quan chức Mỹ đã kiểm tra các hệ thống tình báo vệ tinh và nhận định với đối tác Ba Lan rằng tên lửa rơi xuống một trang trại ở vùng viễn đông của nước này, dường như đã bị bắn hạ và được phóng từ hệ thống phòng không của Ukraine.
Sau nhiều giờ lo lắng, Tổng thống Biden là người đầu tiên hạ nhiệt căng thẳng, nói với các phóng viên rằng thông tin ban đầu cho thấy tên lửa “không có khả năng được phóng từ Nga”, đồng thời hứa hỗ trợ cuộc điều tra của Ba Lan. Ngay cả chính Nga, quốc gia thường xuyên cáo buộc thế giới phương Tây là kẻ gây chiến thực sự trong cuộc xung đột với Ukraine, cũng đã lên tiếng ca ngợi nhà lãnh đạo Mỹ vì phản ứng kiềm chế của ông.
“Trong trường hợp này, cần chú ý đến phản ứng kiềm chế và chuyên nghiệp hơn cả của phía Mỹ và Tổng thống Mỹ” - phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với báo giới hôm 16/11, nhấn mạnh rằng sự cố tên lửa ở Ba Lan lý giải vì sao “một người không bao giờ nên vội vàng đưa ra những phán quyết và tuyên bố có thể làm leo thang tình hình”.
Trên thực tế, trong vài giờ sau khi tin khẩn được báo cáo lần đầu tiên, ông Biden đã triệu tập một nhóm các nhà lãnh đạo G20 trong một cuộc họp kín ở Bali để điều phối phản ứng. Cuối ngày, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Adrienne Watson đã đưa ra một tuyên bố bày tỏ sự thông cảm với Ba Lan, đồng thời tuyên bố việc Ukraine sử dụng tên lửa để chống lại cuộc tấn công của Nga là chính đáng.
Tổng thống Ba Lan Andrezj Duda - một thành viên của Đảng Luật pháp và Công lý theo chủ nghĩa dân tộc chống Nga - cũng đã thể hiện sự nguôi ngoai trong các phát biểu nhờ những biểu hiện đoàn kết của Washington. Trong một cuộc họp báo hôm 16/11, ông Duda tuyên bố: “Từ thông tin mà chúng tôi và các đồng minh có được, đó là một tên lửa S-300 do Liên Xô sản xuất, một tên lửa cũ và không có bằng chứng nào cho thấy nó được phóng bởi phía Nga. Rất có khả năng nó đã được bắn bởi lực lượng phòng không Ukraine”.
Đáng nói, các động thái này như an bài tất cả, bất chấp việc Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 16/11 tiếp tục khẳng định rằng tên lửa rơi xuống Ba Lan không được phóng bởi lực lượng Ukraine. Ông Zelensky cũng bày tỏ sự thất vọng khi các quan chức Ukraine không được phép tham gia cuộc điều tra chung giữa Ba Lan và Mỹ về vụ việc, và nói rằng ông muốn xem số hiệu trên tên lửa thu được.
Daniel Fried, cựu Đại sứ Mỹ tại Ba Lan dưới thời Tổng thống Bill Clinton, hiện là thành viên của Hội đồng Đại Tây Dương, nói với Newsweek: “Người Ba Lan đã xử lý việc này rất tốt và chính quyền Biden cũng vậy. Thay vì tỏ ra lạnh lùng hoặc phớt lờ những lo ngại của người Ba Lan… bản năng đầu tiên của người Mỹ là nói rằng “chúng tôi sát cánh cùng các đồng minh của mình”. Và vì họ đã hành động đoàn kết như vậy, những người của Biden sau đó có thể nói rằng “hãy cùng tìm hiểu sự thật”. Người Ba Lan tất nhiên không có lý do để từ chối”.
Một số chuyên gia cũng nhấn mạnh sự tương phản trong phản ứng của ông Biden với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump - người đã đổ lỗi cho Nga phóng tên lửa trong bài phát biểu vào tối 15/11 (giờ Mỹ) thông báo về chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2024 của ông.
Khi còn đương chức, vị cựu Tổng thống đã nhiều lần gây sốc khi đe dọa chiến tranh hạt nhân sau một loạt vụ thử tên lửa của Chính phủ Triều Tiên vào năm 2017, hay ra lệnh ám sát Tướng Qasem Soleimani hàng đầu của Iran vào năm 2020 sau cuộc tấn công vào Đại sứ quán Mỹ của lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn ở Iraq. Quyết định đó dẫn đến việc Iran thực hiện một cuộc tấn công bằng tên lửa trả đũa vào một căn cứ quân sự của Mỹ khiến 110 binh sĩ bị thương.
“Rất vui vì chúng ta có Biden chứ không phải Trump, khi chúng ta phải đối mặt với khủng hoảng an ninh nghiêm trọng như thế này, với các cuộc tấn công bằng tên lửa xuyên biên giới Ba Lan, đòi hỏi một bàn tay vững vàng, nhiều kinh nghiệm và phải là một người trưởng thành” - Laura Rozen, một cây bút chính sách ngoại giao quốc tế và thường xuyên phản biện chính quyền Trump, đã viết trên tweet hôm 16/11.